9 thg 8, 2013

Du ngoạn núi Cậu, Bình Dương

Về tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam bộ, đến với Núi Cậu hành hương, vãn cảnh, du khách sẽ có dịp khám phá những ngọn núi, chùa chiền, am miếu với nhiều huyền thoại, cổ tích kể từ lúc miền đất nầy còn là nơi hoang địa.

Đường lên am Cậu. 

Khu vực Núi Cậu với diện tích hơn 1600 hecta, gồm 21 ngọn núi, có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295 mét, núi Ông cao 285 mét, núi Tha La cao 198 mét và núi Chúa cao 63 mét.

Du khách có thể đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Thủ Dầu Một (35km), từ đây theo đường 744 đi tiếp chừng 45km về thị trấn Dầu Tiếng, đi thêm 7km nữa thì đến Núi Cậu. Núi Cậu nằm sát lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.


Tam quan chùa Thái Sơn. 

Đầu tiên, du khách sẽ đến thăm chùa Thái Sơn, nằm lưng chừng sườn Núi Cậu ở độ cao chừng 50m. Chùa do hoà thượng Thích Đạt Phẩm, thường gọi là thầy Sáu, xây dựng vào năm 1988, với khuôn viên trên 5 hecta gồm các hạng mục: cổng tam quan rất bề thế, lợp ngói xanh giả cổ, ngôi Cửu Trùng Đại tháp cao 36 mét có 9 tầng, tượng quan Nam Hải Quán Thế Âm Bồ tát cao 12 mét, chánh điện, điện Ngọc rất hoành tráng được kiến trúc theo phong cách cổ lầu phương Đông.

Chánh điện là nơi thầy trụ trì và chư tăng phật tử thường xuyên gõ mõ tụng kinh, đảnh lễ. Khu vực này vào các ngày lễ Phật Đản, các ngày rằm lớn (tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười) có rất đông đảo khách thập phương về cúng bái, khói nhang nghi ngút, không khí mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh. Đặc biệt vào các ngày 13,14 và rằm tháng Tám (âm lịch) là ngày lễ “Mẹ”, đây là lễ hội lớn nhất hàng năm ở Núi Cậu.

Chánh điện chùa Thái Sơn. 

Sau khi tham quan cảnh chùa, du khách ra phía sau chánh điện. Ở đây có một con đường lên núi với hơn 1.000 bậc tam cấp đá. Đường lên núi quanh co, dích dắc nhưng khá dễ đi. Hai bên đường là rừng cây rậm rạp, không khí mát, hăng hắc mùi lá ải. Thỉnh thoảng dọc đường có những tảng đá rất to che chắn. Ở lưng chừng núi có quán giải khát và có võng cho khách nằm nghỉ mệt.

Cuối cùng du khách cũng lên được đến đỉnh núi Cậu. Ở đây có một am miếu nhỏ hai tầng, dưới thờ tượng “Cậu Bảy” mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông rất oai phong, lẫm liệt. Tương truyền xưa kia “Cậu Bảy”là bộ tướng của ngài Tả quân Lê Văn Duyệt, đã từng đi chinh phục và bảo hộ xứ Chân Lạp thời nhà Nguyễn. Trên gác am Cậu thờ Ngọc Hoàng Thượng đế với hoa quả, đèn nhang luôn nghi ngút... Du khách có thể ngồi chơi ở nhà mát trên đỉnh Núi Cậu, cạnh nhà mát có một cây sung cổ thụ có đến 300 năm tuổi. Vùng Núi Cậu còn nhiều loại gỗ quý như gỏ, căm xe, giáng hương, bằng lăng…

Dưới chân núi Cậu, về phía Nam - Tây Nam, vào mùa mưa có một thác nước nhỏ rì rào tuôn chảy qua các khe đá rồi đổ xuống một trũng nước có độ sâu khoảng 3 mét, đường kính độ mươi mét. Nhiều người gọi cái hồ nước nhỏ này là “hồ Than Thở”!

Am Cậu. 

Từ Am Cậu trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát hồ Dầu Tiếng trắng xóa, rộng mênh mang. Hồ Dầu Tiếng là một trong những công trình thủy nông lớn nhất nước ta và Đông Nam Á, có diện tích 27.000 hecta, chứa 1,5 tỉ mét khối nước tưới tiêu cho Tây Ninh và các vùng phụ cận, đồng thời còn có chức năng điều tiết nước sông Sài Gòn và cung cấp nước cho nhà máy nước Hóc Môn (TPHCM).

Khu du lịch Lòng Hồ Dầu Tiếng nằm kế bên Núi Cậu, du khách có thể thuê thuyền đi du ngoạn trong lòng hồ, hoặc thư thả bỏ mồi câu cá ven hồ. Cá lăng, cá mè hôi, cá lóc, cá diếc có khá nhiều ở hồ Dầu Tiếng. Nếu may mắn trúng câu, du khách có thể có một buổi tiệc thịnh soạn với mồi “bén” lai rai giữa khung cảnh nên thơ, hoang dã của vùng Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng.

Mai Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét