6 thg 6, 2013

Cổ vật Việt ở nước ngoài: Những báu vật của vương triều Champa

Theo thông tin và hình ảnh được công bố trong các công trình nghiên cứu của các học giả ngoại quốc, trong các sách hướng dẫn tham quan của một số bảo tàng ở hải ngoại và trong các vựng tập của các nhà đấu giá cổ vật ở châu Âu và châu Mỹ thì hiện có ít nhất 9 linga-kosa (đa số chỉ còn phần đầu tượng Siva) của Champa đang "lưu lạc" ở hải ngoại. 


Cơ duyên với linga-kosa

Tháng 9/1997, khi đang đi học khảo cổ ở Nhật Bản, tôi nhận được e-mail của một anh bạn người Đức, là một chuyên gia về mỹ thuật cổ châu Á, cho biết từ ngày 13/10 đến 14/11/1997, nhà đấu giá Spink ở London (Anh) sẽ tổ chức đấu giá 32 cổ vật đến từ Đông Nam Á, trong đó, có rất nhiều cổ vật Champa của Việt Nam.

Bạn tôi cho biết thêm: Trong các cổ vật mà nhà đấu giá Spink đang rao bán, có 2 đầu tượng thần Siva làm bằng vàng và 1 đầu tượng thần Siva làm bằng đồng. Những đầu tượng thần Siva này là những bộ phận bị tách rời từ những linga-kosa (thường gọi là kosa), vốn là báu vật của các vương triều Champa cổ đại ở miền Trung Việt Nam.

Bạn tôi cho biết thêm là Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin (Đức), nơi đang sở hữu và trưng bày những sưu tập cổ vật rất quý giá của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… rất quan tâm đến những đầu tượng thần Siva bằng vàng mà nhà đấu giá Spink đang rao bán. Họ muốn mua 2 đầu tượng để bổ sung cho sưu tập Việt Nam của bảo tàng này.

Tuy nhiên, để tránh mọi tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu các cổ vật, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á muốn liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh nguồn gốc của các đầu tượng thần Siva bằng vàng và để hỏi xem liệu họ có gặp rắc rối gì từ phía Việt Nam khi mua những đầu tượng bằng vàng ấy hay không? Tôi gợi ý với anh rằng Cục Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ VHTT (bây giờ là Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH,TT&DL) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc này, đồng thời, cung cấp cho anh những thông tin cần thiết để liên lạc.

Hơn 3 tháng sau, bạn tôi gửi e-mail cho biết Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á đã gửi thư nhờ Cục Bảo tồn Bảo tàng xác minh những vấn đề có liên quan đến việc mua các đầu tượng thần mà nhà đấu giá Spink đang rao bán. Tuy nhiên, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á đã không nhận được thông tin phản hồi nào từ phía Việt Nam và cả 2 đầu tượng thần Siva bằng vàng nói trên đã tìm được chủ nhân mới.

Cũng cần nói thêm rằng, trước khi nhà đấu giá Spink rao bán các đầu tượng thần Siva bằng vàng ở London, thì một số tờ báo ở Việt Nam đã đưa tin vào ngày 23/7/1997, anh Nguyễn Văn Nông, một nông dân ở thôn Phú Long 1 (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong khi dò tìm phế liệu đã phát hiện được 1 đầu tượng Siva bằng vàng, cao 24cm, trọng lượng 0,58kg (ảnh 1). Theo giới chuyên môn, đây là đầu tượng Siva bị tách rời từ một linga-kosa của vương triều Champa.

Dựa vào những nét tương đồng giữa đầu tượng bằng vàng này với pho tượng thần Siva bằng sa thạch (nguyên thủy được thờ trong tháp C1 ở thánh địa Mỹ Sơn, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng) và đầu tượng thần Siva bằng sa thạch (được phát hiện trong tháp A4 ở thánh địa Mỹ Sơn), đều có niên đại vào thế kỷ X, các nhà chuyên môn đã đoán định niên đại của đầu tượng thần Siva phát hiện ở Phú Long là vào thế kỷ X.

Vào thời điểm đó, tôi không có hình ảnh của đầu tượng thần Siva Phú Long để so sánh với những đầu tượng Siva do Spink rao bán. Sau này, tôi có đọc bài viết “The kosa marks of Champa: New Evidence” của John Guy, quản thủ Bảo tàng Victoria và Albert, in trên cuốn “Southeast Asia Archeology”, xuất bản năm 1998, thấy có giới thiệu ảnh chụp đầu tượng thần Siva bằng vàng phát hiện ở Phú Long vào năm 1997.

Điều khá ngạc nhiên là ảnh chụp đầu tượng thần Siva Phú Long in trong bài viết của John Guy rất giống với ảnh chụp 1 trong 2 đầu tượng thần Siva bằng vàng in trong tập A Divine Art mà nhà đấu giá Spink đã phát hành trước phiên đấu giá vào mùa đông năm 1997. Cũng trong bài khảo cứu trên, John Guy còn cho biết trong các năm 1996 - 1998, trên thị trường nghệ thuật London xuất hiện một số linga-kosa bằng hợp kim vàng và bạc. Một số linga-kosa sau đó được phát hiện là... đồ giả.

Linga-kosa là gì?

Vậy linga-kosa là gì mà thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sưu tầm cổ vật trên khắp thế giới, khiến họ phải mua nhầm đồ giả?

Nguyên thủy, danh xưng kosa được dùng chỉ lớp vỏ bằng quý kim, thường là vàng hoặc bạc, bao bọc phần trên cùng của ngẫu tượng linga (hiện thân của thần Siva) thờ trong các tháp Chăm. Vào những dịp lễ trọng, người Chăm sẽ mở chiếc bao kosa bằng quý kim này để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga. Nghi thức này bắt nguồn từ các nghi lễ của phái Saivite, một hệ phái của Ấn Độ giáo tôn thờ thần Siva, vị thần Hủy diệt và Tái tạo.

Thuật ngữ kosa xuất hiện trong sử thi Mahabharata VIII với ý nghĩa là "vỏ bọc hoặc vật chứa một thứ quý giá". Vật quý giá ở đây chính là những linga được thờ cúng trong các ngôi đền của Ấn Độ giáo. Các ngẫu tượng linga trong hệ phái Saivite thường được chạm khắc khuôn mặt của thần Siva, gọi là mukha-linga. Một mukha-linga có thể mang một hoặc nhiều khuôn mặt của thần Siva. Và việc dâng cúng các chiếc bao làm bằng kim loại quý như vàng và bạc để bọc bên ngoài mukha-linga là một nghĩa vụ thiêng liêng của tín đồ Saivite.

Khi Ấn Độ giáo du nhập vào Champa, thần Siva được người Chăm suy tôn là "thần của các vị thần", là "chúa tể của muôn loài". Vào thế kỷ thứ IV, Vua Bhadresvara 1 của Champa đã cho lập thánh địa Mỹ Sơn để thờ thần Siva. Văn bia bằng chữ Phạn trong thánh địa Mỹ Sơn đã tôn thần Siva là "cội rễ của nước Champa". Nguồn tư liệu thành văn và những hiện vật được phát hiện từ trước đến nay liên quan đến lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Champa chứng tỏ rằng chỉ duy nhất tượng thần Siva được làm bằng vàng.

Ngoài các bia ký, những minh văn bằng tiếng Phạn được khắc trên một số linga-kosa cho thấy đây là những món quà quan trọng nhất, quý giá nhất mà các vị vua Champa dâng lên thần Siva. Đồng thời, đây còn là vật biểu thị sự kết hợp giữa thần quyền và vương quyền. Hoàng gia Champa tin tưởng rằng việc tạo nên những linga-kosa quý giá bao bọc cho các linga, thường làm bằng sa thạch, sẽ thúc đẩy khả năng bảo vệ vương quốc và hoàng gia khỏi mọi điều bất trắc.

Theo dấu linga-kosa

Hiện ở Việt Nam chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Siva bằng vàng (hoặc hợp kim vàng) có gốc gác từ những linga-kosa của Champa. Đầu tượng Siva thứ nhất được phát hiện từ đầu thế kỷ XX tại di tích Hương Đình (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội. Đầu tượng Siva thứ hai do anh Nguyễn Văn Nông phát hiện tại thôn Phú Long 1 (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1997 mà tôi đã đề cập trên đây, hiện đang được bảo quản rất cẩn mật tại Bảo tàng Quảng Nam ở thành phố Tam Kỳ.

Trong khi đó, theo thông tin và hình ảnh được công bố trong các công trình nghiên cứu của các học giả ngoại quốc, trong các sách hướng dẫn tham quan của một số bảo tàng ở hải ngoại và trong các vựng tập của các nhà đấu giá cổ vật ở châu Âu và châu Mỹ thì hiện có ít nhất 9 linga-kosa (đa số chỉ còn phần đầu tượng Siva) của Champa đang "lưu lạc" ở hải ngoại.

Trong đó, Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet (Bảo tàng Guimet) ở Paris (Pháp) sở hữu 2 hiện vật; Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin (Đức) sở hữu 1 hiện vật; Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore sở hữu 1 hiện vật làm bằng hợp kim vàng và bạc, niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII (ảnh 2); 3 hiện vật đã được nhà đấu giá Spink bán cho những nhà sưu tập giấu tên, gồm 1 đầu tượng thần Siva bằng hợp kim vàng và bạc, niên đại vào thế kỷ X, cao 29cm (các ảnh 3a, 3b, 3c), 1 đầu tượng thần Siva bằng vàng, niên đại vào thế kỷ X, cao 16cm (các ảnh 4a và 4b) và 1 đầu tượng thần Siva bằng đồng, niên đại vào thế kỷ X, cao 13,5cm (ảnh 5) và 2 hiện vật được nhà nhiếp ảnh Michel Lechien giới thiệu trong cuốn sách “Art du Vietnam - La fleur du pêcher et l'oiseau d'azur” do Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Bỉ) xuất bản năm 2002, cũng thuộc về các nhà sưu tập ẩn danh.



Năm 2004, tôi có dịp sang Áo (vào tháng 4), Đức (từ tháng 7 đến 9) và Pháp (vào tháng 10) nên đã có cơ hội thực hiện cuộc hành trình theo dấu các linga-kosa của Champa ở châu Âu.

Tại Áo, trong cuộc triển lãm về lịch sử và văn hóa Việt Nam mang tên Việt Nam: Thần linh - Anh hùng - Tổ tiên được tổ chức tại thành phố Leoben, có trưng bày một linga-kosa có niên đại vào thế kỷ XVIII, mượn từ Bảo tàng Guimet. Đây là linga-kosa duy nhất còn khá hoàn hảo (các ảnh 6a và 6b).

Kosa làm bằng bạc, gồm hai lớp, lớp ngoài sứt gãy mất phần trên, nhưng lớp trong vẫn còn nguyên vẹn; đầu tượng Siva làm bằng vàng, cao 25cm, được gắn vào phần thân của kosa bằng các đinh tán. Hai tai tượng thần Siva có đeo hoa tai bằng vàng; trên cổ có một dải trang sức bằng vàng lá, chạm trổ công phu. Tuy nhiên 5 viên đá quý gắn trên dải trang sức này đã bị mất.

Đây là hiện vật được mua bảo hiểm cao nhất trong cuộc triển lãm này và được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Dù được phía Áo mời với tư cách chuyên gia tư vấn trưng bày cho triển lãm này, tôi cũng không được tiếp xúc với linga-kosa này, mà chỉ được chụp ảnh từ bên ngoài tủ kính.

Tại Đức, tôi được Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin cho mục kích 1 đầu tượng thần Siva bằng vàng (ảnh 7), Năm 2000, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á mới mua được đầu tượng thần Siva này từ một nhà sưu tập tư nhân ở Anh.

Tại Pháp, tôi được Philippe Truong, một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ ở Paris giới thiệu với TS. Piere Baptiste, quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Guimet. Piere Baptiste cho biết bảo tàng này sở hữu rất nhiều tượng Champa bằng sa thạch, có cả những bộ linga-yoni bằng bạc, nhưng chỉ có linga-kosa bằng vàng và linga-kosa bằng bạc.

Linga-kosa bằng vàng đang cho Bảo tàng Leoben mượn để trưng bày trong cuộc triển lãm Việt Nam: Thần linh - Anh hùng - Tổ tiên, chỉ còn linga-kosa bằng bạc đang trưng bày ở phòng Champa. Linga-kosa này có niên đại khoảng thế kỷ XVIII đã bị sứt vỡ một phần ở đỉnh, gắn với 1 đầu tượng Siva cao 14cm, nhưng đã bị vỡ mất phần trán (ảnh 8).

"Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng đây là linga-kosa duy nhất làm hoàn toàn bằng bạc, cả kosa lẫn đầu tượng thần Siva. Niên đại cũng rất sớm, từ thế kỷ VIII. Vì thế, nó được Bảo tàng Guimet coi như bảo vật". Piere Baptiste nói với tôi.

Quả như lời của TS. Piere Baptiste, nhiều bảo vật của Việt Nam đang thuộc về các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, bảo vật đã ít, lại còn cất kỹ trong kho, như trường hợp của đầu tượng Siva Hương Đình và đầu tượng Siva Phú Long, nên người dân đất Việt hiếm khi được dịp mục sở thị những cổ vật xứng đáng được liệt hạng "quốc gia chi bảo". Thật tiếc thay!

Trần Đức Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét