8 thg 4, 2013

Tây Tiến năm xưa đã trải hoa

Với tôi, cái tên Hoà Bình, nghe thật chẳng có gì gợi cảm cả. Vì Hoà Bình, vốn trừu tượng và hay bị người ta lôi ra để rao giảng, để trả lời như một bài ca cũ. Nhưng lần này ra Hà Nội, bạn bảo tôi nhất định phải lên Hoà Bình. 

Bếp Mường, liệu sau này lớp trẻ có còn nhóm lửa? 

Và bạn nói thế, vì Hoà Bình có hoa và có con đường hành quân của đội quân không mọc tóc đóng quân nơi Tây Tiến đã từ thơ của thi sĩ Quang Dũng đi vào lòng người cách đây từ nửa thế kỷ. Nhưng tôi lên Hoà Bình với một tâm thế khác, đi theo một người đàn ông kỳ lạ. Người vẽ những bức tranh nhục cảm bên cạnh tượng Phật. Người yêu vô cùng đàn bà nhưng bị dị ứng bởi một người đàn bà. Người tận tâm với tất cả nhưng lại tự hành xác. Người mê viết sách kể những chuyện cổ xưa. Người say trăng mà không thích uống rượu. Người đẫm tình nhưng lại cố vẻ yêu. Bỗng dưng xứ sở này có một người đàn ông như thế hiện diện. Vì vậy kéo theo biết bao nhiêu điều.
Hiếu, một hoạ sĩ trẻ thế hệ 7X đã từng làm đủ nghề để có tiền thoả mãn những đam mê của mình. Cuối cùng anh chọn vùng trung du Hoà Bình, một nơi vừa thoát khỏi Hà Nội, và tìm thấy hai quả đồi ở dốc Cun nằm dọc trên đường Tây Tiến. Và đôi khi, để được mê đắm với không gian nghệ thuật mà anh cùng bạn bè nghệ sĩ kiến tạo ra những tác phẩm trong những phút say cái đẹp.

Khi chiếc xe bốn bánh lăn trên đường tiến vào chốn cư lưu của Hiếu, bảo tàng Không gian văn hoá Mường, tôi thốt lên khi thấy núi. Núi thẫm màu giữa chiều đông xứ Bắc, sương mù phủ mờ, tôi dụi mắt. Núi trước mặt, đâu có đi đâu xa. Núi làm tôi nhớ mình đã từng viết một câu chuyện tình đầy ẩn ức có tên Vào núi tìm hoa.

Người đàn ông kỳ lạ dẫn tôi lên con dốc nhỏ theo con đường mòn rải đá. Hai bên là hoa sài đất thắm vàng lẫn trong cỏ xanh còn ươn ướt mưa phùn ban trưa. Cái lạnh làm hai cánh tay trần nổi da gà. Hiếu nói: "Chị quàng khăn kín cổ thế là được. Lạnh này cũng chưa thấm thía vào đâu. Chị đi theo thầy vào nhà nghỉ ngơi rồi tối về nhà em ăn cơm, nhà em ở ngọn đồi đối diện nhà thầy". Người đàn ông nói tối nay không ăn cơm nhà Hiếu, để anh dắt đi ăn cơm cùng mấy cô gái xứ Mường cho vui.

Chúng tôi đi hái lá chè xanh, lá bưởi về nấu nước tắm. Tôi cảm động khi nhìn thấy anh tuốt lá. Rất chậm rãi anh nói, ở đây ai cũng đi hái lá về nấu nước tắm thế này nên da dẻ gái Mường mịn màng, nõn nà không son phấn. Tôi sờ lên mặt mình, chết, cả ngày nay đi đường bôi đủ thứ kem dưỡng da, chống nắng, phấn nền, phấn phủ chưa rửa mặt. "Không sao, tắm rửa bằng nước này sẽ thấy sạch sẽ thơm tho". 

Nếp nhà sàn của người Mường 

Trong rừng trúc. Hiếu đã cho trồng rừng trúc này từ năm 2008. Đó là những cây trúc quý hiếm trên dọc đường ôm lấy con sông Đà ngày xưa ở Hoà Bình. Sau người ta làm đập thuỷ điện chặt đi hết không chút xót thương. Hiếu cố gắng tìm mua về giống này và trồng khoảng hơn 1,5ha. Ngồi trong rừng trúc hồi lâu, tôi thấy nóng nên mở khăn choàng, cởi áo khoác. Tôi thoải mái hơn và bắt đầu muốn nhảy múa, muốn tan ra trong không khí tinh khiết này. Tôi nhớ đến từ "pure spirit", sự thuần khiết của tinh thần. Tôi không còn nghĩ gì nữa, tôi đang ở trong rừng trúc và thở những hơi thở thơm tho nhất mà thiên nhiên ban tặng. Tôi là mây bay là đà trên những ngọn trúc xanh mởn. Tôi uống giọt sương không kịp tan trước khi soi mình vào trong ấy. Tôi bàng hoàng xúc động khi nhận ra lý do sự hiện hữu của đời mình, chính là những giây phút tôi nhận ra tôi đang sống thật, không quay cuồng, màu mè, sở hữu. Tôi nghe anh nói "đừng nghĩ gì cả".

Tối rồi, phải quay về, đi ngang một hồ nước có màu xanh chàm ngắt. Tiếng suối róc rách chảy lẩn khuất. Hai thầy trò vẫn thường tắm ở hồ nước này. Khởi động rất lâu rồi mới nhảy xuống. Nước suối trong vắt, có thể uống ngon lành.

Nồi nước lá đã sôi. Pha được hai thùng, tôi giội từ gáo nước, từ từ, chầm chậm để tận hưởng mùi thơm và sự ấm áp. Tôi để nước trôi trên da thịt, ngấm từng chút vào cơ thể lạnh lẽo pha sương của mình. Tôi nghĩ làm sao mình có thể dứt tình với cuộc sống này khi mà từng tế bào da thịt của tôi cảm nhận sự sống tinh khôi giữa núi rừng vừa đẹp đẽ lại thẳm sâu như thế.

Chúng tôi đi lên một con dốc cao hơn để đến với một nhà sàn khác, nơi có bếp lửa của người Mường đang sôi sục chào đón khách đến. Cô gái Mường tóc búi đang lúi húi cời lửa. Nồi cơm đã chín, cô mời khách ngồi xuống, tay nâng ly rượu ngang trán mời. Ở đây uống ba ly ban đầu để chào nhau, uống đến ba mươi ly mới nhận bạn. Nói vậy thôi, bữa cơm đạm bạc của những chàng trai, cô gái vừa tốt nghiệp mới đi làm ở nơi đây chỉ có giá khoảng 10.000đồng/bữa. Cơm gạo rẫy với nước mắm, đậu rang và rau xào chút thịt. Nhưng điều làm tôi cảm động đến vô cùng, chính là bát cơm ngọt ngào được nấu từ nồi gang với bếp củi. Mỗi gắp cơm đều đưa tôi về khung cảnh của những cánh đồng lúa chín vàng ngát hương thơm. Hồi nhỏ đã từng ăn gạo mới, nhưng trẻ nhỏ ăn cơm vì bị mẹ bắt ăn cho mau lớn nên chẳng cảm gì. Mãi đến giờ mới được ăn bát cơm thơm mùa lúa, tự dưng lòng chùng xuống. Tôi có lỗi gì không khi những người làm ra hạt gạo này, cố mãi mà vẫn nghèo?

Lạnh, đêm mù sương càng lạnh. May mà tôi được cứu vớt linh hồn bằng những hạt cơm ấm. Tôi khó ngủ, có thể do buổi chiều uống trà cùng Hiếu. Cũng có thể đến giờ tôi không thể không nghĩ những gì vừa trải qua ngày hôm nay cứ như tôi đến một thế giới khác, có thật chứ không mộng mị gì cả. Tôi tạm ẩn náu nơi này, để dừng chân và chờ đợi một cuộc ra đi khác. 

Mùa xuân Tây Tiến trên những cánh hoa đào 

Bài: Thu ThảoẢnh: H Hiếu





Bản tính Mường 


Nói một cách chính xác thì người Mường chưa bao giờ gọi tên dân tộc mình là gì. Chữ Mường (Muang) có nguồn gốc từ tiếng Thái và Mường cổ có nghĩa là một vùng đất (tương đối rộng). Khi xác lập tỉnh Hoà Bình hiện nay, theo nghị định của Kinh lược sứ Bắc kỳ, gọi đây là tỉnh Mường (1886), còn khái niệm Hoà Bình là từ nền văn hoá thời đại đồ đá giữa mà nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani (1866 – 1943) gọi là nền văn hoá Hoà Bình với địa bàn rộng Đông Nam Á và cả Nam Trung Hoa. 

Người Mường được coi là cùng nguồn gốc với người Việt (Kinh) nói chung, hay đó là người Việt cổ, dấu tích còn lại trong ngôn ngữ Việt – Mường khá rõ ràng, mà các tiếng Nghệ An, Hà Tĩnh là các vùng đệm trung gian, rất gần với tiếng Mường cổ. Người Mường không bao giờ ăn no vác nặng, cố gắng để học giỏi hay nhiều tiền, họ nhận thức thực tế về tầm vóc và khả năng của mình, không đặt ra những việc quá sức. Dân số không tăng nhiều so với quá khứ, các công nghệ và tôn giáo mới không được du nhập vào bản. Làng bản Mường vẫn giữ tập tục làm đổi công, nhất là trong hoàn cảnh cần nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng như hiện nay. Nghĩa là trong làng nhà nào có việc dựng nhà, cưới xin, bệnh tật, làm nương, cày cấy… thì cả làng, hoặc một nhóm tới làm giúp, công xá đó được ghi lại và dịp khác người nợ công lại đến nhà khác làm giúp trả nợ. Tất cả những tập tục của người Mường bằng cách nào đó luôn được giữ lại bởi tất cả các thành viên. 

Nếu ai đó thuê các thanh niên Mường làm nhà, thì tất cả nhóm thanh niên đó đều làm vì kèo theo một cách giống nhau, các ứng xử xã hội khác cũng vậy, người ta không bàn và không bắt các sắc tộc khác làm giống mình, nhưng bản thân mình thì không thay đổi. Do đó vào bản Mường bạn không phải lo làm sao cho đúng phong tục tập quán, mà bạn cứ sống theo tập quán của mình, không cần bắt chước hay làm vừa lòng người trong làng bản. Tất cả những điều này khiến người Mường sống thanh bình hàng ngàn năm qua bên người Việt và người Thái, dường như không có một xung đột nào. Đó là bản tính an lành, nhường nhịn, sống hài hoà với núi rừng cây cỏ với một mức độ tiêu thụ thấp nhất. 


Phan Cẩm Thượng
SGTT online - 17/03/2013

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét