12 thg 7, 2017

Chuối đậu om

Được xem là một trong những món ăn mang đậm phong vị thôn quê đồng bằng Bắc Bộ, chuối đậu om gắn liền với những nguyên liệu “cây nhà lá vườn” gần gũi và là nỗi nhớ của mỗi người con xa quê. Đây cũng được coi là phiên bản chay của ốc om chuối đậu, món ăn truyền thống của cư dân châu thổ sông Hồng. 

Bên cạnh những thành phần chính như chuối xanh, nấm, đậu phụ, tía tô thì cơm mẻ - một gia vị truyền thống trong ẩm thực Việt Nam – được xem là thành tố không thể thiếu, tạo “hồn” cho món ăn thôn dã này với vị chua dịu cùng mùi thơm đặc trưng của gạo lên men.

Sau khi gọt đi lớp mỏng bên ngoài để giữ lại lớp vỏ trong màu xanh, chuối đựợc ngâm trong nước chanh pha loãng cho đến khi tiết ra hết lớp nhựa bao quanh.

Chuối tiếp đó được cắt chéo với độ dày mỗi đoạn khoảng 1cm rồi luộc trong nước sôi cho đến khi gần chín mềm. Cắt nhỏ nấm và rán sơ đậu phụ trước khi tiến hành công đoạn om.

Nguyên liệu gồm có đậu rán, chuối xanh, nấm, tía tô…

Tôm xóc muối Tây Ninh

Mặn mà, cay cay, giòn tan hòa quyện cùng hương biển khơi nồng nàn đánh thức vị giác là những gì thực khách cảm nhận đươc mỗi khi thưởng thức món Tôm xóc muối Tây Ninh.

Mặc dù muối đặc sản từ vùng đất Tây Ninh được sử dụng làm gia vị chủ đạo, món ăn này lại do các đầu bếp Sài Gòn sáng tạo. Sự đơn giản trong cách chế biến và bài trí đã làm món ăn mang đậm hương vị Phương Nam này nhanh chóng phổ biến từ các quán ăn bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như các vùng lân cận.

Theo Nguyễn Thành Lợi, bếp trưởng nhà hàng Song Ngư tại Quận 1, ngoài tôm sú là nguyên liệu chính, món ăn này còn bao gồm một số thành phần và gia vị như muối Tây Ninh, tôm khô, ớt khô, bột chiên xù, bột mì, trứng gà, đường, bột ngọt và dầu ăn.

Tôm nguyên con thật tươi là sự lựa chọn hàng đầu.

Hương vị miền Trung trong “dắt xúc bánh đa”

Thịt dắt xào xúc bánh tráng là món đặc sản của nhiều vùng quê miền Trung. Đây là món ăn dân dã, rẻ tiền được nhiều người ưa thích bởi giàu đạm nhưng không quá cầu kỳ trong cách chế biến. 

Thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, dắt sống chủ yếu ở vùng nước lợ tại khu vực cửa sông ven biển, đầm phá và thường bị nhầm với hến và ngao. Nếu nhìn bề ngoài, dắt nhỏ hơn hến và có màu đen sậm vì chúng thường nấp dưới cát để trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn.

Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng nên muốn bắt, người dân ven cửa sông, biển phải dậy từ rất sớm. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới được chế tạo chuyên biệt để có thể cào dưới nước.

Những hôm nắng to, dắt thường ngoi lên bờ thì chỉ cần lội chưa qua đầu gối là có thể cào được dắt. Ngược lại, những hôm mưa gió thì việc bắt dắt sẽ khó khăn hơn nhiều vì phần lớn dắt lặn dưới đáy sâu.

Nguyên liệu gồm thịt dắt, hành khô, hành phi, ớt tươi… 

Những kiêng kỵ trong tập quán dựng nhà của người Giáy

Đồng bào Giáy thường dựng làng ở nơi có nguồn nước, gần ruộng, ven núi tương đối bằng. Mỗi khi có người nơi khác đến ở, bà con làng sở tại thường rủ nhau đi đón, chuyển hộ nhà cửa, đồ dùng và giúp đỡ mọi thứ cho người mới đến mau chóng ổn định nơi ở, việc làm.

Nhóm Giáy vùng Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn. Nhóm Giáy vùng Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Nhưng qua tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay đồng bào ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình quây ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.

Nghề ươm tơ, dệt lụa trên cao nguyên

Cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt - Lâm Đồng và có tên trong cuốn cẩm nang du lịch quốc tế Guide Book. Mỗi năm, Cơ sở thu hút khoảng 30.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế đến để tìm hiểu, nghiên cứu về nghề ươm tơ dệt lụa có truyền thống lâu đời của người Việt đang được lưu giữ và phát triển trên vùng đất cao nguyên. 

Anh Phạm Văn Cường sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội, bên ven sông Hồng luôn bồi đắp phù sa cho bãi dâu xanh tốt, phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa. Vào vùng kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) khi mới 15 tuổi, anh đã mong muốn phát triển nghề nghề này tại vùng Cao nguyên. Thời điểm này, nghề dâu tằm tơ đang phát triển trên đất Lâm Đồng, anh Cường đã chạy xe đi khắp các hộ gia đình làm nghề ở Đức Trọng, Lâm Hà để thu mua kén, tơ sống, bán cho các nhà máy ươm tơ ở Bảo Lộc, Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh.

Anh Cường chia sẻ, ngoài việc học hỏi thêm về kỹ thuật ươm tơ, anh về tận quê hương làng lụa Hà Đông (còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội) để học kỹ về nghề dệt lụa.

Thị trấn tuyết trong lòng Sài Gòn

Toạ lạc tại Quận 2 Thành Phố Hồ Chí Minh, Snow Town (thị trấn tuyết) có khu trượt tuyết lớn nhất Đông Nam Á. Snow Town thu hút hàng nghìn lượt khách đến vui chơi mỗi ngày vào mùa Hè với nhiều hoạt động vui chơi mới lạ, cực kỳ vui nhộn với tuyết.
Snow Town được tạo hình với những mái nhà, bức tường thiết kế theo kiến trúc phương Tây sang trọng và hiện đại. Trên bầu trời là những hạt tuyết trắng rơi rơi nhẹ nhàng, phía dưới chân là từng mảng tuyết dầy trải dài trên từng con đường, góc phố.

Mang giầy và áo khoác để giữ ấm cơ thể, du khách đứng giữa Snow Town đưa tay hứng những hạt tuyết rơi, có cảm giác như đang ở châu Âu, với mùa Đông lành lạnh trong khung cảnh thật thi vị. Nhiều bạn trẻ vừa đi dạo vừa ngắm tuyết rơi, vừa cùng nhau nặn người tuyết và tạo dáng chụp hình để lưu giữ lại những kỉ niệm đẹp khi đến với “thị trấn tuyết”. 

Du khách làm thủ tục đổi giày chuyên dụng trước khi bước vào Snow Town. Ảnh: Thông Hải

Kon Tum: Khôi phục lễ hội Cha Kchah của người Giẻ Triêng

Người Giẻ Triêng, xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một lễ hội rất độc đáo đó là lễ hội Cha Kchah (hay còn gọi là Lễ hội ăn than). 

Lễ hội Cha Kchah tổ chức với mục đích tổng kết mùa màng, sau một năm thu hoạch để cộng đồng ăn mừng, tạ ơn thần linh phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, mùa màng bội thu... đồng thời là dịp cộng đồng làng chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới. 

Dân làng cùng nhau múa xoang và chung vui tiệc rượu. 

Kiến trúc nhà mồ Bá hộ Xường

Ông Lý Tường Quan là một trong bốn hào phú giàu có nức tiếng đã đi vào thành ngữ vùng Nam kỳ “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Vì thế mà khu nhà mồ của vợ chồng ông Lý Tường Quan (hay còn gọi là Bá hộ Xường) ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh cũng thể hiện sự bề thế, mang giá trị kiến trúc - văn hóa Á Đông độc đáo. 

Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842 - 1896), một người giàu nức tiếng ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ thứ 19. Ngược dòng lịch sử, vào nửa cuối thế kỷ 19, ông Lý Tường Quan làm thầu xây dựng các công trình nhà phố, cầu cống, chợ và kinh doanh thịt cá xuất khẩu. Ông nhanh chóng trở thành một hào phú với số tài sản kếch xù.

Theo ông Lý Thanh Liêm, cháu trưởng 5 đời của ông Lý Tường Quan, sinh thời, người giàu thứ ba Nam kỳ lúc bấy giờ đã chọn trước khu đất ở quê ngoại để làm nhà mồ. Công trình được con cháu cùng nhau xây dựng khi ông mất đi vào năm 1896.

Phần trước và mái của khu nhà mồ được trang trí công phu.

6 thg 7, 2017

Đồng Xâm - Làng nghề của những đôi bàn tay vàng

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là một trong những làng nghề kim hoàn lâu đời của Đồng bằng Bắc Bộ. Với bí quyết được gìn giữ trong suốt bốn thế kỷ qua, danh tiếng của những sản phẩm tuyệt mỹ, tinh xảo mà nghệ nhân làng Đồng Xâm làm đã vượt ra khỏi biên giới, tới nhiều quốc gia trên thế giới. 

Tinh hoa làng nghề
Mới đến đầu làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm, những tiếng lách cách đục đẽo râm ran vui tai đã thu hút du khách. Tương truyền, ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Đồng Giang đã có tuổi đời trên 600 năm. Nhưng phải tới thế kỷ XVII, làng mới có nghề làm đồ kim hoàn. Công ơn của vị tổ nghề Nguyễn Kim Lâu, người có công truyền về và lập những phường nghề đầu tiên ở đây vẫn được dân làng tưởng nhớ và tôn thờ tại đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái).

Hàng chạm bạc Ðồng Xâm có sự chau chuốt, thể hiện sự chuyên nghiệp rõ từ hình khối cân đối, dáng vẻ thanh thoát, điệu nghệ trong từng sản phẩm. Để có được những sản phẩm tinh xảo, vừa lấp lánh ánh kim, vừa mềm mại, tinh tế trong từng đường nét, hoa văn đòi hỏi phải đạt tới trình độ điêu luyện. Chính những đôi bàn tay vàng tỉ mỉ đã thổi hồn vào sản phẩm, khiến chúng trở nên có hồn. Thương hiệu của làng nghề cũng nhờ vậy mà có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng Đồng Xâm. 

Thập bát la hán chùa Long Quang

Nằm bên kênh Rạch Cam (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ), chùa Long Quang nổi tiếng gần xa với bộ tượng thập bát la hán 100 tuổi bằng gỗ căm xe, điêu khắc rất tinh xảo. 

Chùa Long Quang được xây dựng khoảng năm 1824, thời vua Minh Mạng. Ban đầu, chùa chỉ là một cái am nhỏ, trải qua nhiều đời trụ trì, chùa được xây dựng và tu bổ khang trang như hiện nay. Chùa hiện được nhà nước công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Chùa Long Quang được xây dựng khoảng năm 1824 vào thời vua Minh Mạng tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.