7 thg 6, 2013

Đường 6 - Một dòng sông cạn

Chẳng rõ xưa kia con đường nào đã khởi đầu cho sự can trường và sự háo hức kiếm tìm của người Việt cổ để ruổi rong xa mã. 


Nói đến Tây Bắc, hẳn phải là đò dọc ngược sông Đà, trao gửi sinh mệnh cho ông lái đò vượt thác, lách đá ngầm mới thú. Hay chí ít là ngồi trên boong tàu mà thưởng lãm cảnh hoàng hôn núi rừng như láng mật ong vàng trên những mái nhà lợp đá đen dọc bờ Nậm Ban hoang dại.

Nhưng, Tây Bắc còn có một cuộc đời khác. Ấy là con đường 6 đầy ký ức và thảng thốt những giấc mơ trưa mỗi độ Thu về heo may đèo vắng. Trong tĩnh lặng chợt nhớ thuở người Pháp mở con đường uốn như chiếc thắt lưng xanh cô gái Thái đen vắt qua đèo dốc, men xuống suối sâu rồi bắt vào tỉnh lỵ Hòa Bình.

Có cái gì đó như một sự thức tỉnh, xứ sở hoa ban thâm trầm, u huyền, quanh năm bình lặng chợt lóe lên bằng một tia chớp bất ngờ ấy. Những võng núi nối tiếp nhau, xanh thẫm một màu đại ngàn. Có lẽ đã từng có khách tha phương nào đó giật mình tỉnh giấc trên nệm da hỏi bác tài:
  • Ơ , sao quen quá, hình như là chúng ta vừa mới qua đây.
Lầm thế cũng phải, mê man thế cũng phải, bởi theo đường 6 là lạc trong mê hồn của núi.

Có lẽ, trong một ngày đẹp trời của thế kỷ trước, tiếng mìn phá đá của những kỹ sư phương Tây xa lạ đã làm rung chuyển cả những vách núi thâm u ngàn đời. Tiếng nổ khiến những bụi dứa dại giật mình, những vỏ ốc xót lại từ một bữa ăn nguyên thủy cũng rớt xuống bằng tiếng lốc cốc của ký ức về bữa cơm gia đình đã nguội tắt từ thủa nào trong vòm hang lạnh.

Núi đồi đã rùng mình như thế để sinh hạ một cái tên đường 6. Ngày đó, thế giới công nghiệp còn như một câu chuyện hoang đường nằm ở phía bên kia vạn trùng võng núi. Tiếng mõ trâu chiều bảng lảng theo sương đếm nhịp thời gian, làm mờ đi những giới hạn, cột mốc của bao đời người.


Con đường quanh co chừng hơn 500 cây số, chỉ bắc qua ba miền đất nhưng từ khi nó sinh ra đã làm đổi thay miền Tây Bắc. Nó đã tham dự, chứng kiến biết bao cảnh đời khác nhau tạo nên một tính cách đa văn hóa.

Người đất Thuận vẫn thích gọi quê hương mình bằng cái tên ấy hơn là chữ Thuận Châu được định danh trong văn tự. Qua bao đổi thay, núi vẫn nguyên sơ từng phiến như tấm bia khổng lồ khắc ghi từng nét mưa, nắng. Hình như ở đây mỗi ngọn núi có một khuôn mặt, một tâm sự dù tất cả đều nén lòng mình tôn lên đỉnh Khâu Tú hùng vĩ và ngạo nghễ.

Bởi thế, đêm ở đây như cuộc phục sinh của muôn vàn câu chuyện kỳ bí. Đêm, ta mới cảm nhận được hết dư vị của đất xưa Mường Muổi. Trời trong và lặng như tờ, khí trời thanh sạch, trăng rừng vằng vặc trên đỉnh núi cao, nương vắng như đồng lõa với dạo chơi phàm trần nào đó của thần tiên. Trong đêm Mường Muổi, con đường 6 như một phần của huyền thoại đọng lại trong ánh mắt người già.

Đường 6 mới đó mà xưa, như dòng sông cạn đẩy đưa năm tháng, đón đợi và tiễn đưa bao mảnh đời. Vết bánh xe tăng quân thù còn hằn một nếp, vết móng ngựa, vết chân chai sạn của người du kích xưa nín thinh để dội tiếng súng kíp chát chúa tiêu diệt địch.


Tôi còn nhớ, ngày đó con đường nhỏ và cũ, đầy những vết rạn như lớp da cá sấu. Lòng đường nhỏ, chỉ một chiếc xe tải đi qua cũng đủ làm tất cả phải chú ý nhường đường. Mỗi chiếc xe từ biên giới về, mỗi đoàn xe vận tải từ xuôi lên hình như đều được khắc ghi trong trí nhớ của trẻ em ngày ấy.

Những người lính từ chiến trường trở về, ngồi nghỉ bên mương nước xanh trong, rửa mặt, ngắm bầu trời xanh và đồng lúa đất Thuận chợt thấy bình yên đến lạ. Cánh cò trắng nổi bật trên xa mờ núi biếc, từng đàn trâu lầm lũi kiếm ăn theo dọc con đường như thể muốn ngược đỉnh Pha Đin lên ăn lúa Mường Thanh trĩu hạt, người mỏi tay không kịp gặt.

Đường 6 nơi đây còn vòng qua những lũy tre xanh nơi cụ già người Thái ngồi trên sàn nhà vọng xuống nhớ ngày theo bộ đội Tây Tiến chặn xe tăng địch. Mỗi ngả đường mòn rẽ ra với con đường quốc lộ ấy là một bản nhỏ, một xóm núi nguyên sơ mắt những cô bé địu em trên lưng nhìn chiếc xe đường dài lướt qua như một bí mật con đường mang lại.

Từ cái điểm đèo cuối cùng của đất Thuận, quay đầu nhìn lại, con đường chảy về xuôi xa ngái, chợt thấy như đang cách gốc gác đường xuôi biết bao thế kỷ. Bởi thế, có người già nhớ thủa ngồi trong một bên quang gánh được mẹ cha gánh theo lên xứ này vỡ đất, giờ tóc bạc da mồi lại ra lề đường ngóng về đồng bằng mà xúc động.

Xưa, người dân từng ùa ra hai bên đường đón các anh lính giải phóng Điện Biên Phủ trở về. Nay, người vác cuốc, dắt trâu lại dọc theo hai mép đường ấy để rồi mỗi bận lại giật mình quay lại thích thú ngắm một tiếng còi xe ô tô huyên náo.

Đường 6 đã đi qua không biết bao nhiêu chợ. Chợ nào cũng mộc mạc từng bó măng, gói nhộng tằm, con gà, quả trứng. Chợ ở đây là chỗ tâm tình, gặp gỡ hơn là kiếm lợi. Ra chợ mua bán để lòng thêm vui chứ mấy ai nghĩ đến kiếm tìm, săn đón.

Người ta đi chợ hồn nhiên như đi hội, có người chỉ cần bán đủ tiền mua cái đèn pin, chiếc áo là đã thuận lòng bán. Nhờ con đường ấy mà họ quen mặt nhau, dẫu chẳng sang giàu cũng nào bận lòng nghĩ ngợi.


Trưa, qua những khúc hai bên vách đá dựng, nắng chờn vờn trên mỏm đá, mát lạnh những khóm lau già hiu hắt. Bỗng vẳng lên một tiếng gà trưa, chợt thấy nao lòng thèm một mái hiên, bát nước chè xanh xua đi cái buồn phiêu linh bụi bặm.

Quả đúng như lời những cụ già đất Sơn La đã nói: Đường 6 như có hồn, có tính, có tình vậy, mỗi khúc gợi một tâm trạng cho lòng người dù đường có sửa, xe có sang. Qua một tỉnh, tròm trèm 300 cây số mà đằng đẵng như vừa nếm trải những khúc quanh của cả một đời người.

Đất Thuận từng là thủ phủ của xứ Thái, nơi có dòng họ Bạc quyền quý. Trong những năm còn là Khu tự trị Thái - Mèo, rồi Khu tự trị Tây Bắc, đất Thuận cũng sản sinh ra nhiều cán bộ trung kiên, nhiều nhà văn hóa tài hoa và uyên bác. Qua thị trấn Thuận Châu chừng hơn cây số, ngôi nhà của nhà thơ Vương Trung nằm im lìm, cách con đường cổ kính không xa.

Chẳng biết ngày xưa ông đã biết hoa trong men gốm từ một dịp nào theo con đường xe ngựa này về miền phù sa Bát Tràng hay chính nó đã báo mộng cho bánh xe ngựa ngàn dặm xa ngược lên đây mang bình hoa gốm đến đầu sàn đánh thức hồn văn chương trong mắt cậu bé Thái ngày ấy.

Giờ đây, về với mường trời, hồn văn chương ấy như còn thơ thẩn đâu đây trong những chiều đường 6. Hình như đường cũng lặng đi một chút, uốn cong để ngẫm ngợi, để nhường lại chút yên tĩnh cho linh hồn văn nhân được thư thái. Con đường đã có trước khi ông sinh ra, giờ vẫn còn đây, trẻ trung sau những lần mở mang, tu bổ.

Nhưng dường như đó là hai tâm hồn đồng điệu. Một an nhiên, lặng lẽ viết dưới bóng tre bản làng quê nhà, một phiêu diêu qua nhiều miền đất nối về cầu sông Nhuệ.

Nhưng vẫn có đấy sự hô ứng, vẫn có đấy hai hồn cốt văn hóa trường tồn trong ký ức mỗi người. Chẳng biết bên kia bao dãy núi, người dân yêu con sông Đà thế nào? Chỉ biết nơi đây, con đường cũng là một dòng chảy văn hóa bất tận và bất tử trong mỗi con người.


BÙI VIỆT PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét