24 thg 2, 2013

Bước chân lên đỉnh Hòn Bà

Với khí hậu quanh năm mát mẻ, Hòn Bà (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “Đà Lạt của thành phố biển”. Chinh phục đỉnh Hòn Bà ở độ cao hơn 1500m, đường dốc quanh co, sương mù dày đặc, du khách cảm nhận được sự hùng vĩ, hiên ngang của đất trời.

Cách thành phố biển Nha Trang khoảng 60km về phía Nam, Hòn Bà có khí hậu quanh năm mát mẻ. 6h30 sáng, chúng tôi bắt đầu chinh phục đỉnh núi Hòn Bà. Đường lên đỉnh núi quanh co, thăm thẳm. Đi trong nắng lung linh và những con đường uốn lượn, chúng tôi dừng chân bên suối Đá Giăng, nơi còn rất hoang sơ với những khóm đá lô nhô, những hồ chứa nước và những con suối nhỏ. 



Hòn Bà giống như một nàng tiên ngủ trong rừng quanh năm mây phủ.

Suối Đá Giăng nằm ngay bên đường lên đỉnh Hòn Bà.

Vẻ đẹp của rừng cây cổ thụ.

Những bụi lau hai bên đường tạo cho du khách cảm giác về với thiên nhiên hoang sơ.

Hệ sinh thái nơi đây vô cùng phong phú với nhiều loài động, thực vật đặc chủng.

Những khóm rong mọc ngay bên đường.

Từ đỉnh Hòn Bà có thể nhìn thấy vịnh Nha Trang xinh đẹp. 


«...
         Từ Nha Trang, du khách có thể đến Hòn Bà bằng ô tô hoặc xe máy, đi về hướng nam trên quốc lộ 1A, đến suối Dầu cách Nha Trang 20km thì rẽ vào cầu suối Dầu bên phải và tiếp tục đi theo con đường nhựa để lên Hòn Bà.
         Du khách có thể thuê xe tại các khách sạn đang lưu trú ở Nha Trang, nhớ mang theo áo mưa và áo lạnh vì vào buổi chiều trên đỉnh núi hay mưa và nhiệt độ khá lạnh. Nhà hàng ở Hòn Bà mới chỉ bán thức uống và các món ăn đơn giản như mì, phở, món xào…, du khách nên tự mang thức ăn theo nhu cầu.
        Hòn Bà có một đặc biệt là đường từ suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà dài 36 km trong đó có đến 19 km mà 2 bên là rừng và suối.
Lên tới độ cao 300m, chúng tôi dừng chân tại Khu Du lịch Suối Nguồn, ngồi thưởng thức gà rừng nướng đượm hương thơm, nghe suối reo róc rách, lấy sức leo tiếp lên độ cao 500m. Ở độ cao này, hai bên đường là những rừng chuối tiêu phủ kín, những cây sầu riêng ẩn trong vòm lá. Phóng mắt về phía xa là cả thành phố Nha Trang xinh đẹp. Càng lên cao càng thú vị, một cảm giác lạnh ngắt rồi lại mát đến bất ngờ, hóa ra chúng tôi vừa đi xuyên qua một đám mây nhẹ.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hòn Bà đặt tại đây, thống kê có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ. 43 loài quí hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam như: Thông hai lá dẹp, Pơ mu, Hồng quang...; một số loài gắn với địa danh Nha Trang, Hòn Bà như: Dẻ gai Nha Trang, Thị Nha Trang, Đỗ quyên Nha Trang, Sồi Hòn Bà... Hiện nay, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hòn Bà đang xây dựng vườn ươm, có hệ thống tưới phun, góp phần nhân giống và bảo tồn các loài cây quí hiếm, tuyển chọn cho vườn sưu tập thực vật quy mô khoảng 70 ha.

Dừng chân nghỉ ở độ cao 800-900m, đứng trên lưng chừng núi, chúng tôi thấy cả một vùng đất Cam Lâm ngút ngàn xanh. Vạt rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây cao xòa kín phía trên. Những đám sương mù vướng vào thân cây lơ lửng trên sườn núi. 1500m là độ cao lý tưởng mà khi đặt chân tới đỉnh Hòn Bà, chúng tôi thấy như khoẻ lên và thanh tĩnh đến nhẹ nhàng.

Hòn Bà mang dấu ấn của lịch sử, nơi 90 năm về trước, bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) đã dừng ngựa dưới chân ngọn núi và mở ra con đường lên đỉnh Hòn Bà. Trên đỉnh núi hiện còn ngôi nhà cổ của bác sĩ Alexandre Yersin, nơi ông đã dành trọn tuổi trẻ của mình để làm việc, khám phá ra Đà Lạt, lập trạm quan trắc, nghiên cứu khoa học cũng như nhiều loại thuốc quí. Ngôi nhà gỗ 2 tầng có diện tích 11,4m x 8,7m của bác sĩ Alexandre Yersin đã được phục chế năm 2004 cùng những dấu tích như: chuồng nuôi ngựa, cây trà cổ thụ… Vào thăm ngôi nhà gỗ mà bác sĩ Alexandre Yersin từng sống và làm việc, chúng tôi cảm nhận được công lao của người mở đường khai phá Hòn Bà. Nhiều hiện vật thiêng liêng vẫn còn giá trị như khu gác lửng với ghế đá, bàn đá để khách dừng chân, chiếc bàn, chiếc giường nhỏ, thư viện nơi bác sĩ làm việc… Chúng tôi thích nhất là được tham quan vườn thuốc quí còn lưu giữ hai cây trà cả trăm năm tuổi. Trên đỉnh Hòn Bà hiện vẫn còn những giàn bầu, giàn bí xanh tươi, như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt ở nơi có độ cao lý tưởng.

Đỉnh Hòn Bà có độ cao 1500m so với mực nước biển, cũng là nơi dừng chân nghiên cứu y học của bác sĩ Alexandre Yersin.

Ngôi nhà của bác sĩ Alexandre Yersin đến nay đã được dựng lại khá công phu. 

Phòng ngủ đơn sơ, giản dị của bác sĩ Alexandre Yersin.

Một chiếc khay ươm cây của bác sĩ Alexandre Yersin còn được gìn giữ đến hôm nay.

Trên đỉnh Hòn Bà, góc nhìn từ ngôi nhà của bác sĩ Alexandre Yersin. 

Bác sĩ Alexandre Yersin còn có công điều tra, phát hiện nhiều loài thực vật quí hiếm tại Hòn Bà như Trương hùng, chè Hòn Bà... Ai đến Hòn Bà cũng bồi hồi với những kỉ niệm về người bác sĩ này. Theo những người dân nơi đây kể lại, bác sĩ Alexandre Yersin là người gắn bó với mảnh đất suối Dầu Hòn Bà này đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Chúng tôi rời Hòn Bà khi mây còn vấn vương trên áo, con đường xuống cũng thú vị đến từng bước chân, cái lạnh thay dần bằng những cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống rồi lại hửng nắng. Về rồi mà vẫn nhớ mãi Hòn Bà trong lòng vậy.


Bài: Bích Vân - Ảnh: Tất Sơn

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét