8 thg 8, 2013

Gành đá xóm Bàu - thiên nhiên kỳ thú

Nếu có dịp đến Phú Yên, một lần tận mắt nhìn thấy gành đá xóm Bàu (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) hẳn bạn cũng giống như chúng tôi đều thích cảnh quan kỳ vĩ và hoang sơ này.

Gành đá như cổng chào nằm đón khách bên đường - Ảnh: L.V.P.

Từ thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 25 về hướng tây khoảng 7km, khách lữ hành dễ dàng nhìn thấy một núi đá nhấp nhô, cao tầng khác nhau giống như bầy khủng long thời cổ đại đang nằm ngay giữa đồng ruộng mênh mông, phẳng lì.

Gành đá còn có tên gọi Ngũ Thạch Sơn bởi có 5 dãy đá lớn tạo thành, gồm gành Miễu, gành Dung, gành Quan, gành Quýt và gành Bồ. Tất cả 5 gành nằm cạnh nhau với những vách đá to nhỏ đủ hình thù, kích cỡ. Trong đó mảng lớn nhất thuộc gành Bồ với chiều cao khoảng 18m và dài 50m, chiều ngang 6m. Gành nhỏ nhất là gành Quan với chiều cao tầm 15m, dài khoảng 28m, rộng 6m.

Được tạo bởi đá thạch anh, trước sự biến đổi địa tầng, thời tiết, khí hậu nên gành đá có màu trắng đục. Ai may mắn tới đây ngắm cảnh lúc bình minh hay hoàng hôn càng thấy được vẻ đẹp kỳ ảo khi ánh sáng được đá thạch anh phản chiếu thành màu vàng óng hoặc ửng đỏ như một viên hồng ngọc lớn.

Càng thú vị nếu có dịp leo lên tận đỉnh. Từ trên cao, bạn sẽ tha hồ ngắm cảnh ruộng lúa xanh rờn ngút ngàn xung quanh. Xa xa những khói bếp từ mái nhà nhỏ trong thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, Phú Hòa) tỏa ra thanh bình.

Đặc biệt, dù cách biển hơn 10km, nhưng đi dọc gành có thể bắt gặp những viên san hô còn sót lại. Đan xen vào vách đá có nhiều loại cây bám chặt vươn lên đầy sức sống. 

Dãy tường đá như mọc lên giữa cánh đồng phẳng lì - Ảnh: L.V.P. 

Cận cảnh một vách tường đá dựng đứng - Ảnh: L.V.P.

Các nhà khoa học cho rằng thời xa xưa nơi này là vùng nước rộng lớn, thời gian trôi qua, do sự biến đổi của thềm lục địa và bồi đắp phù sa của dòng sông Ba tạo thành vùng đất ngày nay. Hiện tại đây trồng lúa và hoa màu rất tươi tốt.

Nhưng hỏi những bậc cao niên trong làng về sự tích của gành đá sẽ rất thú vị khi được nghe rất nhiều câu chuyện xưa. Chung quy sự tích dời núi là nhiều người tin nhất. Các cụ bảo thời xưa ở đây là vùng núi, đầm lầy trũng thấp, có nhiều loài thú dữ, lũ lụt thường xảy ra làm thất vụ mùa màng, người dân lam lũ.

Thấu hiểu được lòng dân, trời đã sai người khổng lồ xuống gánh núi lấp đi những vùng trũng. Nhưng do làm qua loa, không kỹ càng nên người khổng lồ đã để rơi vãi không ít đất đá trên đường đi, tạo ra những gành đá nằm rải rác, hình thành nên gành đá xóm Bàu.

Cỏ cây chen đá... - Ảnh: L.V.P.

Ngắm xa xa, khung cảnh của một gành đá được bao bọc bên làng quê thanh bình, những rặng tre, những con đường sóng đôi cùng mương nước trên cánh đồng, với những con người chân chất hiền hòa mến khách. d

Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này đã đi vào thơ ca: 

Quê tôi ở ấp Mỹ Hòa
Có gành đá đẹp như là cảnh tiên...
LÊ VĂN PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét