9 thg 6, 2013

Bí ẩn những hình vẽ kỳ lạ trên mái đá núi Cửa Chùa

Vách đá dựng có hình vẽ độc đáo ở Ninh Bình.

Điều khiến cho vách đá ở mái đá núi Cửa Chùa trở nên độc nhất vô nhị của Việt Nam là bởi nó ẩn chứa một bí mật kỳ lạ, đó là những hình vẽ trên đá đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chủ nhân của những hình vẽ này là ai? Hình vẽ được vẽ bằng chất liệu gì, có niên đại mấy trăm hay mấy ngàn năm trước? Và nó ẩn chứa thông điệp gì đằng sau?... 


Mái đá núi Cửa Chùa (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) sừng sững như một bức tường khổng lồ đứng nghiêng một góc gần 45 độ, có màu vàng nhạt bạc phếch theo thời gian như những vách đá chịu ngàn năm phong hóa khác. Điều khiến cho vách đá này trở nên độc nhất vô nhị của Việt Nam là bởi nó ẩn chứa một bí mật kỳ lạ, đó là những hình vẽ trên đá đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chủ nhân của những hình vẽ này là ai? Hình vẽ được vẽ bằng chất liệu gì, có niên đại mấy trăm hay mấy ngàn năm trước? Và nó ẩn chứa thông điệp gì đằng sau? 

Tấm bản đồ đi tìm kho báu?

Anh thanh niên Nguyễn Văn Nhàn vừa chèo chống vừa rẽ các khóm lá và hoa sen để tìm lối, cần mẫn chở chúng tôi trên chiếc thuyền nan chòng chành vượt mặt đầm Vân Long đến chân núi Cửa Chùa. Núi Cửa Chùa nằm trong khu bảo tồn sinh thái ngập nước Vân Long, chỉ cách trung tâm TP Ninh Bình chừng 17km, cách Hà Nội chừng 82km. Gọi là núi Cửa Chùa vì lối sạt đạo theo vách núi này dẫn tới chùa Bái Vọng tọa lạc trên sườn núi cách đó chừng mấy trăm mét. Trước khi bị phá hủy vào khoảng năm 1954, chùa Bái Vọng còn nghi ngút hương khói, cây cối um tùm cô tịch. Sân chùa còn có một cây xoài cổ thụ sum suê trái chín, khỉ trên núi Cửa Chùa thường kéo về từng đàn chí chóe nhảy nhót.

Khắp các chân núi đá vôi trong khu sinh thái ngập nước này đều có một màu đen xám, bạt ngàn lau lách, cỏ dại nhưng riêng dưới chân vách đá này lại có một bãi đất bằng, khá khô ráo, phẳng rộng. Vách đá khổng lồ này dựng đứng nghiêng vát ra ngoài như định tạo một mái hiên lớn che chở khoảng chân núi rộng chừng 5 - 6m.

Theo lời Nhàn, tôi ra mép đầm đong đầy nước vào một vỏ chai LaVie mang theo sẵn. Nước đầm trong vắt, đến nỗi có thể thấy rõ từng con cá nhỏ xíu đang bơi lội ẩn hiện trong từng vạt rong đuôi chuồn. Nhàn cũng nhoài người dùng sức bứt một chiếc lá sen bánh tẻ, múc đầy một lá nước. Cẩn trọng nâng gói lá sen chênh chao nước đầm cho khỏi đổ, Nhàn tiến về vách đá, khẽ bảo: "Anh xem kỹ lại đi, mặt phiến đá sần sùi tự nhiên, không có một dấu hiệu gì bất thường. Bây giờ tôi sẽ té nước lên vách đá, để anh coi!". Rồi cúi nhặt chiếc bát sứ nhỏ lăn lóc dưới đất, Nhàn vục nước từ lá sen té lên phiến đá vàng vọt đó. Dòng nước chưa kịp chảy hết chiều nghiêng của phiến đá thì kỳ lạ thay, một vệt sắc đỏ bỗng xuất hiện theo dấu vết nước trôi.

Vệt đỏ ối ấy chỉ dừng lại khi đã hiển hiện rõ rệt thành một bức hình đỏ về một người đàn ông to lớn. Hình người này đầu tròn, mắt tròn, tai dựng, mặt mũi kỳ dị cổ quái, có vẻ hung tợn. Dù nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng người vẽ cố gắng khắc họa phần bụng với các nét vẽ như kiểu "giải phẫu" các phần nội tạng. Bàn tay trái của người đàn ông kỳ lạ này cầm thanh gươm nhọn có cái chuôi vẽ nắn nót, tay phải cầm cây chùy lớn cán dài. Các nét vẽ khác mờ hơn nên không rõ trên đầu người này có đội mũ và hai chân có đi giày dép?

Tôi cẩn trọng đưa tờ giấy trắng lên vạch theo đường nét của bức hình, thì màu đỏ thấm ngay ra giấy, như son môi, như gạch nung non rữa nước, rồi dần mờ nhạt đi như thành màu vàng đất núi. Lần sờ từng đường nét, rõ ràng đây là bức hình được vẽ bằng chất liệu màu đặc biệt, không phải hình chạm khắc. Và nền bức vẽ cũng không có dấu hiệu của sự gia công tạc đẽo nào cả, chỉ vẽ trực tiếp trên phiến đá tự nhiên tương đối bằng phẳng này. Có lẽ nó đã xuất hiện từ bao đời trước, nên dường như các đường nét và màu mực in trên vách đá dựng này đã hòa tan thành da thịt đá.

Chúng tôi tiếp tục múc nước vào những chiếc lá sen và hắt lên phiến đá rộng mấy chục mét vuông đó. Các đường nét lại lần lượt hiện thành các hình khắc đỏ ối theo dòng nước chảy xuống. Không phải nơi nào có nước tưới vào cũng có hình, nhưng số hình lộ ra trên vách đá đếm sơ sơ cũng vài chục cái. Kỳ lạ nhất là một nhóm vẽ ba hàng người. Phía trên là một người ngồi uy nghi chễm chệ trên chiếc ghế lớn, có ngai, có mũ đội, có nhiều đường nét lạ xung quanh khu vực vai và ngực. Hàng người phía dưới khắc họa hai người không rõ nam hay nữ như đang nhảy múa bên nhau, nét vẽ thô sơ và đơn giản hơn nhiều so với hình vẽ trên. Hàng dưới cùng là khá nhiều người, động tác chân tay có vẻ hỗn loạn như nét tay vung chân đảo khi đang phấn khích múa lượn.

Rồi lại có những khối chữ nguệch ngoạc, viết chữ to nhỏ khác nhau, không thẳng hàng ngay lối, có một số nét tựa như bộ chữ Nho, lại như không phải. Lệch bên trái, bên phải, cả mấy chục mét vuông đá phiến ấy lần lượt hiện lên các hình khắc đỏ ối diệu kỳ, không rõ mô tả cuộc sống sinh hoạt thường nhật hay các ký tự, ám chỉ gì. Chúng tôi cứ mãi vục chiếc lá sen, hắt nước lên phiến đá, khắp xung quanh cao quá đầu mình vài tầm tay với, để ngắm nhìn những nét vẽ kỳ bí hoang dại lần lượt hiện lên.

Quan sát thật kỹ thì ở những chỗ có đá cứng, vừa bị đục phá cũng đã mất đi một số nét vẽ. Nguyễn Văn Nhàn gãi đầu gãi tai: "Hồi còn là trẻ chăn trâu, chúng tôi hay vào khu vực này chăn thả, chơi bời. Đám trẻ ngu dại chúng tôi tàn phá các bức hình này ghê lắm. Nhưng điều kỳ lạ là dẫu đã nhiều lần bị cạo xóa trắng đi, chỉ bẵng đi một thời gian, khi nước mưa phủ xuống hay đem nước hắt vào vách đá thì các bức hình vẫn hiện rõ trở lại. Và những bức hình anh đang nhìn thấy không khác gì những bức hình xưa kia, sau bao nhiêu đợt bị đám trẻ trâu phá hoại. Gần đây nó mới được bảo vệ đấy".

Ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng Trạm du lịch Vân Long là một trong những người có công đầu trong việc phát hiện và gìn giữ những di sản này. Theo ông Quang, những hình vẽ có trên vách đá núi Cửa Chùa này có từ rất lâu đời, từ ngày xưa các cụ già trong làng còn mò cua bắt cá đã nhìn thấy. Người dân địa phương mỗi lần sau cơn mưa to, thấy chỗ đá bị ướt do ngấm nước mưa hiện ra những bức hình màu đỏ, như vết xăm chìm trên "da thịt" của đá. Người thì cho rằng, đó là chữ của ma, của quỷ, phần vì nó thường hiện lên khi có nước ngấm, phần vì họ không đọc được nó viết gì. Lại thấy các hình vẽ loằng ngoằng, người đầu tròn, mắt tròn, tai dựng, chân khuỳnh như đứng tấn, tay cầm chùy, cầm dao, mặt mũi có vẻ hung tợn, nên họ cũng chờn chợn, chẳng ai muốn tự mình quan tâm khám phá.

Cũng có nhiều người phỏng đoán rằng: Đây có thể là bức bản đồ hay ký hiệu chỉ dẫn của ngoại bang khi xưa sang đây cướp bóc của cải dân mình đem giấu vào hang núi hay địa điểm nào đó, rồi đánh dấu bằng những hình vẽ, ký tự chỉ riêng họ hiểu, để con cháu họ sau này lần tìm sang mà lấy về(?). Lời đồn đại này có thêm cơ sở, vì trước đây ở chân núi này còn có một khối đá lớn tạc hình một con rùa, trên lưng còn có một khối chữ nhật khoét sâu trong đá như chiếc hộp. Người dân tin rằng đó là nơi giấu của cải hoặc bản đồ đi tìm kho báu, và con cháu họ đã lén lấy đi từ bao giờ nên chỉ còn lại cái hộp rỗng.

Theo trí nhớ của ông Trần Xuân Quang, đến khoảng những năm 1945- 1947 (khi nơi đây còn trong vùng tạm chiếm của Pháp) thì vẫn còn con rùa đó, nhưng nay đã thất lạc. Các nhà nghiên cứu, khoa học đã tìm thấy các dấu tích khẳng định người tiền sử đã từng cư trú trong hang này từ khoảng 10.000 năm trước.

Bức nhai bích họa đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam?

PGS, TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) là một người rất gắn bó với các công trình nghiên cứu về thời đại đồ đá, có chuyên môn rất cao về những gì liên quan đến đá. Xem tất cả những hình ảnh chụp và quay được về các bức vẽ trên mái đá Cửa Chùa, vị PSG, TS thốt lên: "Đây có thể là bức nhai bích họa (tranh vẽ trên vách đá) đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Tôi đã để ý đi tìm nhiều năm nay rồi mà chưa thấy".

Bức màn bí mật của hình vẽ trên mái đá Cửa Chùa cũng được PGS, TS Trình Năng Chung vén dần lên. Với loại hình nhai bích họa này, người xưa thường dùng chất liệu là loại khoáng ôxít sắt có màu đỏ sẫm (một dạng thổ hoàng), nghiền thành bột rồi hòa với nước mà vẽ lên vách đá vôi. Phiến đá vôi sẽ hút các ôxít sắt này ngấm sâu vào thớ đá, ẩn chứa trong đó. Bình thường, các bức vẽ này đều có màu đỏ sẫm và hiển hiện tự nhiên trong các hang động hay vách đá dựng, thường là có nước phía dưới chân. 


Những hình vẽ trên vách đá Cửa Chùa (Gia Viễn, Ninh Bình).

Những bức hình ở mái đá núi Cửa Chùa bị mờ ẩn vào trong đá, khi có nước mưa hay hắt nước vào mới hiện rõ, là do có sự tác động của con người. Trước đây người dân có nung vôi khiến bụi khói che mờ, rồi người dân cũng dựng một chiếc bếp dã chiến vào chân vách đá, trẻ con cào xóa… Khi có nước tác động vào, vách đá vôi sẽ trả lại lớp màu mà nó đã ngấm sâu vào.

PGS, TS Trình Năng Chung cho biết thêm, các bức vẽ ở Cửa Chùa đều mang phong cách hiện thực, khác với phong cách biểu tượng của các bức họa được phát hiện trên vách đá ở núi Hoa Sơn (Quảng Tây, Trung Quốc) hay ở miền Trung Thái Lan, đảo Java (Indonesia). Tính hiện thực thể hiện rõ ở các chi tiết rất đầy đủ, sinh động, tư thế người trong hình đang chùng hai chân xuống, hai tay giơ vuông góc, con ngươi liếc lên, hoặc nhìn chính diện, môi bặm…

Căn cứ vào phong cách và các chi tiết như gươm, chùy, dao, ký tự…, có thể xác định niên đại của các hình khắc này vào khoảng 300 năm trước, các hình được vẽ trên vách đá cao và cheo leo. Do chưa tận mắt thấy tay sờ toàn cảnh cả bức tranh trên đá ở Ninh Bình, lại chưa được nghiên cứu thật kỹ lưỡng về lịch sử và các mối liên hệ xung quanh núi và vùng đất, nên PGS, TS Trình Năng Chung chỉ có thể đưa ra những đánh giá ban đầu về nội dung và ý nghĩa của bức tranh này.

Nếu liên quan đến ngôi chùa Bái Vọng xưa (nay đã mất), thì có thể phỏng đoán đây là bức tranh vẽ quang cảnh buổi lễ ở ngôi chùa. Bức hình người có khuôn mặt dữ tợn là tượng các ông Thiện, Ác như các ông Phỗng đá giữ cửa chùa. Các hình vẽ khác có thể là tượng Phật, La Hán, Kim Cương… và những người hành lễ tại chùa. Bởi căn cứ vào nội dung và tính chất của loại hình nhai bích họa mà giới khoa học đã có một quá trình nghiên cứu lâu dài, ngoài những phỏng đoán, kiến giải như dùng để vẽ di tồn của một sự kiện lịch sử, để kỷ niệm hoặc chúc mừng thắng lợi của một cuộc chiến tranh nào đó... thì nhai bích họa còn được cho là "di tồn văn hóa vu thuật", là "tác phẩm có ý thức tôn giáo nguyên thủy".

Những người tán đồng quan điểm di tồn văn hóa vu thuật cho rằng, nhai bích họa phần lớn đều vẽ ở những nơi dựa vào sông gần nước hoặc ở trên cùng các vách núi khó trèo lên, phần lớn vẽ ở những độ cao mắt thường nhìn không rõ, hoàn cảnh cao hiểm trở, khó có điều kiện quan sát. Những người vẽ phải sống chết khó lường, trèo lên vách núi cao, vẽ nên một bức, có vài hình tượng hoặc đơn độc chỉ một hình tượng, hiển nhiên không phải vì khen thưởng đơn thuần, mà là được thúc đẩy mãnh liệt của quan niệm ý thức.

Người Việt cổ xưa tin tưởng, sùng bái núi sông và sự cảnh giới vu thuật. Có thể bức họa phản ảnh các loại hoạt động lễ nghi vu thuật của người Việt cổ như các hoạt động tế ngày, tế trống, lễ sông, lễ quỷ thần, lễ thần ruộng, lễ thần đất, cầu chiến tranh thắng lợi, tế người, tế vật tổ…

Những nhà khoa học cho rằng nhai bích họa là tác phẩm có ý thức tôn giáo nguyên thủy, dường như có quan hệ với tục treo quan tài trong hang động (khu vực gần mái đá Cửa Chùa như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La… đã phát hiện loại hình này) và vẽ đội ngũ bảo vệ cho người chết, để biểu thị sự tôn kính. Hoặc cho rằng nhai bích họa có quan hệ với việc cúng tế thủy thần, do được vẽ ở những nơi hiểm yếu, dòng sông uốn khúc, nước sâu chảy mạnh. Con người không sợ nguy hiểm, leo lên vách núi cao hàng trăm thước tiến hành vẽ sáng tác, là để trấn thủy (?). Hoặc cho rằng, nó quan hệ với việc tế thần Sấm, hoặc cúng bái tổ tiên…, nhưng nói chung đều là những nghi lễ tôn giáo nguyên thủy.

Căn cứ vào điều này, PGS, TS Trình Năng Chung cho rằng, giả thuyết bức họa Cửa Chùa ghi lại quang cảnh hành lễ ở chùa Bái Vọng có lý do để tồn tại. Ông cũng hy vọng rằng, sẽ tiếp tục phát hiện thêm những bức họa trên đá tương tự ở những vùng miền khác của Việt Nam.

Những thông điệp mà người xưa để lại là những di sản rất cần được hậu thế giải mã. Thông tin ấy có thể rất giản đơn, nhưng cũng có thể rất phức tạp. Vì vậy, cùng với việc bảo quản nguyên trạng hệ thống tranh vẽ trên vách đá Cửa Chùa, rất cần sự xắn tay nghiên cứu, giải mã của các nhà khoa học.

Lê Quân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét