8 thg 2, 2013

Hoàng thành Thăng Long - một di sản văn hóa vô giá

Di sản Văn hóa Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội rộng chừng 18.000m 2 trên tổng số hàng chục nghìn mét vuông tập trung ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu vực thành cổ Hà Nội. Đây là nơi chứa đựng một di sản văn hóa vô giá không những tiêu biểu cho những tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn mang những giá trị có ý nghĩa toàn cầu nổi bật.

Khu di sản gồm một số di tích trên mặt đất, có niên đại sớm nhất là nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ với bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng làm năm 1467. Cửa Đoan Môn là cửa Nam của Cấm thành Thăng Long, rồi đến di tích thành Hà Nội thời Nguyễn có Cửa Bắc và Kỳ đài (thường gọi là Cột Cờ). Cuối thế kỷ XIX còn để lại một số kiến trúc quân sự của quân Pháp như Chỉ huy sở pháo binh xây dựng trên một phần nền điện Kính Thiên... Rõ ràng qua sự hủy hoại của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và cả hành động phá hoại của con người, di tích trên mặt đất của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật không còn mấy. 

Nhưng may mắn là lòng đất còn bảo tồn được nhiều di tích, di vật của các thời kỳ lịch sử như nhiều nhà sử học, khảo cổ học thường nói là "có một Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất". Những di tích này dĩ nhiên không toàn vẹn bởi chúng tồn tại dưới dạng các phế tích nhưng vô cùng phong phú và mang tính xác thực rất cao. Điều đáng lưu ý là những giá trị đặc biệt của "Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất" lại tập trung cao độ trong khu di sản “Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Cổng thành Cửa Bắc, một trong những dấu tích còn nguyên vẹn của Hoàng thành Thăng Long xưa. 





Một số cổ vật quý hiếm được tìm thấy ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. 

Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long gồm một số di tích trên mặt đất, có niên đại sớm nhất là nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ với bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng làm năm 1467. 

Sơ đồ tổng hợp vị trí Khu di sản trong cấu trúc thành Thăng Long – Hà Nội. 

Giáo sư Sử học Phan Huy Lê trong Cuộc Hội thảo Khoa học quốc tế “Nhận diện giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu, so sánh (2004-2008). 

So với các di sản văn hóa thế giới, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long quy mô không lớn nhưng lại chứa đựng một di sản văn hóa vô giá đối với nhân loại. 

Công chúng trong và ngoài nước cũng rất quan tâm tới các hiện vật khai quật được tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 


Tại các cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu người nước ngoài đã có những phân tích, đánh giá cao về vai trò, vị trí của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 

Năm 1998, khảo cổ học đào thám sát chân Đoan Môn, Cửa Bắc, Hậu Lâu đã phát hiện những di tích và nhiều di vật thời Lý, Trần. Gần đây, năm 2008, đào một hố thám sát khoảng giữa Đoan Môn và nền điện Kính Thiên, lại tìm thấy dấu tích của sân rồng thời Lê lát bằng gạch vồ đặc trưng của thời này. Đặc biệt, từ tháng 12/2002 đến 2004, khảo cổ học đã khai quật khu 18 Hoàng Diệu và đã phát lộ trên diện tích 19.000 m2 một quần thể di tích, di vật trải dài suốt từ thời tiền Thăng Long(trước thế kỉ XI), qua thời Thăng Long đến thời Hà Nội. Diện tích khai quật về sau được mở rộng thêm, lên đến 33.000 m2. Các tầng văn hóa chồng xếp lên nhau với các di tích kiến trúc, hệ thống cống thoát nước, giếng nước, di tích các móng cột, các nền tường, dấu vết dòng sông cổ, hồ nước... cùng với vô số di vật. Tất cả hiện lên một bề dày lịch sử - văn hóa liên tục với các tầng văn hóa rất đa dạng của một khu cung điện qua nhiều thời kỳ lịch sử. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có ba đặc điểm nổi bật: 

Một là, khu di sản tuy có diện tích không lớn, nhưng có bề dày 13 thế kỷ liên tục của một trung tâm quyền lực, một trung tâm văn hóa (tính từ TK VII cho tới tận ngày nay); trong đó có trên 8 thế kỷ (tính từ TK XI thời nhà Lý đến cuối TK XVIII thời nhà Lê) là trung tâm chính trị hành chính của một quốc gia dân tộc phát triển sớm ở vùng Đông Nam Á cho đến ngày nay. Đây là một đặc điểm độc đáo, hiếm thấy trong lịch sử kinh thành các nước trên thế giới.

Hai là, với vai trò một trung tâm quyền lực, trung tâm kinh thành, khu di sản quy tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Cấm thành là nơi làm việc của triều đình, nơi ở của hoàng gia, và là nơi tiến hành các nghi lễ chính trị, văn hóa, tôn giáo, ngoại giao tiêu biểu của vương triều. Vì vậy, tại đây có những cung điện, lâu đài cùng với kỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc và quy hoạch xây dựng, tạo dựng cảnh quan được thực hiện bởi những khối óc và bàn tay tài năng của đất nước Việt Nam. Khảo cổ học đã tìm thấy di tích nhiều cung điện quy mô khá lớn, kiểu loại phong phú, nhiều di vật trang trí rất đẹp, nhiều đồ "ngự dụng" rất tinh tế đạt trình độ cao về kỹ thuật và nghệ thuật. Có thể nói, khu di sản chung đúc những tinh hoa văn hóa của một quốc gia dân tộc.

Ba là, khi định đô tại Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã xác định đây là nơi "ở giữa khu vực trời đất", "vị trí giữa Nam Bắc Đông Tây", "tiện hình thế nhìn sông dựa núi", "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương"… Về mặt điều kiện tự nhiên, Thăng Long là trung tâm của vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt, là đầu mối của hệ thống giao thông đường thủy trong nước và quốc tế qua trục sông Hồng. Chính do vị thế "thắng địa" này và do công lao xây đắp của các vương triều, Thăng Long đã trở thành "kinh sư muôn đời" cho đến ngày nay. Chính vị thế này đã tạo điều kiện cho Khu di sản biểu thị được sự tiếp xúc và giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài. Trong khu di tích khảo cổ học, đã tìm thấy những di vật đến từ vùng Tây Á, từ Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên...

Chính từ ba đặc điểm nổi bật trên đây mà Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không chỉ chung đúc và kết tinh những giá trị của văn hóa dân tộc mà còn mang những giá trị có ý nghĩa toàn cầu nổi bật, đáp ứng các tiêu chí (ii), (iii) và (vi) của di sản văn hóa thế giới. 

Chính vì vậy, Khu di sản này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia (28/12/2007), và cấp quốc gia đặc biệt (12/8/2009). Đặc biệt, ngày 31/7/2010 (tức ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới được tổ chức tại Brazil, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã chính được ghi tên vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.



Bài: Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) - Ảnh: Hoàng Hà - Nam Sương - Tư liệu


--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét