19 thg 6, 2017

Lễ cưới của người Chăm Bà la môn

Có phần đơn giản hơn so với đám cưới ngượi Chăm Bani, nhưng cũng bao gồm nhiều bước với những lễ nghi phong phú. Người Chăm Bà la môn không rước rể về nhà gái trước một ngày như ỏ Chăm Bani, họ tiến hành việc này vào sáng ngày tổ chức lễ thành hôn, tức là ngày thứ tư trong tuần.

Đoàn đưa rể đi đến cách nhà gái chừng 100 - 200 mét thì dừng lại nghỉ. Lúc đó nhà gái cử một phái đoàn do một người đàn ông cao tuổi có uy tín về mọi mặt trong tộc họ cô dâu dẫn đầu mang chiếu, trầu cau, nước non ra tiếp đón họ hàng nhà trai. Họ trải chiếu ra mời ông mai và chú rể ngồi, còn mọi người trong đoàn ngồi hay đứng là tùy ý. Họ cùng nhau trò chuyện, uống nước khoảng dăm mười phút như có ý chờ cho đúng giờ lành. Một số người trong phái đoàn ra đón khách của nhà gái quay trở vào nhà để thông báo cho phía nhà gái biết là đoàn nhà trai đã đến để chuẩn bị đón tiếp chính thức.

Đúng giờ lành, đoàn đưa rể từ từ tiến vào khuôn viên gia đình nhà gái. ở cổng nhà gái lúc đó để một chậu nước lớn, có người cầm gáo múc nước dội cho từng người trong họ nhà trai rửa chân và mời họ đi theo hàng chiếu trải từ chỗ rửa chân vào trước cửa nhà, ở đấy đã trải chiếu sẵn và có ông mai cùng họ hàng nhà gái tiếp đón. Thường thường hàng chiếu giữa dành cho hai ông mai, chú rể cùng những người cao tuổi, hàng chiếu bên phải dành cho họ nhà trai, bên trái cho họ nhà gái.

Chén Kiểu - ngôi chùa đoàn kết của người Khmer

Nhiều người đến lễ chùa Sà Lôn nhìn thấy cách thiết kế ngôi chùa bằng chén, bát, đĩa rất ấn tượng, lạ mắt nên gọi với một tên khác là chùa Chén Kiểu. Những chén, bát, đĩa trang trí quanh chùa là do người dân trong vùng quyên góp để xây dựng nên chùa Chén Kiểu là biểu tượng của tình đoàn kết của người Khmer ở Sóc Trăng. 

Chùa Chén Kiểu tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách Tp Sóc Trăng khoảng 12km. Chùa vừa là một công trình Phật giáo tâm linh của đồng bào Khmer, vừa là điểm tham quan, khám phá thú vị dành cho du khách thập phương.

Theo ông Trịnh Tiền, thành viên Ban Quản trị chùa Chén Kiểu, ngôi chùa được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Theo thời gian, ngôi chính điện của chùa bị hư hại nên phải xây dựng lại. Đến năm 1969, sư cả Tăng Túc (Trụ trì đời thứ 9) phát động xậy dựng lại ngôi chùa với nhiều hạng mục: Chính điện, tăng sá, sala, tháp, các bức vách, hàng cột được xây dựng bằng gạch men cổ của Nhật Bản sản xuất với màu sắc rất nổi bật.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thì hết loại gạch này, nên vị sư cả đã nảy ra sáng kiến vận động bà con Khmer sinh sống ở các phum, sóc gần chùa đóng góp các loại chén, đĩa, bình sành sứ… còn nguyên vẹn hay đã bị bể để tiếp tục xây chùa. Thế là rất đông bà con trong vùng tự nguyện góp các loại chén, đĩa của họ để các người thợ cũng như các vị tăng sư trong chùa tiếp tục công việc của mình. 

Chùa Sà Lôn thường được nhiều người biết với tên gọi chùa Chén Kiểu, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12km.

Người Mông ở Đồng Văn se lanh dệt vải

Từ bao đời nay, công việc dệt vải từ lanh đã trở thành biểu tượng cho sự cần cù, dẻo dai, khéo léo của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những bộ váy áo sắc màu vui tươi, rực rỡ như tô điểm thêm cho sức sống của người Mông trên chập chùng núi đá tai mèo. 

Người Mông ở Đồng Văn dệt trang phục truyền thống từ sợi cây lanh. Không chỉ là để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, phụ nữ Mông nơi đây còn coi đó là công việc truyền thống, là tinh hoa văn hóa tạo nên sự khác biệt trong cách ăn mặc với các dân tộc khác trong vùng.

Ở Đồng Văn, hầu hết phụ nữ biết se lanh, dệt vải và tự may trang phục cho cả gia đình. Ngay cả những bé gái cũng bắt đầu học từ bà, từ mẹ chuyện may vá từ rát sớm.

Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, tước vỏ rồi cho vào cối để giã cho mềm. Sau đó người ta bắt đầu thực hiện công đoạn mất nhiều thời gian nhất là nối sợi. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở nơi đây là những người phụ nữ Mông luôn tay tranh thủ nối sợi trước cửa nhà, trên đường lên rẫy, đi chợ.... Ở công đoạn tưởng chừng đơn giản này lại đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo, kỹ thuật chính xác nâng đến tầm nghệ thuật.

17 thg 6, 2017

Chợ An Bình - Cần Thơ

Đi Chợ nổi Cái Răng thì tới chân cầu Cái Răng bạn rẽ phải qua tỉnh lộ 923 để tới bến tàu. Ngay đó, ở chỗ đậu xe và mua vé tàu đi chợ nổi, bạn sẽ thấy một ngôi chợ nho nhỏ: chợ An Bình. Anh Lâm văn Sơn, thổ địa và là chuyên gia du lịch ở Cần Thơ, dặn tui: nhớ dành chút thời giờ ghé thăm chợ An Bình, chợ nhỏ nhỏ mà dễ thương lắm.


Thú thiệt là tui hổng quen đi chợ, nhưng nghe lời ảnh tui cũng rảo rảo và chụp vài tấm hình đăng lên đây để mọi người ngắm coi... nó có dễ thương hông.

Cận cảnh nhà cổ bằng gỗ quý tròn 123 tuổi

Ngày 24.2, ngôi nhà cổ Đốc phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên tròn 123 năm tuổi ở Tây Ninh đã chính thức được UBND tỉnh Tây Ninh ký quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.


Ngôi nhà cổ 2 tầng bằng gỗ quý tại số 39, Phan Chu Trinh, KP.2, P.1 (TP.Tây Ninh) được xây dựng từ năm 1894. 

Theo tài liệu lưu giữ qua nhiều thế hệ, người khởi công xây dựng ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Kiên (còn gọi Nguyễn Tâm Kiên, 1854-1914), người miền Trung vào Nam bộ, từng giữ chức Đốc Phủ sứ - một chức quan lớn thời Pháp thuộc. 

Lễ hội Phủ Dầy

Người Việt có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”, ý muốn nói đến tục giỗ Mẹ vào tháng Ba Âm lịch để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ở Việt Nam, tục thờ Mẫu có ở nhiều nơi, nhưng Phủ Dầy (Nam Định) được xem là cái nôi của loại hình tín ngưỡng độc đáo thuần Việt này. Lễ hội Phủ Dày được tổ chức từ 3 – 8/3 Âm lịch hàng năm là dịp để du khách có dịp tìm hiểu, tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. 

Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) là một quần thể kiến trúc nổi tiếng liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đây, mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến tục thờ Mẫu diễn ra sôi động quanh năm, mà cao điểm và ấn tượng nhất là dịp Lễ hội Phủ Dầy. 

Phủ chính Tiên Hương rực sáng với màn pháo bông trong đêm rước lửa. Nơi đây là trung tâm các hoạt động của Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Công Khánh