21 thg 8, 2013

Nghề làm nhang ở Dĩ An

Làng nhang Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một trong những làng nghề đã có hơn 100 năm tuổi nay vẫn lặng lẽ tồn tại và phát triển trong lòng một thị xã công nghiệp hóa sôi động.

Tỉnh Bình Dương vốn là nơi có có tốc độ đô thị hóa nhanh ở phía Nam. Trước khi trở thành một thị xã công nghiệp phát triển mạnh, Dĩ An là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu văn hóa và có nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Nghề chẻ tăm nhang và se nhang là một trong những nghề nổi tiếng một thời nay vẫn đóng góp giá trị kinh tế cho những hộ gia đình ở đây dù không còn hưng thịnh như xưa.

Nghề se nhang ở Dĩ An không biết có tự bao giờ nhưng đã gắn liền với nhiều thế hệ nơi đây. Các sản phẩm nhang Dĩ An từ xưa đã nổi tiếng không chỉ ở nhiều vùng trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Thời kỳ hưng thịnh, làng nhang này làm việc cả ngày lẫn đêm để có thể giao kịp hàng cho các thương lái.


Thăm gia đình bà Hoàng Thị Hồng Hoa (khu phố Bình Minh II) chứng kiến từ ngoài ngõ đến trong nhà ngổn ngang nguyên liệu làm chân nhang. Gia đình bà Hoa cùng nhiều người thân đã ba đời làm nghề này. Hồi tưởng lại thời vàng son, bà cho biết: “Xưa khắp vùng đều làm nhang, không khí nhộn nhịp lắm, nhà nhà chẻ tăm nhang, người người chẻ tăm nhang. Vào vụ mùa chúng tôi làm luôn tay mà vẫn không kịp hàng để xuất cho các thương lái”.

Nguyên liệu sản xuất tăm nhang là những loại tre già.

Các thương lái ở An Giang, Cà Mau, Tiền Giang…về tận Dĩ An lấy hàng tăm nhang sau đó giao lại cho các chủ sản xuất se nhang.

Công đoạn sản xuất nhang loại lớn.

Sản phẩm nhang Dĩ An cung cấp cho thị trường nội địa.

Nhà phơi nhang để tránh mưa.

Công đoạn sản xuất tăm nhang được thực hiện bằng máy ở làng nhang Dĩ An.

Loại nhang lớn Dĩ An được phơi khô sau khi se.

Công đoạn vẽ màu và trang trí cho nhang Dĩ An.

Sản phẩm nhang thành phẩm mang thương hiệu Dĩ An.

Không chỉ cung cấp sản phẩm nhang cho thị trường Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An và cả các tỉnh phía Bắc, nhang Dĩ An còn xuất khẩu đi các nước như Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Singapore... 

Nguyên liệu dùng chẻ tăm nhang phải là loại tre già được lấy từ rừng Bù Đốp (Phước Long) hoặc ở Nam Cát Tiên (Lâm Đồng). Quan sát người thợ chẻ nhang mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người làm nghề. Mỗi động tác của người chẻ đều thoăn thoắt, dứt khoát và nhìn qua thanh tre là biết phải chẻ làm ba, làm tư để phù hợp với li, tấc của loại tăm hay chân nhang.

Hiện làng nghề nhang Dĩ An có hơn 50 hộ gia đình làm nghề chẻ tăm nhang. Trung bình mỗi tháng, một lao động cũng có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng từ nghề này. Do là nghề thủ công truyền thống nên công việc có thể làm quanh năm và thời điểm bận rộn nhất là giai đoạn vài tháng gần tết do nhu cầu của khách hàng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu của các cơ sở se nhang ở Dĩ An, tăm nhang ở đây còn phục vụ cả một thị trường rộng lớn cho các làng se nhang ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái ở tận các vùng như An Giang, Cà Mau, Tiền Giang…về tận Dĩ An lấy hàng, sau đó bán lại cho các chủ sản xuất se nhang ở đây.

Cùng với nghề làm tăm nhang, nghề se nhang ở Dĩ An cũng phát triển không thua kém.Từ lâu, sản phẩm nhang Dĩ An đã có tiếng trong vùng. Que nhang Dĩ An khi đốt lên có mùi thơm dịu, hương phảng phất đã chinh phục được khách hàng tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An... và cả các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, nhang Dĩ An cũng xuất khẩu đi nhiều nước như Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Singapore...

Làm nhang là nghề lắm công phu và đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nguyên liệu làm nhang chỉ là bột cây keo, mạt cưa, bột áo và bột thơm nhưng phải hòa trộn tỉ lệ sao cho khi thắp nhang chóng bắt lửa, tỏa mùi thơm và lâu tàn. Bởi thế, trong quá trình làm nhang thì trộn bột là khâu khó nhất, nó đòi hỏi người thợ phải đều tay. Sau đó cho nước thấm từ từ vào bột đến khi bột đạt được độ dẻo. Nếu nước nhiều bột sẽ bị nhão và tốn nhiều bột áo, khi se nhang sẽ bị móp. Nếu trộn quá nhiều keo, khi thắp nhang thường bị tắt. Để có những cây nhang dính chắc và tròn đều, người thợ phải thật khéo tay trên bàn se. Một thợ se nhang chia sẻ với chúng tôi những bí quyết của làng nghề.

Việc phát triển và bảo tồn làng nhang Dĩ An đang được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư. Các hộ làm tăm nhang và se nhang đang được tỉnh hỗ trợ vốn để sản xuất. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho làng nhang bằng cách tổ chức các hội chợ triển lãm về làng nghề, giới thiệu sản phẩm của làng nhang…

Rời làng nhang Dĩ An vào lúc xế chiều, hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn, khéo tay của làng nhang làm cho chúng tôi không khỏi cảm động bởi ngoài việc mưu sinh, họ vẫn lặng lẽ làm công việc lưu giữ một nghề thủ công truyền thống mang nét văn hóa tâm linh của dân tộc trong lòng một đô thị sầm uất như Dĩ An.

Bài: Nguyễn Oanh, Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét