21 thg 6, 2013

Vẻ đẹp cổ xưa ở Tiên Lục, Bắc Giang

Cách thành phố Hà Nội khoảng 80km, cụm di tích Tiên Lục là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và các lễ hội đặc sắc của tỉnh Bắc Giang. Quần thể thắng cảnh nằm giữa vùng đất trung du đầy sức sống này có vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa cổ kính, rất đáng để khách phương xa ghé thăm.

Điểm đến thứ nhất ở Tiên Lục là cây dã hương ngàn năm tuổi tỏa bóng mát trên một sườn đồi có nhiều kiến trúc cổ. Dù ruột đã bị rỗng, cây vẫn quanh năm xanh tốt.

Đình Viễn Sơn


Đặc biệt khi mùa Xuân về, hoa và lộc trổ chi chít mời gọi chim chóc từ khắp nơi bay đến trú ngụ. Mỗi lúc màn đêm buông xuống, hoa dã hương lại bắt đầu tỏa hương thơm ngát cả xóm làng.

Cây cổ thụ năm, sáu người ôm không xuể này đã được ghi trong cuốn Bách khoa toàn thư Larousse của Pháp là một trong những cây có tuổi thọ lâu đời nhất thế giới.

Nét cổ kính của chùa

Bên cạnh cây dã hương là đình Viễn Sơn được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công chia thành ba phần chính, gồm có tòa tiền đình, hậu cung và đình hậu. Đình có quy mô không lớn nhưng nghệ thuật chạm khắc ở đây rất đáng để chiêm ngưỡng.

Nội thất ngôi đình được các nghệ nhân xưa chạm khắc công phu tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ và thực sự đã thổi được hồn vào thớ gỗ. Bên cạnh đó, đình Viễn Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều đồ đạc có giá trị lịch sử và mỹ thuật như: kiệu, ngai thờ, kiếm gỗ, nồi hương, mâm đồng…

Chùa Quang Phúc

Tọa lạc trên một đỉnh đồi thông, chùa Quang Phúc và đền Thánh Cả cũng là nơi không thể bỏ qua khi đến Tiên Lục. Chùa Quang Phúc được xây dựng vào thời Lê – Mạc với quy mô khá lớn và có kết cấu kiến trúc liên hoàn.

Chùa có 35 gian được làm theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”. Toàn bộ phần tiền đường, hai dãy hành lang, gác chuông nối lại thành hình chữ Quốc, phần còn lại là tòa thiêu hương nối với thượng điện thành hình chữ Công.

Hiện nay trong chùa còn lưu giữ được 90 pho tượng cổ quý giá. Cùng tọa lạc trên đồi thông là đền Thánh Cả (đền Tiên Lục) cũng không kém phần thâm nghiêm, tĩnh mịch.

Bên trong chùa Quang Phúc

Cách đồi thông chừng hơn 100m, đình Thuận Hòa còn được gọi là đình Cây Bàng vì sát ngay đình có cây bàng cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát. Đình nằm trên một khu đất rộng và bằng phẳng.

Cũng giống như đình Viễn Sơn, toàn bộ hệ mái của ngôi đình Thuận Hòa được làm bằng gỗ lim chắc khỏe, các đề tài chạm khắc được bàn tay của các nghệ nhân thể hiện một cách hết sức tài tình khéo léo.

Cây dã hương ngàn năm tuổi

Nếu đến với Tiên Lục vào đúng dịp lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến đời sống tinh thần phong phú và đặc sắc của người dân địa phương. Lễ hội Tiên Lục được tổ chức một năm bốn lần vào tháng Giêng, tháng Năm, tháng Tám và tháng Mười Một Âm lịch ở bốn khu vực chính là đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục và nhà Thảo Xá.

Trong phần lễ có phần tế lễ, khai thanh, tranh chiêng, tranh chống, yết lễ đền… rất trang trọng. Trong phần hội có nhiều trò trơi dân gian quen thuộc như đánh đu, kéo co, chọi gà, cướp cầu.

Đặc biệt trò “cướp cầu” thể hiện tính cộng đồng đoàn kết của người dân và còn thể hiện tư duy tín ngưỡng nông nghiệp của người Tiên Lục mong mùa màng được bội thu, dân làng được no ấm, trẻ lớn ra, già trẻ lại…


TRUNG HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét