22 thg 8, 2013

Đầu năm thăm Văn Thánh Miếu

Nếu đến Huế, thăm chùa Thiên Mụ, bạn có thể ngược lên 400m đường lên Hương Hồ ghé thăm Văn Thánh Miếu - ngôi miếu thờ Khổng Tử ở Huế.

Được xây dựng dưới triều vua Gia Long (1808), Văn Miếu là một biểu tượng sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài đất nước của triều Nguyễn. Quay mặt về hướng Nam, nhìn ra sông Hương, công trình được xây hình chữ khẩu, mỗi cạnh khoảng 160 mét, có la thành bao bọc với khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Từ Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là điện thờ Khổng Tử, gọi là Đại Thành Điện, xây trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m theo lối “trùng thiềm điệp ốc”. Hai bên trước Điện là Đông Vu và Tây Vu - hai ngôi nhà bảy gian thờ Thất thập nhị hiền và các Tiên nho. Trước sân Miếu có hai nhà bia, bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) dụ về việc bà con bên ngoại của Vua không được tham gia triều chính. Qua khỏi Đại Thành Môn, bên trái có Hữu Văn Đường, bên phải có Dị Lễ Đường, là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế lễ. Hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sỹ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn có các công trình khác như Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi. 

Đại thành môn nhìn từ ngoài vào 

Bia Tiến sĩ 

Học sinh Huế chọn Văn Thánh làm điểm tham quan tìm hiểu văn hóa Huế 

Trải qua thời gian, thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Văn Miếu Huế không còn như xưa nhưng nếu du khách lưu lại nơi đây hàng giờ thì vẫn có rất nhiều điều thú vị để thăm thú. Riêng với học trò, nhiều trường đã tổ chức cho các em thăm quan Văn miếu để tìm hiểu văn hóa Huế.


Uyên Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét