8 thg 2, 2013

Tạo hồn cho đá

Khác với những làng đá nổi tiếng khác, nét độc đáo của làng đá Ninh Vân thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình chính là ở các sản phẩm đá mỹ nghệ được chế tác hoành tráng trên các công trình lớn như: đình, chùa, lăng mộ, tượng đài, phù điêu... Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, nơi đây đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009).

Những người dân làng nghề cũng đã từng tới Thăng Long, theo vua Lý Thái Tổ sinh cơ lập nghiệp, tạo nên những bức tượng đá, thành quách và chùa chiền từ thời Lý (1010 - 1225) qua thời Trần (1225 - 1400).

Nghệ nhân bậc thầy Hoàng Sùng, người gốc Thanh Hóa được coi là ông Tổ nghề chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân. Cái tên làng đá Ninh Vân vốn là tên gọi chung của hai làng Xuân Vũ và làng Hệ. Trong đó, làng Hệ là nơi khởi đầu nghề điêu khắc đá, nơi còn lưu giữ văn bia ghi công ông Tổ nghề, ngày giỗ Tổ vào tháng 8 (âm lịch) hàng năm.

Người nghệ nhân đang thổi hồn vào phiến đá.


Nghề chạm khắc đá cần có đôi bàn tay tài hoa của người thợ.

Xẻ những khối đá khổng lồ trước khi đưa vào chế tác.

Nghệ nhân Đỗ Quang Bình thiết kế mẫu sản phẩm trước khi thực hiện.

Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng vào năm 1865, một công trình ghi đậm dấu ấn tài hoa của người thợ đá làng Ninh Vân.

500 pho tượng La Hán của chùa Bái Đính (Ninh Bình) do những người thợ làng đá Ninh Vân thực hiện. 

Hơn chục năm trở lại đây, làng đá Ninh Vân đã từng bước phát triển cũng như tìm về những giá trị truyền thống. Ông Đỗ Quang Bình, nghệ nhân làng nghề cho biết, người Ninh Vân không sử dụng kỹ thuật đánh bóng, thay màu đá sản phẩm, mà sử dụng nguyên nét xù xì, mộc mạc. Sản phẩm càng dùng càng trở nên bóng và mịn. Nguyên liệu đá sau khi đưa về được cắt xẻ thành từng hình khối, kích thước to nhỏ khác nhau theo yêu cầu của từng chủng loại sản phẩm. Người thợ xẻ đá, rồi tính toán sắp đặt từng chi tiết ráp nối công trình. Nghề chạm khắc đá đòi hỏi sự nhẫn nại, trí sáng tạo và bàn tay khéo léo. Tài hoa của nghệ nhân đá biểu hiện qua từng chi tiết thẩm mỹ. Nghệ thuật cách điệu và tả thực trên các chất liệu đá đạt tới đỉnh cao. Khi làm phù điêu, người thợ cắt đá thành những tấm phẳng, vẽ hoa văn sau đó chạm trổ họa tiết. Còn tạc tượng yêu cầu cắt gọt đá khối tùy theo kích cỡ. Người thợ bằng đục và khoan đo đạc, tính toán tỉ mỉ từng bộ phận của tượng khi khối đá thành hình mới gia công chi tiết sao cho thể hiện được nét mặt, dáng hình, tư thế, cảm xúc của tượng. Tạc tượng rất công phu, có những bức lớn tạc mất hàng tháng trời ròng rã.

Ở Ninh Vân hiện tại có tới hơn 80% gia đình với hơn 500 lao động thường xuyên lao động trong nghề làm đá cùng hàng chục nghệ nhân chuyên thiết kế, chế tác các tác phẩm mỹ nghệ. Cũng đã có hơn 20 doanh nghiệp lớn nhỏ chuyên khai thác, kinh doanh đá ra đời. Nghề đá đã đem lại 77% doanh thu của toàn xã Ninh Vân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, mang tới sức sống mới cho một xã thuần nông.


Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Phùng Nam Sương
Báo Ảnh Việt Nam - 20/01/2011

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét