1 thg 6, 2017

An Khê nối mạch nghìn năm Sa Huỳnh

Đầm An Khê sóng vỗ miên man giữa chiều phai nắng. Xa xa, thấp thoáng bóng người chèo ghe buông lưới, ẩn hiện giữa làn sương mờ ảo. Gió xào xạc cành lá như lời thì thầm của những cư dân Sa Huỳnh cổ vọng về từ hàng nghìn năm trước.

Di vật nghìn năm

Đầu hạ, tôi lang thang trên vùng đất Sa Huỳnh (Đức Phổ), nơi hơn trăm năm trước nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện hàng trăm quan tài bằng chum. Những chiếc chum bằng đất nung thuở ấy đã thu hút giới khoa học tổ chức nhiều đợt khai quật, nghiên cứu. Qua đó, họ phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh với niên đại khoảng 3.000 năm trước, trải rộng trên địa bàn từ Quảng Bình đến nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng một số quần đảo.

Những vật dụng bằng sắt: Cuốc, dao, kiếm, lao, đục, xà beng… được phát hiện khẳng định người Sa Huỳnh cổ là cư dân nông nghiệp và đi biển. Giới nghiên cứu khảo cổ còn khẳng định, nền văn hóa này có sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng ở Đông Nam Á, Trung Hoa và Ấn Độ cổ xưa.

Trong những mộ chum khai quật có gương đồng của nhà Tây Hán, đỉnh đồng nhà Đông Hán và nhiều đồ trang sức, chứng tỏ họ có một nền sản xuất hàng hóa cùng với sự giao thương khá phát triển. Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích văn hóa quốc gia và đang xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Gò Ma Vương nằm cạnh đầm An Khê, là nơi đầu tiên phát hiện những mộ chum bằng đất nung chứa những điều huyền bí từ xưa. Khai quật dần mở rộng những điểm xung quanh ở Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức. Các nhà khảo cổ học cho rằng, đây không chỉ là nơi phát hiện đầu tiên mà còn là chiếc nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Tuyến QL1 chạy ven đầm An Khê. 

Theo khảo sát của đơn vị chức năng và các chuyên gia khảo cổ học, di sản, môi trường… thì khu vực đầm và vùng phụ cận là không gian, môi trường sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ. Nơi đây chứa nhiều nguồn tài nguyên quan trọng để họ khai thác, phục vụ cho cuộc sống, đồng thời là nguồn gốc phát sinh, phát triển và lan tỏa văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó, đầm An Khê là mắc xích quan trọng nhất vì là nơi cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ.

Trong lịch sử, đầm An Khê đã đóng góp rất nhiều cho giao thương khu vực. Bởi vì, đầm có một con lạch khá lớn thông ra biển, thương thuyền có thể vào ra. Vì thế, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chỉ đạo đơn vị chức năng lập dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê và vùng lân cận. Đơn vị chức năng cũng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của khu bảo tồn văn hóa Sa Huỳnh nằm cạnh đầm nước mênh mông.

Dấu tích Chăm Pa

Sử liệu khẳng định hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh cổ là dân tộc Chăm sống trên dải đất miền Trung rồi phân tán, sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới. Dân tộc Chăm đã xây dựng vương quốc của riêng mình: Lâm Ấp, Chiêm Thành, Panduranga, tồn tại hàng nghìn năm lịch sử. Họ là những nghệ nhân tài ba khi chế tác những vật dụng tinh xảo khiến hậu thế phải trầm trồ thán phục.

Những tháp Chăm uy nghiêm, cổ kính, trầm mặc với thời gian. Tôi cùng người bạn lang thang quanh đầm An Khê để chiêm ngưỡng những công trình của người Chăm còn lưu lại trên vùng đất Sa Huỳnh ầm ào sóng vỗ. Bên bờ biển thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có tấm bia ký với 6 hàng chữ Chăm cổ khắc trên đá vẫn còn khá rõ nét, mặc cho sự bào mòn bởi mưa nắng theo thời gian.

Những dòng chữ mang thông điệp của tiền nhân khắc trên tảng đá to lớn và khá bằng phẳng giờ vẫn còn bí ẩn với hậu thế. Dưới chân tảng đá có dấu vết đào bới nham nhở sau những cuộc tìm kiếm kho báu của người Chăm chôn giấu thuở trước. Dù đã qua tuổi 85 nhưng cụ Nguyễn Tấn Dưng, nhà cạnh đầm An Khê, khá minh mẫn, kể rành rẽ chuyện tìm kiếm vàng Hời.

Khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, nơi đây rộ lên việc tìm kiếm vàng của người Chăm chôn cất trước khi rời khỏi vùng đất này. Nhiều người dùng cây sắt dài với mũi nhọn xăm vào lòng đất và nháo nhào đào bới khi phát hiện dấu hiệu khả nghi. Những tảng đá có hình thù kỳ lạ, cây cối có dấu hiệu khác thường cũng bị lật tung trong cơn say vàng của bao người.

Sự việc kết thúc cùng sự thất vọng của nhiều người sau những đêm dài gắng sức tìm kiếm, đào bới với mong muốn được đổi đời khi phát hiện vật báu của người xưa chôn cất. “Có hố đào với những phiến đá bằng phẳng bị lật tung, có hố còn lưu lại dấu vết chiếc chum bằng đất vừa được lấy đi. Nhưng đâu dễ gì lấy được của cải của người Chăm cất giấu. Chỉ có con cháu của họ trở lại mới đào lấy được mà thôi. Vì trong tay họ có tấm bản đồ chỉ dẫn nơi chôn giấu vàng của cha ông thuở trước…” – cụ Dưng khẳng định.

Khai quật khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh cạnh đầm An Khê. 

Cạnh bia ký bằng đá khắc chữ Chăm cổ có chiếc giếng vuông của người Chăm với làn nước trong vắt, nhìn rõ tận đáy cát trắng tinh khôi. Người Chăm đã đào giếng và dùng những hòn đá vuông vức lắp đặt từ dưới đáy lên trên ngăn chặn sự sụt lún của cát biển. Nhiều giếng nước của người Chăm khá vững chắc giờ vẫn còn hiện hữu ở Long Thạnh, Thạnh Đức, gần đầm An Khê.

Điều đặc biệt là những chiếc giếng này không bao giờ cạn và luôn trong vắt, nước ngọt mát chứ không bị nhiễm mặn, dù nằm cạnh biển. Bên cửa biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió hiện diện ngôi miếu thờ Thiên Y A Na xây dựng thuở xa xưa được cư dân nơi đây tôn kính gọi là Mẹ (theo cách người Chăm thờ Bà Mẹ Xứ Sở thuở trước). Theo thời gian, cư dân vạn chài còn dựng miếu thờ Bà Thủy, thỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thờ cạnh miếu Thiên Y A Na. Tín ngưỡng của hai dân tộc Việt – Chăm dung hợp với nhau truyền theo thời gian.

Dân làng nơi đây lưu truyền câu chuyện khá ly kỳ về công cuộc mở mang bờ cõi của người Việt khi đến vùng đất Sa Huỳnh. Đấy là khi quân Đại Việt tiến đến vùng đất này, quan quân Chiêm Thành dàn trận phòng thủ để bảo vệ lãnh thổ. Nhưng thay vì giao chiến, họ thỏa thuận, bên nào sớm hoàn thành việc xây dựng chiếc cầu bắc qua lạch chảy từ đầm ra biển thì thắng cuộc, bên còn lại phải chấp nhận rút lui.

Quân lính Chiêm Thành ngày đêm cần mẫn lên những ngọn núi gần đấy xẻ đá rồi tập kết đến địa điểm đã định để xây cầu. Nhưng họ phải chấp nhận thua cuộc và lui về phương nam vì quân lính Đại Việt đã bắc xong chiếc cầu gỗ vững chãi trong thời gian khá ngắn. Và, dù chiếc cầu chưa được binh lính Chiêm Thành xây dựng, nhưng địa điểm ấy vẫn được cư dân bao đời sinh sống ven đầm gọi là Cầu Đá.

Dồi dào cá, tôm

Đầm An Khê với diện tích gần 350ha tựa như chiếc gương soi khổng lồ in nền trời xanh thẳm, lơ lửng vầng mây trắng bay. Phía đông là vùng biển rộng bao la, nơi những con thuyền của cư dân Sa Huỳnh cổ từng lướt sóng vươn khơi. Phía tây là những ngọn núi hùng vĩ soi bóng xuống đầm giữa chiều phai nắng. Nhìn từ trên cao, tuyến QL1 như sợi dây vắt ngang giữa mặt đầm và những ngọn núi nhấp nhô tạo nên phong cảnh vô cùng diễm lệ khiến bao lữ khách ngỡ ngàng khi dừng bước nơi đây.

Đầm lắm cá, nhiều tôm, cung cấp thực phẩm cho cư dân Sa Huỳnh cổ và giờ là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với người dân sinh sống ven bờ. Mùa lũ, từng đàn cá bơi ngược dòng nước lên những thửa ruộng ven đầm sinh sản và tìm mồi, dân làng í ới gọi nhau ra đồng bắt cá. Họ đóng đăng, đặt đơm, cất vó, mang nơm rượt theo cá với tiếng hò la đầy phấn khích, gây náo động cả vùng rộng lớn. 

Mộ chum Sa Huỳnh thu hút nhiều nhà nghiên cứu và du khách tham quan, tìm hiểu 

Cụ Nguyễn Tấn Dưng hào hứng kể lại chuyện xảy ra gần 80 năm trước. Khi ấy, cụ vừa lên 7 đã mang chiếc nơm nhỏ ra đồng rượt theo những con chép, trôi, khoe vây lưng lao mình trên những thửa ruộng cạn. Tiếng reo vui của những người bắt được cá xen lẫn với tiếng “ối cha” tiếc rẻ khi vồ hụt xóa tan đi mệt nhọc.

Sau những buổi như thế, cụ mang về cho mẹ dăm ba con cá để chế biến thức ăn trong bữa cơm gia đình. Từ đó, nghề bắt cá trên đồng và ở đầm An Khê theo cụ gần đến cuối cuộc đời, có những đêm trúng đậm với lượng cá chép lên cả trăm con.

Khi nước dần cạn trên ruộng, nông dân quanh vùng lại cày cuốc, sạ những mầm lúa tươi non xuống lớp bùn đất màu mỡ rồi cùng nhau mang dụng cụ ra đầm bắt cá. Cả đêm lẫn ngày, trên mặt đầm luôn ẩn hiện bóng người dân quê lam lũ. Họ lặn ngụp giăng lưới, úp nơm, cất vó… và sôi động nhất là đánh lưới lùng.

Cả nhóm trên dưới 10 người kéo tấm lưới khá rộng tạo thành vòng tròn, nhốt cá vào bên trong. Sau đó, vài người trong nhóm úp nơm bắt gọn bầy cá đang vùng vẫy, tìm cách thoát ra ngoài. Gần cả đời mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá nên nhiều người thuộc làu những luồng lạch, hố sâu trong đầm An Khê.

Có những chiếc hố rộng và sâu đến 4m vào mùa khô và đến 6m vào mùa mưa, nước luôn mát lạnh vào những ngày nóng bức và ấm vào những ngày đông rét buốt. Nhiều người tường tận những hầm cá, nơi các loài cá: chép, diếc, cá đối, cá hồng, cá hanh… quần tụ trong hố nước sâu để trốn tránh sự đuổi bắt.

Khi lặn xuống đáy, cá chạy toán loạn đụng cả vào người, rất thích thú. Người dân nơi đây từng có cách bắt cá khá độc đáo. Họ ngụp lặn đào hang dẫn dụ cá bống, cá úc vào hang rồi luồn hai tay vào bắt gọn. “Hồi đó cá nhiều lắm nên ai cũng ham, mê cá lắm nên chúng tôi đánh bắt cả ngày nhưng chẳng thấy mệt nhọc gì cả” – cụ Dưng hào hứng nói.

Giờ tình trạng cá, tôm suy kiệt do ô nhiễm môi trường và bị đánh bắt bằng xung điện diễn ra ở nhiều nơi nhưng lượng thủy sản trong đầm vẫn dồi dào. Cá, tôm, cua… trong đầm vẫn hiện diện ở những phiên chợ quê và trong cả bữa cơm của cư dân phố thị. Đêm khuya vắng, trên mặt đầm lấp lóa ánh đèn của những người giăng lưới, dỡ đăng nò… để cá tôm kịp đến phiên chợ sớm.

Dù bận nhiều việc nhưng con trai cụ Dưng vẫn tiếp bước cha ra đầm bắt cá. Có hôm, chỉ trong chốc lát, anh bắt được mươi con cá chép khá to. “Đầm An Khê rộng mênh mông, nhiều chổ nước sâu không thể đánh bắt nên còn nhiều cá lắm. Những hầm sâu giờ vẫn còn vô số cá ở dưới đấy…” – cụ Dưng khẳng định.

Đầm An Khê như sợi dây nối giữa cư dân Sa Huỳnh cổ với thế giới hiện tại. Những thông điệp của tiền nhân lưu lại ven đầm giờ vẫn còn là điều bí ẩn khiến hậu thế gắng sức kiếm tìm, giải mã để hiểu về cuộc sống của người xưa. 

Trang Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét