6 thg 6, 2013

Bi hài ở Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận.

Không lên kế hoạch trước, nhưng trong năm 2010 tôi đến khuôn viên vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) đến ba lần. Tôi bị thu hút bởi cái đẹp hoang dã đầy góc cạnh của vùng đất khô cằn đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn Đông Nam Á. Nhưng cũng ở đây mỗi lần đến tôi lại thấy nhiều chuyện bi hài, đặc trưng cho sự giằng xé giữa nhu cầu bảo tồn môi trường sống với nhu cầu “phát triển”. Núi Chúa, nói không quá, giống như một đất nước Việt Nam thu nhỏ.

Núi Chúa được công nhận là vườn quốc gia từ năm 2003. Vườn với diện tích gần 30.000 héc ta có một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng về chủng loại. Dân cư sống trong khu vực khá thưa thớt, chủ yếu dọc theo vùng ven biển đoạn tiếp giáp với Phan Rang - Ninh Chữ. Người dân sống bằng nghề cá, làm muối, trồng hành... Không có bóng dáng hoạt động kinh tế quy mô lớn.



Trong môi trường như vậy, người ta đã quyết định làm con đường ven biển xuyên một góc vườn quốc gia. Con đường dài hơn chục cây số uốn lượn dọc theo sườn núi sát biển. Hàng ngày xe cơ giới thay nhau san bằng những khoảng rừng. Con đường đất đỏ bề ngang độ 10 mét trong giai đoạn đầu thực hiện đã rõ nét như một con rắn khổng lồ nham nhở trượt dài trên những mảng xanh của khu vực bảo tồn, như một thách thức.

Một anh bạn nhiều năm làm nghề bảo vệ rừng cho biết, môi trường ở phần nền đường bị hủy diệt là điều tất yếu rồi, nhưng theo các dữ liệu khoa học thì với công trình như vậy trong phạm vi hai ki lô mét tính từ mỗi bên mép đường xem như hệ sinh thái cũng bị tàn phá. Thử làm bài toán, nếu con đường chỉ dài 10 cây số thôi thì sẽ có tối thiểu 40-50 ki lô mét vuông rừng bảo tồn bị hủy diệt.

Hồi đầu năm tôi đã có dịp đi dọc theo con đường đang mở này suốt từ vịnh Vĩnh Hy đến khu vực Bình Tiên phía Bắc Núi Chúa. Mới vài tuần trước trở lại đây, ở vị trí cách Vĩnh Hy khoảng vài cây số lại thấy xuất hiện một con đường mới lớn hơn đang được mở. Cứ làm như là con đường độc đạo chưa thỏa mãn “nhu cầu phá rừng” nên phải “đẻ” ra thêm nhánh nữa vậy! Tôi cũng ráng lấy đó làm điều khôi hài để không thấy quá thất vọng.

Rồi sự khôi hài này nối tiếp sự khôi hài khác. Hai bên con đường chưa thành hình rõ rệt có nhiều cây mới trồng được rào lại cẩn thận. Chẳng lẽ nhà đầu tư thấy cắn rứt lương tâm nên trả lại cho rừng một chút xanh? Nhưng anh nhân viên kiểm lâm đi cùng giải thích, đó là công trình của vài người dân địa phương. Họ thấy có mở đường nên trồng vội để sau này đòi tiền đền bù.

Không biết người ta đang dùng lý lẽ gì để biện hộ cho sự tồn tại của con đường.

“Phát triển!” - Chắc là vậy rồi. Người ta sẽ nói con đường này góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch... Nhưng cải thiện theo kiểu gì? Vườn quốc gia không thể nào là nơi cần hạ tầng để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp lớn được. Có thể nhờ con đường, dân địa phương đi lại tiện lợi hơn chăng? Nhưng cái giá phải trả cho chút ít tiện lợi đó có quá đắt?

Cái lý luận khả dĩ nghe “lọt lỗ tai” là con đường sẽ đem nhiều khách du lịch đến hơn. Chợt nhớ có vài bài báo ca ngợi vườn quốc gia Núi Chúa là điểm du lịch sinh thái đẹp có tiềm năng. Bên cạnh đó các tác giả cũng không quên “PR”: mai mốt con đường này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến khám phá. Nhưng nếu con đường hoàn thành thì cái sản phẩm độc đáo vốn có của Núi Chúa là môi trường tự nhiên đã trở nên què quặt rồi thì khám phá gì nữa?

Và khi đã quyết định phá vài chục cây số vuông rừng để làm con đường thì ai đảm bảo hàng chục cây số vuông khác sẽ không biến mất, thế vào đó là nhà hàng, khách sạn cũng với lý do thuyết phục là “phục vụ du khách”.

Chuyện xây dựng con đường ở Núi Chúa cũng giống như rất nhiều công trình hiện nay ở Việt Nam. Chúng đang gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi sẽ tiếp tục và kéo dài vì đó không phải là sự hơn thua bằng những cứ liệu logic mà là sự đối đầu giữa những quan điểm phát triển và đằng sau là những lợi ích khác nhau.

Và trong lúc các bên tranh cãi thì nhiều con đường như thế vẫn tiếp tục ra đời.

Thiên nhiên hoang dã trong rừng Núi Chúa.


Minh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét