21 thg 6, 2013

Biến tướng rừng ma Ia K’reng

Là địa bàn cư trú lâu đời của tộc người Jrai, Ia K'reng là xã vùng cao xa xôi cách trở nhất của huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Xã nằm chênh vênh trên đỉnh đèo Sê San dài 33km với vô số đoạn cua ngoặt, đường đèo khúc khuỷu, hiểm trở. Do tách biệt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên đồng bào bản địa nơi đây còn lưu giữ nhiều bản sắc lạ đậm dấu ấn thuở hồng hoang. Nổi bật nhất là những khu rừng ma với tượng nhà mồ trầm mặc, bí hiểm.

Một tượng mặt người buồn ra-coon hiếm hoi ở rừng ma.

Từng được nhiều nhà dân tộc học, các chuyên gia văn hóa, những ai quan tâm đến nghệ thuật tạc tượng nhà mồ thường xuyên tìm đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu vì những nét đặc sắc hiếm gặp trong văn hóa tộc người chốn rừng sâu, tuy nhiên, rừng ma ở Ia K'reng ngày nay xuất hiện những biến dạng… đáng sợ!


Rừng ma… lấn làng

Theo quan niệm truyền đời của đồng bào Jrai trên đỉnh Sê San, một người khi chết sẽ về với thế giới ma, được sống với các atâu (hồn ma của ông bà tổ tiên) nên rừng ma phải là nơi tách biệt với thế giới của người sống. Nếu không phải nuôi ma (người Jrai có tục nối ống lồ ô xuống huyệt mộ, hằng ngày vợ hoặc chồng người chết sẽ mang thức ăn ra nhà mồ bỏ vào ống lồ ô nuôi ma cho đến khi làm lễ bỏ mả) hoặc đưa tiễn ai đó về với chốn atâu, người Jrai không bao giờ dám tự ý bước chân vào rừng ma. Bên cạnh lý do "đất ai nấy ở", việc tách biệt âm-dương nghiêm ngặt này còn nhằm mục đích tránh chuyện tử, khí từ rừng ma gây bệnh tật cho người đang sống.

Già làng Rơ-chăm T'hết, ở làng Duch 1, năm nay gần 80 mùa rẫy (80 tuổi) nhưng cái chân vẫn khỏe như con nai, đầu vẫn sáng và lanh lẹ như con khỉ cho biết, rừng ma là chốn đi về của ma nên người sống không được xâm nhập, quấy rầy. Già nói, ngày trước, để đánh dấu khu vực rừng ma, khi chọn đất làm nơi chôn người chết, các già làng và thầy cúng sẽ tiến hành trồng một cây đa để làm dấu. Theo thời gian, ở khoảng cách xa nhìn thấy dáng cây đa thì dân làng biết đó là chốn bất khả xâm phạm nên không tiến đến gần.

Chia sẻ này của già T'hết gợi chúng tôi nhớ đến hình ảnh của những cây trụ biểu trong lăng Vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn kéo dài trong 143 năm với 13 đời vua trị vì. Gần 200 năm trước, để tránh việc người dân quấy nhiễu chốn an nghỉ của tiên đế, Vua Minh Mạng (con trai và là người thừa kế ngai vàng của Vua Gia Long) đã ban lệnh xây dựng những trụ biểu được xem như ngọn đuốc thắp sáng linh hồn của tiên vương, đồng thời là trụ báo hiệu cho người dân biết đây là khu lăng mộ vua, tránh việc tiến lại gần hay bất kính trong việc la hét, đùa giỡn!

Từng là cấm địa giữa rừng già, là nơi bất khả xâm phạm với người còn sống và nằm tách biệt với buôn làng nhưng buồn làm sao khi xã Ia K’reng có 3 làng thì đã có đến 2 làng lâm tình cảnh bị rừng ma xâm lấn. Tại làng Duch 1, rừng ma lộ thiên trên con đường cái quan dẫn vào Trường tiểu học Ia K’reng. Điều này khiến các em học sinh và nhiều người làng phải ngày ngày lại qua… chạy trối chết. Có người vì sợ ma theo ám nên cứ cúi gằm mặt đi thẳng.

Cách đó không xa, tại làng Duch 2, nơi chôn người chết nằm đối diện Trường Mẫu giáo của xã. Điều này đồng nghĩa với việc ngày ngày người dân, các em học sinh phải lại qua vùng đất cấm trong cảnh âu lo bị "ma bắt", "ma hại".

Chuyện mồ mả người chết nằm trong khu vực người sống là điều tối kị với người Jrai nhưng như những gì chúng tôi chứng kiến, trong mấy năm qua, điều cấm kị ấy đã dần trở nên bình thường trong góc nhìn của nhiều người làng. Hỏi đâu là nguyên nhân của nạn "rừng ma lấn làng", một số người làng giải thích do không còn đất để an táng người chết. "Rừng ma ngày trước chật rồi, hết đất chôn rồi nên phải kiếm rừng ma khác. Nhưng đất rừng giờ đều có chủ, kiếm nơi có đất bằng phẳng giữa rừng khó quá nên làng đành chọn rừng ma ở giữa làng" - già T'hết, đau khổ nói.

Theo các già làng, dẫu biết là điều cấm kị nhưng vì chẳng còn cách nào khác, nếu chọn được khu đất ưng ý dùng cho việc an táng người chết thì ở quá cách xa làng, phải đi cả ngày trời mới tới nơi. Điều đó gây khó khăn trong việc đưa người chết về với đất nên chỉ còn cách chôn ma trong phạm vi đất làng. "Sợ thì sợ nhưng chôn vẫn chôn vì bà con dân làng chẳng biết làm cách nào khác" - ông Mỹ, người Kinh lấy vợ là người bản địa, sống ở đầu làng Duch 2, chép miệng nói. Cũng theo ông Mỹ, việc an táng gần làng như thế rất ô nhiễm bởi người Jrai trên đỉnh núi này đến nay vẫn duy trì tập tục chôn chung, là hủ tục khó loại trừ được duy trì qua nhiều thế hệ.

Cùng với nạn chôn sống trẻ chưa dứt sữa theo người mẹ đã chết (người ta quan niệm nếu chẳng may người mẹ qua đời khi đứa trẻ còn chưa dứt sữa thì nó sẽ phải chết theo mẹ bởi nó còn sống chẳng ai nuôi, lớn lên sức khỏe èo uột. Và cái chết của nó sẽ giúp người mẹ không phải vì nhớ con mà về làng hại người), chôn chung là hủ tục rùng rợn nhất. Nhưng theo thời gian, hủ tục chôn sống con theo mẹ của tộc người Jrai đã dần được xóa bỏ, vậy nhưng nạn chôn chung vẫn còn xảy ra. Rất nhiều người làng thản nhiên giải thích rằng chôn chung nghĩa là chôn nhiều người vào chung chiếc áo quan.

Điều này đồng nghĩa với việc khi có người chết, người làng quật mồ, moi chiếc hòm bằng gỗ cà chít để hàng trăm năm chẳng bị hư hại rồi nhồi xác chết vào chiếc hòm ấy. "Chuyện rùng rợn ở chỗ lắm khi xác trong hòm đang trong thời kỳ phân hủy, người ta lại ấn xác mới vào nơi có cái xác đang trương sình khiến mùi hôi thối phả ra đến tởm lợm bay khắp làng" - từng chứng kiến màn quật mồ chôn chung ấy, ông Mỹ kể lạ sự việc trong nỗi hãi hùng. 

Rừng ma ở làng Duch 2 nằm đối diện Trường Mẫu giáo của xã. 

Rừng “đói” cây - nhà ma "đói" tượng

Không dừng lại ở việc lấn làng với mồ mả chôn bừa bãi, rừng ma ở xã Ia K'reng còn có biến tướng buồn lòng khác. Theo tục lệ từ bao đời qua, để tiễn đưa một người về với thế giới atâu, bên cạnh tục chia của (mang bỏ tại nhà mồ những tài sản lúc sinh thời người sống thường sử dụng để họ có vật dụng dùng trong thế giới ma như quần áo, tô chén, ché rượu, giường, tủ, xe máy, quạt máy…), thân nhân người quá cố còn tổ chức tạc những tượng nhà mồ như tượng người, tượng chim thú… để làm bầu bạn với người chết, để họ không đơn côi trong cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Đây là điểm nhấn đặc sắc trong bản sắc văn hóa dân tộc Jrai nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Được nhiều nhà nghiên cứu nâng tầm là nghệ thuật tạc tượng nhà mồ.

Mỹ tục tạc tượng đẹp và lạ như thế nhưng rảo khắp 3 khu rừng ma ở 3 làng Duch 1, Duch 2 và làng Dip, buồn làm sao khi ở nơi được mệnh danh "thủ phủ tượng nhà mồ" lại vắng bóng tượng nhà mồ. Không còn cảnh rừng tượng mồ trùng điệp, phong phú như ngày trước, mỗi khu rừng ma ở Ia K'reng nay chỉ lác đác vài ba tượng người buồn (ngôn ngữ của đồng bào gọi là ra-coon, đó là hình tượng người ngồi ôm cằm thể hiện nỗi buồn đau vì sự chia lìa, mất mát). Những tượng nhà mồ mẹ bồng con, tượng những con vật quen thuộc như các loài chim, thú (khỉ, chó, heo…) cùng những cảnh sinh hoạt thường ngày vui nhộn như giã gạo, uống rượu cần, đánh cồng chiêng… đã không còn nữa.

Tìm hiểu đâu là căn nguyên của hiện tượng đáng buồn ấy, hỏi ra mới biết rừng ma vắng bóng tượng nhà mồ bởi rừng không còn cây để nghệ nhân tạc đẽo. Ông Rơ-chăm Mêl, một nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ cho biết: "Rừng bây giờ vẫn còn nhưng là rừng bắp, rừng đậu. Rừng như thế đâu thể chặt cây mang về đẽo tượng cúng ma được". 

Rừng già “đói” cây rừng nên nhiều ngôi mộ ở Ia K'reng chỉ có tượng nhà mồ được vẽ bằng máu con vật hiến sinh. 

Ông Mêl là nghệ nhân lão làng trong việc đẽo tượng nhà mồ. Chỉ với chiếc rìu, cái xà gạc vậy là ông như nhiều người già khác ở làng biến những khúc cây vô tri vô giác thành những tượng nhà mồ sống động như có linh hồn. Nhưng đó là chuyện của một thời quá vãng. Nhắc chuyện tượng mồ, ông Mêl kể rằng ngày trước, khi làng có người chết thì những nghệ nhân khéo tay như ông tay rìu tay xà gạc vào rừng tìm cây tạc tượng, ai nấy đều vui vì nghĩ rằng mình được góp chút phần công sức tiễn đưa người chết về một thế giới có cuộc sống bất tử. Như hòm độc mộc, cây rừng để tạc tượng nhà mồ là cây cà chít.

"Trước khi tạc tượng mồ phải làm nghi thức cúng tạ thần rừng đã ban cây long trọng lắm. Hồi đó ai cũng biết tạc tượng, nhà ma nào cũng được tạc nhiều tượng để người chết được vui. Nhưng giờ rừng hết cây nên muốn tạc tượng cũng chịu thôi, chẳng biết làm sao được!" - một già làng, thổ lộ.

Không còn cây rừng để đẽo tượng nhà mồ theo đúng truyền thống của cha ông, vậy là thân nhân người quá cố nảy sinh sáng kiến vẽ tượng lên mồ mả người thân. Tại rừng ma ở làng Dip, tượng nhà mồ được vẽ bằng máu những con vật hiến sinh (gà trắng, có khi dê hoặc trâu) như thế nhiều lắm! Hình vẽ được thể hiện quanh các bức tường nhà mồ ốp gạch men màu trắng trong đó có hình trai gái đang yêu nhau, hôn nhau… hoàn toàn khác xa những tượng nhà mồ ngày trước. Đề cập đến những hình ảnh biến tướng này, trong khi nhiều trai làng cười bảo đó là chuyện bình thường thì lắm già làng tỏ rõ sự ưu tư.

"Rừng không còn gỗ, muốn có gỗ đẽo tượng phải đi thật sâu vào rừng nên bọn trẻ làm biếng, chúng nói vẽ thì tiện hơn, nhanh hơn". Dứt tâm tình ấy, ông Mêl bảo có lẽ mai này, khi những người già như ông mất đi thì rừng ma sẽ vắng bóng tượng nhà mồ bởi chẳng còn ai tạc tượng nữa. Như vậy thì bản sắc, tập tục văn hóa đặc trưng của buôn làng sẽ bị khai tử chỉ trong một sớm một chiều mà thôi!

Đã từng đẽo hàng ngàn tượng nhà mồ cho người quá cố nhưng những nghệ nhân lão làng như ông Mêl lo cái ngày mình nằm xuống chẳng biết có cái tượng nhà mồ nào được người thân, người làng đẽo tạc để làm bầu bạn với mình ở thế giới bên kia. Ông nói tượng mồ là cách mà người sống bày tỏ sự tôn kính, yêu thương với người đã khuất, là lúc mà họ thể hiện sự thành tâm, khó khổ chẳng nề hà. Nay văn hóa phong tục tập quán không còn nữa, sao mà không buồn, không lo được!

Rừng ma lấn làng vì làng hết đất an táng người chết và tượng nhà mồ thay vì được đẽo tạc từ cây rừng theo luật tục bao đời nay được thay thế bằng những hình vẽ bởi rừng không còn cây, những biến tướng này quả là thông điệp buồn đến nao lòng với những ai quan tâm đến "bản sắc" rừng ma Ia K'reng. Cần nhấn mạnh rằng Ia K'reng nổi tiếng là nơi núi rừng mênh mông với rừng già ngút ngàn nhưng người sống phải chịu cảnh rừng ma lấn làng và "đói" cây rừng để tạc tượng nhà mồ là điều đáng để chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng huyện Chư Pảh nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung và những ai quan tâm đến nghệ thuật tạc tượng nhà mồ, quan tâm, suy ngẫm.

Chiều tà, chúng tôi rời núi rừng Ia K’reng mang theo nỗi buồn vô hạn của những người già - những người luôn nặng nợ với phong tục tập quán từ ngàn xưa đang bị mai một nhanh chóng, lãng quên nhanh chóng. Thôi thì chỉ biết tự an ủi mình dầu gì thời điểm này chúng tôi cũng còn may khi được gặp lác đác vài tượng mặt người buồn ra-coon, chứ vài năm nữa tìm đến, chắc gì đã còn gặp hình ảnh đậm nét núi rừng Ia K’reng ấy!

Thành Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét