19 thg 2, 2013

Nhà cổ Bình Thủy

Cùng với chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng… mảnh đất Tây Đô còn có một nơi nổi tiếng khác đó là nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Cần Thơ. Đây là ngôi nhà cổ kiểu Pháp hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn ở Nam Bộ, đặc sắc về kiến trúc, sự tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc của người xưa và nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, ngôi nhà còn được thế giới biết đến vì từng được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim như: Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Người đẹp Tây Đô, Xương rồng Cần Thơ. Đặc biệt là phim L’amant (Người tình) của đạo diễn Pháp J. Annaud đã được trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới.

Đây là ngôi nhà của gia tộc họ Dương, vốn có gốc từ Nha Mân, Đồng Tháp, phiêu dạt đến đất Bình Thủy, Cần Thơ để sinh cơ lập nghiệp. Dòng họ này được coi là có công khai hoang lập địa ở vùng này. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 (khoảng đời thứ 3 của dòng họ Dương). Việc xây cất mất khoảng 20 năm mới hoàn thành. Đến những năm đầu của thế kỉ XX, nhà cổ họ Dương được trùng tu lại và tồn tại cho đến ngày nay và trở thành nhà thờ của dòng họ Dương. Ngôi nhà hiện do ông Dương Minh Hiển, hậu duệ của dòng họ Dương làm chủ nhân.

Cổng nhà cổ Bình Thủy có lối kiến trúc khá lạ khi nằm độc lập, không gắn với tường bao.


Nhà cổ Bình Thủy của gia đình họ Dương được xây dựng vào năm 1870.

Cửa vòm và họa tiết trang trí nổi hình hoa lá theo lối kiến trúc Pháp.

Lầu tứ giác nằm giữa vườn là nơi uống trà thư giãn của gia đình họ Dương.

Những chân đế cột nhà làm bằng đá từ thế kỉ thứ 18. 

Ngôi nhà nổi bật trong ánh sáng mặt trời với lối kiến trúc kiểu Pháp tinh tế gồm 5 gian. Nền nhà cao trên 1 mét so với mặt sân được bó vỉa bằng đá xanh. Bên ngoài căn nhà là bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã cùng với trần cao, trang trí hoa văn hài hoà, mở nhiều cửa lớn nhỏ như tôn thêm vẻ quý phái cho ngôi nhà. Điểm xuyết thêm vào vẻ đẹp đó là các phù điêu đắp nổi được trang trí bên ngoài mặt tiền. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp sang trọng của một ngôi nhà lúc giao thời giữa hai thế kỉ. 

Tòa nhà có bốn lối dẫn lên nhà chính. Hai lối từ bên hông nhà lên thẳng hai gian ngoài cùng; hai lối còn lại kiểu Gotique với bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng dẫn vào gian giữa. Mặt trước ngôi nhà có năm gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art Nouveau (một loại hình nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỉ XX với vòm cửa hình vòng cung), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho. Gạch lát nền nhà hình hoa hồng đỏ đen được chủ nhân kì công đặt và vận chuyển từ Pháp về.

Bộ bàn ghế uống trà cẩn xà cừ được đặt trang trọng ở phòng khách.

Một bộ bàn ghế hình tròn có kiểu cách khá lạ mắt.

Ngôi nhà sở hữu nhiều món đồ cổ có giá trị được gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Bộ bàn ghế cổ có xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc.

Bộ salon kiểu Pháp đời Louis XV

Hệ thống rèm gỗ trước gian thờ được chạm khắc rất tinh xảo.

Bồn rửa tay được đem từ Pháp về từ năm 1870. 

Vẻ ngoài hiện rõ sự tinh tế và tài hoa trong phong cách kiến trúc Pháp nhưng bên trong ngôi nhà hoàn toàn được bài trí đặc trưng của một gia đình Việt. Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng, do đó khi nhìn lên trần có cảm giác thoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Toàn bộ hệ thống kèo, bao lan cùng 16 cây cột lớn cao 4 đến 6 mét được nối kết không phải bằng đinh mà bằng mộng ngoàm. Luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có trước có sau được gia chủ đặc biệt chú ý. 

Tiền sảnh, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên ông bà. Sau đó là giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỉ... Tất cả đều do bàn tay của các nghệ nhân khắp cả nước tạo ra với kích thước lớn bằng gỗ quý được phủ sơn son thếp vàng hoặc cẩn xà cừ, chạm khắc rất tinh tế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc: Tam Ða - Tứ Quý, Mai - Lan - Cúc - Trúc, Phúc - Lộc - Thọ, Long - Lân - Quy - Phượng. Khuôn viên căn nhà là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên.

Tổng diện tích vườn chiếm khoảng 6.000 m². Trong sân có đủ hòn non bộ, vườn hoa, cây kiểng, khu nuôi thú... Đây là ngôi nhà có phong thủy rất hợp theo hướng Đông – Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.

Vào thập niên 70 của thế kỉ trước, chỉ cần bỏ hai, ba cây vàng đã mua được căn nhà lầu giữa phố chợ, có người đến trả chủ nhân ngôi nhà đôi bình thượng ngọc men xanh cao 1,2 mét giá tới 25 cây vàng, hay "vua muối" đất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch từng đề nghị gia chủ nhượng lại đôi ngà voi mua trên Sài Gòn những năm 40 với giá bao nhiêu cũng được nhưng gia chủ nhất định không chịu.

Bức chân dung ông Dương Chấn Kỷ, người chủ đầu tiên của nhà cổ Bình Thủy

Bức ảnh chụp một cảnh trong bộ phim “Người tình” do đạo diễn JJ. Annaud quay tại ngôi nhà vào năm 1910. . 

Một chiếc độc bình cổ bài trí trong nhà

Nét chạm khắc tinh xảo trên mỗi bức trướng trước bàn thờ. 

Ông Dương Minh Hiển, hậu duệ của gia tộc họ Dương giới thiệu hình ảnh luu niệm của gia đình. 

Ngoài giá trị kiến trúc, ngôi nhà có nhiều cổ vật rất có giá trị như: hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc; bộ salon kiểu Pháp đời Louis XV; chùm đèn bạch đăng thế kỉ XVIII; cặp đèn treo thế kỉ XIX... Tương truyền, nơi đây từng có một cặp ngà voi dài nhất Việt Nam, hiện nay được trưng bày ở bảo tàng Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Gia tộc này cũng còn lưu giữ rất nhiều bình, chén, đĩa... cổ nhất phải kể đến cái chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế gần 533 tuổi…

Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia vào ngày 27/03/2009.


Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét