9 thg 6, 2013

Viếng làng cổ Đường Lâm

Cách trung tâm Hà Nội 50km, Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một ngôi làng cổ vẫn còn lưu giữ được những kiến trúc và nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam xưa. Đây là nơi sinh ra nhiều danh nhân như Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng...


Cổng làng trải qua biết bao thăng trầm đã bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn giữ nguyên nét xưa.


Trong làng, những ngôi nhà mái ngói, tường đá ong với không gian sinh hoạt đại gia đình mang đậm bản sắc của một ngôi làng thuần nông và dấu ấn xưa kia của một nền văn minh lúa nước. Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự - ngoại khách, sân nhà thường thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa nước từ ngoài dồn vào sân theo thuyết tụ thủy sinh tài rồi mới chảy thoát ra đường cống.

Cổng nhà thường làm theo hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong.

Người làng Đường Lâm kể lại rằng: “Từ thời cụ tổ đã có đá ong, loại đá này phải đào từ dưới lòng đất lên. Mỗi lần đào rất khó vì mỗi viên thường to khoảng 15-40cm”. Năm tháng càng khiến cho đá săn chắc, cứng cáp. Những bức tường đá ong có hàng trăm năm nay bao quanh các ngôi nhà, tạo không gian biệt lập cho mỗi gia đình.

Không gian bếp với các vật liệu chủ yếu được làm bằng tre nứa. Xưa kia bếp thường gắn liền với người phụ nữ cũng như quan niệm là người “giữ lửa” cho gia đình.

Đình làng Mông Phụ tọa lạc ở vị trí đầu rồng, hai bên hông đình còn có hai giếng cổ được ví là mắt rồng. Đình làng là hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trên gỗ hết sức tinh vi của người Việt cổ. Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, gắn kết thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay. Đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

Cối để xay ngô và gạo được sử dụng cách đây nhiều thế kỷ cũng như nhiều các vật dụng khác vẫn được gìn giữ trong nhiều gia đình. Vì thế Đường Lâm được coi như “bảo tàng” của lối sống nông thôn.

Thảo Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét