19 thg 2, 2013

Bí ẩn căn hầm trú bom trong khách sạn Metropole Hà Nội

Tò mò, háo hức, hồi hộp và xúc động... Đó là những cảm giác trái chiều của nhiều người khi đến xem căn hầm tránh bom nằm ngay trong lòng khách sạn Metropole Hà Nội.

Sở dĩ nhiều người có tâm trạng kì lạ ấy, bởi sau gần bốn mươi năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc tại Việt Nam (1975), người ta mới phát hiện ra ngay giữa khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, một khách sạn hạng sang bậc nhất của Hà Nội một căn hầm trú bom đầy bí ẩn. Và vào ngày 21/5/2012 KS Metropole Hà Nội đã chính thức mở cửa cho công chúng vào xem.

Căn hầm rộng 40 mét vuông vẫn được bảo tồn nguyên trạng với tường vôi xám màu thời gian, với bóng đèn, cánh cửa sắt... Căn hầm này đã được khách sạn xây dựng để bảo đảm an toàn cho các vị khách quan trọng trong thời kì không quân Mĩ ném bom Hà Nội từ giữa những năm 1960 đến mùa đông năm 1972.


Nữ nhà báo người Philippines, Gemma Cruz Araneta, người đã từng có lần lánh nạn dưới căn hầm này đã mô tả lại hình ảnh của nó hồi tháng 5 năm 1968 như sau: "Nơi trú ẩn của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng tượng có thể dựng thành một vũ trường hợp thời. Căn phòng được xếp những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây và mặc dù không có điện, tôi vẫn nhìn thấy một chiếc quạt máy. Thật tình, người Việt Nam là những vị chủ nhà ân cần và chu đáo". Bà cho biết thêm, bà cùng với chồng đã từng ở khách sạn này vào năm 1964. Ngày ấy bà đã viết cuốn nhật kí về Hà Nội (Hanoi Daiary) ngay tại căn hầm trú ẩn này. Bà xúc động tâm sự: "Tôi không thể nào ngờ những dòng chữ của cuốn nhật kí 44 năm về trước đến hôm nay lại là một phần dấu ấn của lịch sử khách sạn Metropole nói riêng và Hà Nội nói chung”.

Khách sạn Metropole Hà Nội, nơi vừa phát hiện ra một căn hầm trú bom có từ thời chiến tranh chống Mĩ.

Du khách nước ngoài ở tại khách sạn Metropole Hà Nội háo hức xếp hàng chờ dịp được vào tham quan hầm trú ẩn nằm ngay phía sau bể bơi của khách sạn. 

Cuốn nhật kí́ “Hanoi Diary” của nữ nhà báo người Philippines Gemma Cruz Araneta có đoạn miêu tả về căn hầm này. 

Từ trái sang: Bà Đường Tiểu Phương thợ làm tóc cho khách VIP, ông Nguyễn Văn Bái bếp trưởng và ông Phạm Bôn phụ trách bộ phận tiếp tân của KS Metropole Hà Nội thời kì 1968 trở lại thăm căn hầm sau hơn 30 năm. 

Cùng với nữ nhà báo Gemma Cruz Araneta, trong ngày lễ khai trương trở lại căn hầm, KS Metropole Hà Nội còn đón nhiều vị khách đặc biệt khác. Ví dụ như ông Bob Devereaux, một nhà ngoại giao Úc, người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm vào tháng 8 năm 1975 và nhà sử học Andreas Augustin, tác giả cuốn sách lịch sử của khách sạn Metropole huyền thoại. 

Nhà sử học Andreas Augustin tâm sự: “Việt Nam nổi tiếng với các công trình dưới lòng đất như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc... Và nay, căn hầm trú bom dưới lòng đất của khách sạn Metropole Hà Nội sẽ góp phần mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam”.

Mặc dù từ lâu người ta đã biết ở phía cuối khu vực hồ bơi của KS Metropole Hà Nội có một căn hầm tránh bom, nhưng chỉ đến khi những người thợ tiến hành đào bới đề xây dựng nền móng cho một quầy bar mới của khách sạn thì người ta mới phát hiện ra vị trí chính xác của căn hầm này.

Ông Speth, Tổng Giám đốc KS Metropole Hà Nội, người đầu tiên tiếp cận với căn hầm vào hồi cuối mùa hè năm ngoái cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không biết sẽ tìm thấy gì cho đến khi khoan lỗ khoan đầu tiên qua mái hầm. Những gì họ đã tìm thấy là nước, rất nhiều nước. Trong nhiều năm qua, mạch nước ngầm tràn vào các phòng và hành lang của căn hầm trú ẩn. Sau khi đội kĩ thuật của khách sạn tiến hành bơm hết nước ra, họ tìm thấy một vài vết tích: một chai rượu cũ đã cạn, một bóng đèn vẫn còn nguyên vẹn, lỗ thông hơi, cánh cửa kim loại và dòng chữ khắc trên tường của Bob Devereaux."

Một chiếc van thông hơi của căn hầm và tấm bảng giới thiệu về hệ thống thông hơi của căn hầm này.

Bộ cầu dao điện của hầm trú ẩn hiện vẫn còn khá nguyên vẹn.

Một cánh cửa sắt dưới hầm trú ẩn.

Ông Bob Devereaux (người cầm đèn) thăm lại căn hầm, nơi ông đã viết tên mình lên tường căn hầm vào tháng 8/1975, tức 4 tháng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Ông Bob Devereaux đã tìm ra chiếc đinh do chính tay mình đóng lên tường căn hầm vào năm nào.

Hệ thống thông hơi đảm bảo không khí cho 40 khách trú ẩn dưới hầm.

Chấn song sắt vẫn được lưu giữ.

Bậc lên xuống của hầm trú ẩn.

Bóng đèn cũ của hầm trú nay vẫn còn nguyên vẹn. 

Ông Bob Devereaux cho biết, tình cờ vào mùa thu năm ngoái, khi đọc một bài báo tại Úc viết về việc tìm thấy căn hầm này, ông đã không do dự liên lạc với khách sạn Metropole Hà Nội và cho hay ông chính là người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm. Bob Devereaux kể rằng: "Hồi đó, kkhi bước xuống căn hầm, tôi đã bất ngờ nhận ra căn hầm bị ngập nước, vì khi đó không có chút ánh điện nào. Và tôi đã viết tên mình lên bức tường khi đang cố gắng mò mẫm một chai rượu Úc. Tôi rời Hà Nội năm 1976, và theo như tôi nhớ thì lúc đố căn hầm vẫn chưa bị lấp hay đóng cửa”.

Ông Cao Xuân Nhã, chuyên viên Ban đối ngoại Trung ương thì cho biết, 44 năm trước, ông đã từng dẫn nhiều đoàn khách đến trú ẩn tại căn hầm này. Hôm nay bước chân trở lại căn hầm này mà lòng thấy bồi hồi như được sống thời khắc năm xưa.

Và cũng chính tại căn hầm này, vào năm 1972, nữ ca sĩ dân ca nổi tiếng người Mĩ Jaon Baez đã ghi âm bài hát “Con trai ơi, giờ này con ở đâu”. Và hôm nay, bài hát ấy lại một lần nữa được cất lên tại KS Metropole Hà Nội với những cảm xúc thật khác lạ. 

Giới báo chí được mời xuống tham quan hầm trú bom của KS Metropole Hà Nội trong ngày khai trương. 

Du khách nước ngoài xuống tham quan căn hầm

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có mặt trong ngày hôm ấy. 

Ông Phạm Bôn, nhân viên cũ của khách sạn Metropole Hà Nội chính là người đầu tiên đào căn hầm này

Hai vị khách nước ngoài đầu tiên xuống tham quan hầm trú ẩn.

Nữ nhà báo người Philippines Gemma Cruz Araneta xuống thăm lại căn hầm sau 44 năm xa cách

Ông Bob Devereaux, nhà ngoại giao Úc xuống tham quan lại nơi mình đã viết tên lên tường căn hầm. 


Bài: Bích Vân - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét