Tôi luôn bị ám ảnh bởi chiếc gùi trên vai của người phụ nữ vùng cao. Nhiều khi tôi sững người, tự hỏi họ gùi chi mà trầm mặc đến vậy...
Người phụ nữ M’nông ở hồ Lăk, Dăk Lăk, đi hái ngó sen dưới hồ lên.
Chiếc gùi là hình ảnh có thể thấy hàng ngày ngay trên đường phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Pleiku, An Khê, Buôn Hồ, Bảo Lộc, Đà Lạt. Động cơ xe cộ xuôi ngược chảy theo dòng dưới lòng đường, thì họ xuôi ngược theo dòng của họ trên vỉa hè. Đi "phố" mà vẫn cứ an nhiên với chiếc gùi. Chẳng hiểu có sẵn một ý thức về luật giao thông từ trong máu hay một khả năng nhận thức trời cho về trật tự đi đứng mà bao giờ họ cũng đi thẳng hàng. Không bao giờ thấy họ giăng hàng ngang, đi năm ba hàng, hay đổ xuống lòng đường. Trên chiếc gùi đó, chuyến ra là đầy cả một gùi bắp, phong lan, hay quả bí, nhánh chuối, mớ sắp ong, hay đôi trái bầu hồ lô; còn chuyến về là một gùi quần áo, bột giặt, thực phẩm công nghiệp… Cũng không bao giờ thấy họ vừa đi vừa đùa giỡn. Họ không bao giờ vứt rác ra đường. Không bao giờ họ muốn gây chú ý. Cũng hiếm thấy nụ cười. Họ lặng thinh mà đi, bước thật êm, khoảng cách thật đều. Họ đi theo dòng tự nhiên của sinh hoạt và sinh tồn, đời sống bình dị lặng trôi. Họ đàng hoàng và tử tế đến mức làm chúng ta hổ thẹn về ý thức nơi công cộng, văn hoá ở đô thị. Ăn mặc của họ không bóng láng, môi má họ không son phấn, nhưng sự nhỏ nhẹ của họ khi bán hàng và mua hàng thì muốn học theo cũng khó. Sự ngắn gọn và giản dị trong thông tin họ đưa ra cho phía tiếp nhận khá nhanh, nên thường không cần trao đi đổi lại nhiều, và cũng không phải đối phó trong chuyện bán mua.