10 thg 6, 2013

Huyền thoại Pô Cô

A Sanh tên thật là Puih San, ở làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, người lái đò trên sông Pô Cô một thời đạn lửa, đưa bộ đội qua sông và con người ấy đã làm nên nhiều kỳ tích như một huyền thoại trên Tây Nguyên thân yêu. Ngày 22/8/1998, A Sanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bây giờ, mỗi khi nghe bài hát "Người lái đò trên sông Pô Cô" của nhạc sĩ Cẩm Phong, lời Mai Trang khiến lòng tôi luôn rạo rực và muốn được trở lại miền đất vùng biên giới một thời oanh liệt ấy, để gặp lại những ký ức huyền thoại... 

Ký ức một thời đánh giặc

Đặt chân đến ngôi làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bây giờ khác xưa nhiều lắm. Bến sông Pô Cô một thời là nơi cập bến của những chuyến thuyền độc mộc, đưa bộ đội qua sông cũng trống trơ trên cát. Con làng nhỏ ven bãi sông đã di dời nơi khác nhưng kỷ niệm xưa thì còn mãi in sâu vào lòng đất, tình người nơi đây. Đứng trước dòng Pô Cô hôm nay, có đồng đội A Sanh còn sống là già Pêng nhìn bến đò xưa mà bao ký ức tràn về: "Anh em chúng tôi vẫn thường bắt đầu đưa bộ đội qua sông ở đây".

Tuyến đường Tây Trường Sơn nối dài từ Bắc vào Nam vận chuyển vũ khí, lương thực và đường hành quân của bộ đội chi viện cho tiền tuyến lớn đi từ đất Việt Nam rồi vòng sang Lào và Campuchia, sau đó trở lại Nam Bộ, Việt Nam. Con đường Trường Sơn huyền thoại ấy khi đi qua Kon Tum và Gia Lai thì gặp dòng Pô Cô rất khó vượt.

Để đảm bảo vận chuyển an toàn lương thực, phương tiện và vũ khí, đặc biệt là khai thông đường hành quân, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã quyết định mở thêm những nhánh đường nhỏ, nhiều nhánh phải sử dụng thuyền độc mộc để đưa bộ đội qua sông. Đoạn sông Pô Cô chảy qua Gia Lai được chia thành ba bến: phà 6, phà 8 và phà 10. Nhằm chủ động cho mỗi đợt hành quân, các bến phà phải bố trí cách nhau hơn 500m đề phòng địch đánh bất ngờ. Bên tả ngạn là những cánh rừng xanh ngút ngàn của huyện Sa Thầy (Kon Tum) còn bên này là làng Nú (Ia Grai, Gia Lai) được mở những đường mòn nhỏ để bộ đội hành quân. Tiểu đội lái đò được Mặt trận B3 thành lập gồm 6 người, chia làm 3 đội. Đò do người địa phương đóng bằng gỗ, mỗi chuyến chở được 20 người.

Ban đêm, khi con gà tìm lên cây đi ngủ là lúc bộ đội sang sông. Cứ thế, chuyến thuyền này qua thì chuyến sau lại thay người chèo, đến khi mặt trời ló sau rặng núi phía Đông thì mới dừng chân. Nhưng cũng có lúc phải chèo cả ban ngày để bộ đội kịp tham gia các trận đánh lớn, đặc biệt là giai đoạn mùa khô từ 1964-1966. Để đưa bộ đội qua sông an toàn phải bố trí đến ba tiểu đội, ngoài tiểu đội chèo đò còn có một tiểu đội phụ trách phòng không đề phòng máy bay Mỹ thả bom, rồi một tiểu đội bảo vệ ở phía bờ bên kia đề phòng địch từ phía Campuchia tràn sang.

Làng Nú xưa là nơi Puih San được lũ làng làm lễ thổi tai. Yàng cho Puih San sức khỏe hơn người, có đôi tay rắn chắc như chàng Đam San và đôi tai thính như con mèo rừng. Bất chấp dòng sông Pô Cô hung dữ vào mùa mưa lũ, Puih San luôn là người chèo thuyền độc mộc giỏi nhất trong đám trai làng. Khi cái đầu biết lo lắng công việc cũng là lúc Puih San nhìn thấy thằng Mỹ, thằng giặc ác tựa con cọp, con beo ăn thịt người. Puih San ước nguyện được đi theo bộ đội Bok Hồ (Bác Hồ), được cầm súng bắn thằng Mỹ xâm lược.

Năm 1958, Puih San trốn cha mẹ lên ngọn núi cao xin cán bộ cách mạng được cầm súng làm du kích xã. Với tài năng và lòng nhiệt huyết cách mạng, Puih San được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội du kích xã nhà. Tiểu đội do Puih San phụ trách tham gia nhiều trận đánh, diệt được nhiều tên địch. Khi nghe đánh đồn Chư Nghé, tiểu đội do Puih San bày mưu, tính kế phá hủy 3 xe GMC, diệt 40 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch. 

Bến đò duy nhất bên dòng Pô Cô. 

Đầu mùa mưa năm 1961, Puih San trở thành anh bộ đội Bok Hồ, thuộc đơn vị đường dây T2C07-Mặt trận B3. Công việc của Puih San là lái đò, chở bộ đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm qua sông Pô Cô. Thời gian cao điểm từ mùa khô năm 1965 đến mùa mưa năm 1968, có đêm Puih San chở hơn 30 chuyến đò với hàng trăm lượt bộ đội và hàng hóa qua sông an toàn phục vụ cho quân ta mở chiến dịch đánh trận Plei Me ở huyện Chư Prông, Gia Lai thắng lợi giòn giã.

Sau tám mùa rẫy cầm mái chèo lướt sóng, dưới làn mưa bom, bão đạn, Puih San đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ vinh quang của Đảng (ngày 21/1/1965) và đi dự báo cáo điển hình tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Mặt trận B3. Chiến công hiển hách của Puih San đã mang lại nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhà thơ Mai Trang sáng tác bài thơ: "Người lái đò trên sông Pô Cô" và nhạc sĩ Cẩm Phong phổ nhạc bài thơ này đã đi vào lòng người những năm tháng rất hào hùng. Bài hát ấy thường xuyên được truyền đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt thời kỳ đánh Mỹ như tiếng kèn xung trận giục giã, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước noi gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của Puih San, xông lên phía trước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào".

Trong 2 năm 1969-1970 anh được đào tạo sĩ quan tại tỉnh Hòa Bình rồi tiếp tục trở lại mảnh đất Bắc Tây Nguyên chiến đấu. Anh đã cùng đồng đội bí mật, bất ngờ đánh hai trận trên quốc lộ 19 - An Khê phá hủy 1 xe GMC, diệt 5 tên địch và thu toàn bộ vũ khí. Sau khi núi rừng Tây Nguyên sạch bóng quân thù, Puih San mới có dịp trở về nơi "chôn rau, cắt rốn" để thăm lại vợ con nhưng đã quá muộn. Mỹ, ngụy đã giết chết vợ con anh. Mất mát đau thương không gì bù đắp nổi, Puih San nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phục vụ quân đội. Dù ở cương vị trực tiếp quản lý và giáo dục tù binh hay làm trợ lý dân quân ở Ban Chỉ huy quân sự huyện Chư Pah hoặc tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam… Trung úy Puih San luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1980, Puih San từ một bệnh binh trở về đời thường, với dòng Pô Cô thơ mộng đầy ắp chiến công và kỷ niệm, anh vẫn luôn phát huy bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Anh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mùa xuân năm 2000, anh vĩnh biệt dòng sông Pô Cô về với thế giới bên kia khi mới 63 tuổi đời, 35 tuổi Đảng, 19 tuổi quân.

Đất nước nở hoa, buôn làng đổi mới

Bây giờ ở làng Nú, lớp người cùng thế hệ đồng chí A Sanh xưa còn sống nơi vùng biên này không là bao. Già Pêng, người đồng chí với A Sanh cùng nhiều đồng đội khác đã một thời không sợ gian nguy, đêm ngày chèo thuyền độc mộc, đưa bộ đội qua sông là một trong số ít người còn sống. Họ cùng sinh ra và lớn lên bên dòng Pô Cô, uống chung dòng nước, ăn chung con cá sông Pô Cô…

Đứng trước bến sông Pô Cô của làng Nú, Rah Lan Pêng xúc động kể lại thời trai trẻ của mình với đồng đội gắn cùng thuyền độc mộc bên dòng Pô Cô đánh Mỹ. Năm 1963, Rah Lan Pêng cũng như nhiều thanh niên khác trong làng nối gót bước chân A Sanh, tình nguyện tham gia du kích. Già Pêng cho biết, A Sanh ở cùng làng Nú, vào du kích năm 1961, còn ông thì sau 2 năm, tức 1963. Thuở ấy Rah Lan Pêng cùng nhiều trai gái trong làng khác tự nguyện tham gia du kích rất nhiều. 

Già Pêng kể chuyện A Sanh với lớp trẻ làng Nú. 

Làng Nú xưa nằm sát bến đò Pô Cô bây giờ chỉ còn lại là khu rừng hoang đan xen những hàng cây ăn trái như nhãn, điều còn sót lại sau di dời. Ngôi làng Nú mới đã định hình thành làng hiện đại nhiều năm nay theo chương trình làng định cư từ dự án thủy điện Sê San 4. Làng mới với một trăm phần trăm nhà xây kiên cố, mát mẻ. Nhiều gia đình đã mua sắm được xe máy, tivi và những tài sản đắt giá. Già làng Siu Bố bảo: "Làng mình ai cũng chăm làm ăn nên không đói như trước...".

Cùng với đồng lúa, rẫy mì, người dân làng Nú bây giờ vẫn còn số ít người duy trì với nghề đánh cá bên dòng Pô Cô, tuy dù đó là nghề phụ góp vui nhiều hơn làm kinh tế. Ngày ngày bên dòng Pô Cô thăm thẳm, lúc xanh trong hiền hòa, khi đục ngầu cuộn chảy, những người dân Jơ Rai bên sông vẫn miệt mài kiếm con cá đổi bữa ăn. Già Duit năm nay hơn 62 tuổi, tâm sự: "Chèo thuyền độc mộc, đánh bắt cá trên sông Pô Cô còn là nét văn hóa từ bao đời nay của người dân nơi đây".

Già làng Bố cũng cho biết, làng Nú bây giờ còn khoảng chưa đầy chục chiếc thuyền độc mộc neo sông. Những người biết đẽo thuyền độc mộc ở đây cũng chỉ có vài ba người đếm trên đầu ngón tay. Giỏi nhất ở cả vùng này vẫn là già Pêng, rồi kế đến Duit và HMơng.

Kinh nghiệm của các già làng kể rằng họ phải kiêng cữ từ khi đi chọn, chặt cây ở rừng đến lúc hoàn thành đưa thuyền xuống nước. Khi vào rừng chặt cây phải lắng nghe tiếng con chim Plang (loài chim rừng nhỏ), nếu gặp nó bay theo kêu sau lưng thì phải quay về (vì sẽ gặp tai họa). Cây chọn làm thuyền độc mộc phải là cây gỗ sao thân thẳng, to. Chọn gỗ sao vì nhẹ mà chắc, thuận tiện cho việc đi lại trên sông nước. Chọn, chặt cây xong rồi phải tổ chức cúng Yàng và tiến hành đẽo thuyền. Thuyền được làm xong một lần nữa lại cúng Yàng rồi cho thuyền xuống nước.

Để làm được một chiếc thuyền độc mộc thường mất cả tuần lễ. Già Pêng kể, đời mình đã đẽo được khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, chủ yếu làm cho người trong nhà hoặc giúp bà con trong làng và các làng khác.

Dân làng kể rằng ngày xưa người dân trong làng khổ lắm, muốn đi làm ruộng, làm rẫy cũng sợ quân địch cho là đi tiếp tế bộ đội nên bị bắt, đánh rất dã man. Vì thế năm 1967, dân làng Nú sống trong ấp Chư Nghé có 30 người bị chết do đói. Còn bây giờ, nhà nào ở làng Nú cũng có ruộng, rẫy, được khuyến khích, bà con làm thêm cây công nghiệp, chăn nuôi… để cải thiện cuộc sống gia đình. Trong niềm vui dân làng đổi thay, phát triển hôm nay, già Pêng xúc động kể lại chuyện tình của mình với người vợ hiền Ksor Pyếp. Hồi đó, ngoài việc chèo thuyền đưa bộ đội qua sông, Rah Lan Pêng còn làm công tác vận động chị em phụ nữ không lấy chồng địch, đoàn kết dân làng để nuôi bộ đội đánh giặc.

Rồi một lần Rah Lan Pêng gặp Pyếp đã bị hút mất hồn, cái bụng thấy ưng lắm nên đã phải lòng nhau. Hàng ngày Rah Lan Pêng chèo đò đưa bộ đội sang sông, bám làng vận động nhân dân, còn Ksor Pyếp tham gia vận chuyển đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội. Cuối năm 1973, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái khi đứa con đầu lòng Ksor Pyinh chào đời.

Trong sự đổi thay, kỷ niệm về dòng Pô Cô xưa có 3 bến phà, còn bây giờ chỉ còn có một, bởi bến phà 6 và 10 đã chìm theo dòng thủy điện Sê San. Cuộc sống đã đổi thay nhưng huyền thoại về mảnh đất Trường Sơn một thời đánh giặc vẫn còn mãi trong ký ức người dân nơi đây, và ở đó vẫn còn những con người lái đò ngày xưa trên dòng Pô Cô đang sống rất bình dị giữa đời thường như những cánh hoa rừng Tây Nguyên thơm mãi, thơm mãi đến muôn ngàn đời sau. Thật cảm động khi đứng trước con sông dài Pô Cô, nghe những dòng nhạc rất trữ tình: "Dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm… Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết, anh lái đò tên gọi A Sanh…


Ngọc Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét