Chùa Thầy - tên chữ là Thiên
Phúc tự - nằm ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội
(trước tháng 8/2008 thuộc tỉnh Hà Tây), cách trung tâm thủ đô khoảng
25km về phía tây nam. Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông, lưu
dấu ấn của một vị cao tăng thời Lý - thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116).
Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì thiền sư Từ Đạo Hạnh - tục danh là
Từ Lộ - là con quan đô sát Từ Vinh, mẹ là bà Tăng Thị Loan, quê ở làng
An Lãng, huyện Vĩnh Thuận (nay là làng Láng, thuộc huyện từ Liêm), Hà
Nội.
Từ thuở nhỏ, Từ Lộ đã có
những hành động khác thường. Lớn lên ngài thi khoa Bạch Liên đỗ đầu
những không ra làm quan. Vì mối thù cha nên quyết tâm xuất gia học đạo,
rồi cùng với các ngài Giác Hải, Khổng Lộ sang Tây thiên (Ấn Độ) tu
luyện. Thiền sư trở về giảng đạo, dạy học, làm thuốc giúp dân… Do đó, dù
coi Từ Đạo Hạnh là vị thánh nhưng dân chúng địa phương gọi chùa Thiên
Phúc là chùa Thầy, cách xưng hô tôn kính mà gần gũi, thân mật (nhiều
người miền Bắc gọi cha đẻ là thầy).
Kiến trúc chùa Thầy gồm ba
điện thờ biệt lập, là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ
và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng
nhất. Chùa Hạ là nhà tiền tế, thờ tượng Đức Ông và các thánh. Chùa Trung
thiết bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng hộ pháp, thiên vương. Chùa
Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng
Bảo điện, thờ Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh,
tượng song thân Từ Đạo Hạnh. Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía
sau có lầu chuông, lầu trống. Ảnh: tượng Trừng Ác.
Ban đầu, đây chỉ là một thảo
am nhỏ mang tên Hương Hải do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu lập, sau
mới dần đươc xây dựng thành quy mô lớn. Ảnh: tượng Khuyến Thiện.
Phía trước chùa là hồ Long
Chiểu (Long Trì - ao Rồng). Giữa hồ có thủy đình, là nơi diễn trò múa
rối nước trong các dịp lễ hội. Từ Đạo Hạnh được ghi nhận là ông tổ của
hình thức múa rối độc đáo này.
Từ sân trước chùa có hai
chiếc cầu lợp mái theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là
cầu) được gọi tên là Nhật Tiên kiều (bên trái) thông ra đền Tam phủ trên
một hòn đảo nhỏ giữa ao Rồng và Nguyệt Tiên kiều (bên phải) bắc qua ao,
sang con đường lên núi Sài Sơn. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào
năm 1602.
Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào mồng 7 tháng Ba âm lịch, tương truyền là đức thánh viên tịch.
Tương truyền, ngày xưa pho
tượng thiền sư bằng gỗ đặt trong khảm. Mỗi lần mở khảm, pho tượng từ từ
đứng dậy; đóng cửa, tượng lại ngồi xuống. Đông các đại học sĩ Cao Xuân
Dục, lúc làm tri phủ Quốc Oai (Sơn Tây) bàn với các bô lão: “Thánh thì
không phải chào người phàm, để ngài phải đứng dậy mỗi lần mở cửa thì
chúng ta thất lễ”. Từ đó, mới cắt dây máy, đặt tượng ngồi cố định tư thế
ngồi. Ảnh: Lễ Phật trong chánh điện chùa Hạ.
Từ chân núi du khách men
theo 251 bậc thang đá uốn quanh qua hai lần cổng rồi mới lên tới đỉnh
núi. Ở lưng chừng núi ta gặp chùa Thượng và hang Thánh Hóa là nơi thiền
sư Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác) để đầu thai, trở thành vua Lý Nhân
Tông. Lên đỉnh núi, theo con đường mòn đi vòng về phía sau sẽ đến động
Thần Quang - dân gian thường gọi là hang Cắc Cớ (do nữ sĩ Hồ Xuân Hương
đặt tên). Hang rất sâu và tối om, bậc đá trơn trượt, hơi ẩm nên vào hang
phải níu nhau mà đi. Theo lời kể của người dân địa phương, hang Cắc Cớ
chính là nơi hẹn hò, nên duyên của nhiều đôi lứa.
Không chỉ là một di tích quý
giá của Phật giáo, chù Thầy còn là thắng cảnh tự nhiên xinh đẹp. Trong
một bài ký, chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy "như viên ngọc nổi
lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt
như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao Rồng thông sang bến siêu
độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải
lụa". Tuy nhiên, du khách ở xa nên đến viếng chùa Thầy vào những ngày
thường và nên đi cùng người quen ở Hà Nội hoặc theo dịch vụ lữ hành;
không nên đến đây vào những dịp hội hè đông đúc, dễ gặp điều phiền phức.
Phạm thị Thảo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn online - 28/11/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét