25 thg 8, 2013

Thăm 'biệt thự ma' ở Đà Lạt

Do ngôi biệt thự bị bỏ hoang nhiều năm, rồi xuất hiện hàng loạt điều bí ẩn, cùng những tin đồn rùng rợn, nên người Đà Lạt đã gán tên ‘biệt thự ma’ cho nơi mà PV Thanh Niên Online vừa đến thăm… 

Bỏ hoang, sử dụng lãng phí, hoặc xuống cấp trầm trọng là tình trạng chung của hàng trăm ngôi biệt thự tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Không chỉ vậy, những câu chuyện đồn thổi cũng được dựng lên xung quanh các ngôi biệt thự này để không ít người trục lợi. Câu chuyện “biệt thự ma” ở đèo Prenn là một điển hình.

Lời đồn rùng rợn

Hàng chục năm qua, ngôi “biệt thự ma” (tên mà người Đà Lạt gọi) lạnh lẽo, hoang vu nằm giữa đèo Prenn (P.3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) nổi tiếng bởi những câu chuyện rùng rợn, khiến nhiều du khách hiếu kỳ ghé thăm..


Những tin đồn cứ thi nhau phao lên, nào là, biệt thự này ngày xưa có cô gái bị hiếp dâm và bị giết chết sau đó quăng xác xuống giếng (trong khuôn viên biệt thự), hay là một cô gái chết do thắt cổ và hai đứa nhỏ bị giết... 

“Biệt thự ma” trên đèo Prenn 

Bên phải "biệt thự ma" 

Lối lên bên trái "biệt thự ma" 

Bên trong "biệt thự ma" trống vắng và bị đập phá 

Bát nhang, bàn thờ trong và ngoài biệt thự 

Cầu thang trong "biệt thự ma" 

Miếu thờ ở trong khuôn viên biệt thự 

Rồi những thông tin kiểu như: “Nửa đêm có cô gái xuất hiện đón xe nhưng khi xe dừng thì không thấy ai cả” làm cánh tài xế “nổi da gà” mỗi khi lưu thông qua đoạn đường này lúc đêm khuya.

PV Thanh Niên Online hôm 14.8 đã trở lại “thăm” ngôi biệt thự này. Ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp được xây dựng khá bài bản và kiên cố từ những năm 1920 nay đã hoang tàn.

Từ ngoài cổng nhìn vào, ngôi nhà có vẻ còn nguyên vẹn, nhưng khi vào bên trong thì trống hốc: cửa nẻo không còn, xung quanh tường ngoài thì rêu phong cổ kính, phía trong thì bị viết, vẽ lung tung.

Một vòng từ trong ra ngoài ngôi “biệt thự ma” có nhiều chỗ đặt bát nhang, hoa tươi. Cách ngôi biệt thự khoảng 10 m về bên trái có một miếu thờ nhỏ cũng đầy đủ bàn thờ, nhang, hoa…

Cách “biệt thự ma” chừng 300 m về phía đầu đèo Prenn (hướng vào nội thành Đà Lạt) cũng xuất hiện một ngôi biệt thự hoang điêu tàn, cổ kính, rêu phong. Tình trạng ngôi biệt thự này cũng không khác “biệt thự ma” là mấy: cửa nẻo tan hoang, tường bị đập phá, gian chính có một bàn thờ còn khá mới và cũng có nhang khói, hoa tươi…

Biệt thự hoang (gần đầu đèo Prenn) nhìn từ phía đèo Prenn

Biệt thự hoang nhìn từ phía sau

Gian chính của biệt thự hoang có đặt bàn thờ

Một góc biệt thự hoang

Bên trong biệt thự hoang trống trơn và tường bị đập phá, viết vẽ đủ thứ

Từ lan can trên lầu biệt thự hoang nhìn xuống đường đèo Prenn 

Tin đồn cùng chính sự âm u, cô tịch nơi hoang phế này đã khiến nhiều du khách khi lên Đà Lạt thường tranh thủ một lần ghé thăm “biệt thự ma”. Rồi nhang khói cứ nối tiếp được đốt lên khiến ngôi biệt thự cùng với khu rừng thông bên cạnh cũng trở nên... lạ kỳ.

Tour “biệt thự ma”: Tại sao không?


Khi chúng tôi đặt vấn đề sao không “xin” quản lý để khai thác du lịch, thì ông Dương Hải Long, Chủ tịch UBND P.3 cho rằng khó có thể làm được vì cũng khó có người trông coi. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng thì cho hay chưa tính tới việc này, để sau này tính thử xem…    
Tháng 7.2010, cơ quan chức năng phát hiện sự xuất hiện bất ngờ của ba ngôi mộ mới xây tại rừng thông bên cạnh “biệt thự ma”.

Tháng 9.2010, sau khi khai quật lên thì cơ quan chức năng xác định đây là ba ngôi mộ giả. Theo UBND P.3 Đà Lạt, người bảo vệ ngôi “biệt thự ma” lúc ấy có khai đã tuyên truyền về các ngôi mộ và đưa du khách lên tham quan, thắp nhang khói cầu nguyện, họ có cúng tiền (từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng…).

Ông Dương Hải Long, Chủ tịch UBND P.3 cho biết: “Biệt thự ma” nằm trong khu vực rừng của Ban Quản lý rừng Lâm Viên, còn biệt thự kia nằm trong Ban Quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm, hiện nay gần như không có ai quản lý trông coi. Ngoài ra, cả hai biệt thự này từng được tỉnh giao cho nhà đầu tư làm du lịch nhưng đã bị thu hồi.

Chính vì vậy mà sự hoang tàn và xuống cấp của nó ngày càng nhanh chóng trong khi mức độ “linh thiêng” thì càng lan rộng.

Rõ ràng, với việc chờ đợi dự án, hay nhà đầu tư kéo dài hàng chục năm mà các biệt thự vẫn hoang phế thì Đà Lạt nên uyển chuyển, nghĩ đến việc khai thác tiềm năng du lịch từ chính những ngôi biệt thự bỏ hoang kiểu này.

Những “biệt thự tour” dành cho những ai yêu mến lối kiến trúc cổ điển (đối với những ngôi biệt thự còn tạm được), hay phá cách kiểu “tour biệt thự ma” cho các du khách phương xa, vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa ít nhiều chỉnh trang “sơ qua” (không mất quá nhiều kinh phí) những biệt thự hoang phế, sẽ làm giảm bớt môi trường cho tệ nạn xã hội phát triển.


Bài, ảnh: Gia Bình - Lâm Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét