Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng

24 thg 1, 2015

Tìm về bản Thái

Lâu nay, người ta hay nhắc đến khái niệm địa văn hóa. Nói cách khác, chính những vùng đất với khí hậu, độ cao, nguồn nước, sản vật... đã làm nên sự hấp dẫn của nết đất, tình người. Với mùa Đông, mùa rét mướt thử thách lòng người nhất trong một năm, là khi chúng ta cảm nhận rõ nhất tình người nồng ấm.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, ai đã đi theo con đường 6 cổ từ chợ Bờ, suối Rút men sông Đà lên với Tây Bắc, sẽ nhớ nhất những ngôi nhà sàn gỗ quý của đồng bào Thái. Trong ấy chứa đựng những ấm áp của bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái giữa nơi núi thẳm, mây ngàn.

Về lại xứ sở hoa ban, hoa đào vào những mùa rét buốt nhưng vẫn thấy mây trắng như bông, như sương hay như huyền thoại của những chiến binh trong Chương Han (sử thi dân tộc Thái) cứ lơ lửng ngang tầm mắt.

Mây chắn lối đi, mây bưng kín thung sâu, mây vương vấn nhà sàn, mây lẩn vào túi áo, mây che khuôn mặt cô gái Thái ngượng ngùng e ấp. Nhưng phải có duyên mới gặp những ngày các thiếu nữ ấy xuống những dòng suối mát gội đầu hay giặt những bộ váy áo tinh khôi như hoa rừng để đón mùa Xuân mới.


1 thg 1, 2015

Đá ong và người Xứ Đoài

Xứ Đoài, mảnh đất cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa và nay là thủ đô Hà Nội, mang trong mình hồn cốt văn hóa lâu đời. Bây giờ dù Xứ Đoài (Hà Tây) đã được sáp nhập vào Hà Nội, nhưng những nét văn hóa đặc trưng của nơi này vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Nói đến chất liệu trong kiến trúc Xứ Đoài, người ta sẽ nhớ ngay tới đá ong. Đó là loại vật liệu xây dựng ngấm sâu vào các công trình kiến trúc có từ hàng nghìn năm và nó còn đi vào nghệ thuật, văn thơ, hội họa cùng tâm hồn bao con người nơi đây.

Những bức tượng đá ong tại xưởng chế tác của ông Dũng

Xã Bình Yên, Thạch Thất được nói tới như một ngôi làng mà đá ong đang hiện hữu trong cuộc mưu sinh và sáng tạo nghệ thuật hằng ngày của người dân. Chúng tôi đi dọc con đường tỉnh lộ liên xã chạy qua Bình Yên dài hơn 5km và đã đếm được sơ sơ trên 100 xưởng nghề với những lao động làm công việc liên quan đến đá ong.

Tìm về ký ức thảo nguyên

Để tận cảm được mùa Hạ thì phải lên với những thảo nguyên. Mùa của cỏ xanh hết mình, ngạo nghễ chạm trời xanh, mùa của nắng vàng hết độ để cho lúa nương của ruộng bậc thang, để cho đào, cam không rôn rốt, nhàn nhạt mà ngọt lịm, thơm lừng.


Nhưng, chuyến đi này còn phải là cuộc tìm kiếm những dấu tích của đời sống du mục còn lưu lại trên mảnh đất thảo nguyên. Xe chúng tôi như con thuyền thám hiểm vượt biển sương.

29 thg 12, 2014

Săn mật giữa rừng Pù Huống

Trong chuyến công tác về huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), tôi đã may mắn được theo chân nhóm thợ săn ong người bản địa. Rong ruổi suốt ngày khắp các ngọn núi, cánh rừng ở Pù Huống đã đem lại những trải nghiệm thú vị không thể nào quên về nghề săn "tinh hoa đại ngàn"...


Chúng tôi về xã Châu Hoàn, huyện miền núi Quỳ Châu đúng vào dịp mùa săn ong mật đang rầm rộ. Qua sự kết nối của một vài người quen, tôi đã được "bám đuôi" nhóm thợ săn ong gồm có 5 người ở bản Nật Trên. Được biết, đây là nhóm thợ săn ong đã có thâm niên hàng chục năm trong nghề.

Du lịch trải nghiệm: Mối lợi từ sự… tình cờ

Ngày càng có nhiều lữ khách khi đi du lịch, thích tìm cho mình những trải nghiệm riêng mà các hình thức tổ chức đại chúng không sẵn có. Và chính họ tự thiết kế các hành trình du lịch cho riêng mình, hoặc cho nhóm, tận dụng chính những kỹ năng sống của người bản địa để tham gia cùng họ trong công việc mưu sinh thường ngày. Từ đó nảy sinh những hình thức làm du lịch theo kiểu tự phát, không phát triển rầm rộ, không đại trà, nhưng mỗi hành trình đều mang những sắc thái riêng, hấp dẫn người trong cuộc.

Lênh đênh đầm phá

Đến Phá Tam Giang, muốn tham quan hệ thống nò sáo – cách đánh bắt truyền thống của người thủy diện (người sống trên nước), không dễ để tìm được một tuyến du lịch có tổ chức hợp lý. Thế nên, những lữ khách yêu thích khám phá thường tự tìm những ngư dân thuê đò, theo họ ra vùng đầm phá mênh mang để tiếp cận với cuộc sống trên sóng nước.

Anh Tốn, ngư dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh ngay Phá Tam Giang, một mối quen của giới du lịch trải nghiệm, mỗi khi cần hỗ trợ là anh sẵn sàng lên đường, nguyên do bởi: “Thường ngày tui cũng đi quăng chài kiếm tôm cá thôi, nhưng có mấy chú ni kêu đi chung là tui đi liền, vừa vui vì có thêm bạn mới, thu nhập cũng khá so với một ngày đi lưới dù tui chỉ xin tiền dầu, còn lại công sức thì anh em muốn gửi lại bao nhiêu tùy hỉ”.

Anh Ba – ngư dân ở bãi Khem, Phú Quốc trong chuyến săn nhum cùng những vị khách phương xa

"Thượng đế" coi thường "cơm vua"

Nhu cầu lớn từ du khách đã làm ẩm thực cung đình của xứ Huế "biến tướng" thành giá trị của nghệ thuật gọt tỉa hoa lá trang trí thức ăn, che phủ sự bình dân, hay thành sân khấu của áo mão đóng giả vua và hoàng hậu; sản phẩm "Phiên chợ quê” ở Hội An biến thành hoạt cảnh sân khấu hóa trong nhà hàng. Nhiều sản phẩm du lịch khác bị sao chép, hạ giá thành, giảm chất lượng, trở thành sự nhố nhăng làm du khách thất vọng.


"Cơm vua" cho "Thượng đế”

Khoảng năm 2007, lần đầu tiên được thưởng thức "cơm vua", tôi không khỏi choáng ngợp trước bầu không khí vương giả được tạo nên xung quanh bàn ngự thiện. Căn bếp của bà Tôn Nữ Thị Hà, một trong số rất ít nghệ nhân thành danh về ẩm thực Huế, tham gia phục dựng những món ăn cung đình, không ồn ào như cảnh nhà hàng đông khách.

27 thg 12, 2014

Săn lùng cua da

Mấy năm trước, cứ độ heo may về, ở các quãng sông Thương chạy qua địa phận các xã Tư Mại, Thắng Cương, Yên Lư, Đồng Việt, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), người dân thường rủ nhau đi bắt cua da. Thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, những ngư dân thạo nghề nhất trong vùng cũng hiếm khi kiếm nổi chục con để hấp bia đãi khách.


Đặc sản lừng danh

Cua da, thứ đặc sản có thời kỳ từng bị ngư dân Yên Dũng xem thường đến mức chỉ dùng để nấu cám cho lợn, nay đã trở thành món "thượng vàng" trong những nhà hàng sang trọng, dù có giá trị kinh tế cao nhưng ngày càng hiếm.

7 thg 12, 2014

Tép bạc miền Tây Nam Bộ

Ca dao có câu Buổi chợ đương đông con cá lòng tong còn chê lạt/ Buổi chợ tan rồi con tép bạc khen ngon; đây chỉ là cách chơi chữ theo cách hiểu ngược nghĩa của người bình dân: mượn từ bạc để liên tưởng đến sự bạc bẽo của thói đời là nghĩa hàm ẩn mà câu ca dao muốn gửi đến người nghe, chứ thực ra tép bạc hẳn ngon hơn cá lòng tong nhiều lắm!


Ở miền Tây Nam bộ, người ta bắt tép bạc bằng cách đặt nò, cất vó hay đặt đuôi chuột (dụng cụ bắt cá làm bằng lưới dày, thân kéo dài nhỏ dần về sau, nên được gọi vậy). Tép bạc con cỡ ngón tay cái, sống ở vùng nước mặn, nước lợ.

15 thg 11, 2014

Từ lạp xưởng đến tung lò mò

Dọc theo quốc lộ 1A từ Cần Thơ xuôi về Bạc Liêu, vừa qua địa danh Cái Tắc vào địa phận tỉnh Sóc Trăng, hai bên đường có rất nhiều đại lý bán lạp xưởng, đặc sản đặc biệt của người Hoa xứ này.

Lạp xưởng biến âm của lạp xường – một món ăn của người Trung Hoa từ ngàn xưa. Thật ra âm Hán Việt đọc chính xác là “lạp trường” với “lạp” nghĩa là cuối năm, “trường” nghĩa là ruột; lạp trường là ruột heo nhồi thịt heo xay trộn với rượu, đường cho lên men tự nhiên, món ăn dịp Tết Nguyên đán.

Lạp xưởng Sóc Trăng 


2 thg 9, 2014

Xứ Lak: hồ “đẹp” đến hơi thở cuối cùng

Miền thượng là tổ hợp kết dính của núi, rừng, sông, suối, thung lũng, bình nguyên, vực sâu, muôn loài, và hệ thống hồ nước. Không có hồ nước tự nhiên sinh thái rừng không được cân bằng, nhiều loài động vật cũng không thể tồn tại khi thiếu nước, khoáng chất, và không gian để quẫy đạp, sinh hoạt.

Hồ thủy điện, thủy lợi giờ “nhân bản vô tính” khắp Tây Nguyên, nên hồ Lak tự nhiên này đây chợt hóa “cổ”, dày lên ký ức nguyên sinh lẫn văn hóa tộc người, và đặc biệt là nó không “đuổi” dân đi như hồ thủy điện…

Một làn sương hư ảo nhả xuống mặt hồ. Dãy núi vòng cánh cung rộng thênh làm hậu cảnh vĩnh cửu cho con hồ ở phía xa ấy khói sương cũng giăng phủ, kéo rê đi, chỗ đậm chỗ nhạt theo sắc trắng xám của sương. Các buôn làng M’nông lâu đời tít bên bờ bên kia của hồ bị sương “ngậm” mất, chưa thể thấy le lói ra vào lúc này. Những sợi nắng đầu ngày tinh khiết như màu mật ong đục thủng những màn mây xám ban sớm để rót le lói ánh sáng xuống con hồ mênh mông.

1 thg 9, 2014

Những khúc cua Trường Sơn

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi thực hiện một chuyến đi tròm trèm ngàn cây số trên đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Và chúng tôi say mê không gian xanh trùng điệp mở ra trước tầm nhìn vốn hạn hẹp phố sá do những trì níu cơm áo và công việc quanh năm bù đầu tối mặt. 

Những cung đường vắt vẻo lưng mây

Có đến tận nơi, có thấy tận mắt những đặc thù bản địa, những thuộc tính riêng biệt của từng xứ sở mới càng thêm tự hào, càng thêm yêu Tổ quốc mình. Và như thế, đâu cần ai thêu dệt, chẳng cần phải thêm thắt, đã thấy quê hương ta, đất nước ta gấm vóc nhường nào!

5 thg 5, 2014

Cá ngát Ngã Bảy

Thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang là nơi có bảy dòng sông tụ họp và nằm cạnh quốc lộ 1A. Ngoài chợ nổi thu hút khách thập phương, nơi đây còn có giống cá ngát ngon nổi tiếng.

Cá ngát cùng họ với cá trê, cá chốt nhưng lớn hơn, màu đen và nhiều râu hơn. Cá ngát cái thường ôm bộ trứng lớn, ngon bùi ít có thứ trứng cá nào sánh kịp. Cá ngát trong hang dưới sông có kích cỡ lớn, thịt dai, ngọt và tuyệt ngon.

Người ta thường đợi những ngày con nước ròng, lội dọc mé sông, phát hiện hang cá và giăng lưới chặn bắt. Cá ngát có gai nhọn và rất độc, nếu chẳng may bị chúng đâm phải có người bị hành nóng lạnh mấy ngày chưa hết đau nhức!

Cá ngát nướng muối ớt

Canh chua Nam bộ

Trong tác phẩm Văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam cho rằng canh chua cá lóc, canh chua cá tra, cá vồ, cá bông lau… là những món ăn bình dân nhưng “tập trung bao nhiêu tinh túy của sản phẩm địa phương” và là những món ăn “thành công nhứt, phổ biến nhứt” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn nhiều “biến tấu” của canh chua như vài món được kể trong bài này, món nào cũng ngon… hết biết.

Về Sóc Trăng đến vàm Đại Ngãi qua chuyến phà sang cù lao Dung, lữ khách nghe văng vẳng đâu đó lời ca ngọt lịm:

Nhớ canh cá ngát nấu bần
Nhớ cô em gái tảo tần sớm hôm.

Trong Việt Nam tự điển của hai tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960), cây bần còn được gọi là thủy liễu “mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát”.

15 thg 4, 2014

Món ngon xứ Sóc Trăng

Món ngon miền nào cũng không thiếu, miễn là biết tìm đúng nơi đúng chỗ để ăn. Có dịp đến với Sóc Trăng, sẽ thật thiếu sót nếu như bạn chưa thưởng thức tô bún nước lèo, bún gỏi dà hay tô cháo lòng và món bò nướng ngói trứ danh.

Tô bún nước lèo đặc trưng của miền quê Sóc Trăng từng đi vào lời thơ dân gian:

Đi xa có nhớ quê nghèo
Nhớ bún nước lèo, nhớ mắm Ba Xuyên.

Từ bún nước lèo tới bún gỏi dà

Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Bún nước lèo

26 thg 3, 2014

Bình yên như... Thái Bình

Thái Bình một trong những vựa lúa lớn nhất miền Bắc, thuộc đồng bằng sông Hồng. Một vùng đất địa linh, nhân kiệt, khung cảnh yên bình và trù phú đúng như tên gọi của mình.

Thái Bình không có rừng hay núi, bốn phía là sông và biển bao quanh (một mặt là biển, ba mặt là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa). Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Hải Dương và Hải Phòng, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nam và Hưng Yên, phía Nam giáp Nam Định.

Với diện tích 1.546,5 km² bao gồm các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và thành phố Thái Bình. Là một trong những tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ đứng sau hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thiên nhiên ban tặng cho Thái Bình đất đai bằng phẳng, mầu mỡ, phì nhiêu và nguồn tài nguyên phong phú. Toàn tỉnh có bờ biển dài 53km, cảng biển Diêm Điền, 5 cửa sông lớn và trên 16 nghìn ha bãi triều với trên 200 loài thuỷ sản, gần 2.500 đầu chim quý hiếm và những khoáng sản trầm tích tiến xa ra biển.

Mốc 79: Nóc nhà biên cương

Chúng tôi chạm tay vào mốc giới 79 cao nhất trên toàn tuyến biên giới Việt Nam vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc. Gió rít cuồn cuộn chào đón những người con từ miền Nam xa xôi mơ ước được một lần đứng ở nơi đây... 


Sau một quãng đường dài, chúng tôi đến được điểm dừng chân đầu tiên là lán trại của người Mông để thu hoạch thảo quả. Do đợt rét hại và băng tuyết của tháng trước nên toàn bộ hàng chục hecta thảo quả đều úa vàng khiến rất nhiều bà con người Mông lâm vào cảnh khốn đốn.

Không còn gì để thu hoạch, căn lán bỏ trống, hoang vắng giữa rừng. Trời lúc này vẫn mù mịt, chúng tôi tính nghỉ chân nhưng Thiếu tá Hoàng Đăng Mạnh hối cả đoàn lên đường và nói: "Cẩn thận đấy, bắt đầu từ đây là rất khó đi!". Lại tiếp tục những con dốc, chúng tôi băng qua những khu rừng vô cùng ẩm ướt cùng những con dốc cao.

23 thg 3, 2014

Về Nhà vườn Long Thuận, ngắm áo dài xưa và nay

Sự kiện Lễ hội áo dài lần 1 năm 2014 với chủ đề "Áo dài và hoa" diễn ra ở Công viên Văn hóa Đầm Sen, Q.11, TP.HCM dịp 8/3 bỗng gợi bao kỷ niệm tha thiết với tà áo dài, muốn được tận hưởng vẻ đẹp và tìm hiểu lịch sử bộ áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Không có điểm đến nào lý tưởng hơn Nhà vườn Long Thuận vào những ngày cuối tuần, khi tiết trời Sài Gòn mát dịu, thích hợp cho một buổi đưa cả gia đình đi thăm một bảo tàng rất đặc biệt.


Nhà vườn Long Thuận rộng 2ha, tọa lạc tại quận 9, TP.HCM, do nhà thiết kế Sĩ Hoàng khởi xướng và điều hành, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cuối tuần cho người thành phố. Đây là khu du lịch văn hóa, có nhà hát, thư viện và bảo tàng; các hoạt động thiền, ẩm thực, thưởng thức cà phê và phong cảnh thiên nhiên.

Nói chuyện với "Vọng Âm Sơn"

Lai Châu, một tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam, với núi non trùng điệp vẫn là vùng đất biên viễn đầy bí ẩn và quyến rũ thôi thúc những bước chân khám phá. Phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, là nơi hàng vạn núi cao, vực sâu sừng sững bao đời như bức tường thành chở che cho nước Việt. Trên dãy núi này, cột mốc 79 nằm ở độ cao hơn 2.800 mét trở thành điểm cao nhất trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Những lý do này thôi thúc chúng tôi thực hiện hành trình chinh phục điểm cao nhiều ý nghĩa này dù mùa này Lai Châu đang chìm trong giá lạnh...


Người lữ khách đắm chìm trong những tầng mây ngũ sắc ở đỉnh Vân Hồ, bần thần trước những cung đường đèo nắng vàng uốn lượn, dạo chơi ở những thung lũng hoa mận trắng mênh mông và nghe tiếng mình vọng trong tiếng núi của ngàn xưa dội về.

15 thg 3, 2014

Thanh Thủy Chánh, vẻ đẹp của một làng quê xứ Huế

Nằm cách thành phố Huế khoảng tám cây số, làng Thanh Thủy Chánh gắn với hình ảnh cây cầu ngói Thanh Toàn đã được nhiều du khách biết tới qua tour đồng quê trong các kỳ festival náo nhiệt. Thế nhưng đến đây vào một ngày không lễ hội, làng vẫn cuốn hút chúng tôi bởi vẻ đẹp bình dị mà đặc trưng của thôn quê gần gũi đất kinh kỳ.

Cầu ngói Thanh Toàn, một kiến trúc đẹp giữa đồng quê

Theo con đường làng mới trải bê tông uốn lượn qua những khóm tre lâu năm, chúng tôi băng qua màu xanh mơn mởn của những cánh đồng gạo thơm, nếp thơm, đặc sản của vùng. Bao quanh làng Thanh Thủy Chánh còn có những làng trồng hoa, làng nghề đan nón lá, làng mộc…

20 thg 2, 2014

Củ nghệ, củ gừng

Có một món ăn ngày Tết - là món mít non nấu nghệ - mà hình như ở quê tôi mới có, vì thế nó theo tôi suốt đời, đến mức giờ đây tôi còn nhớ cách chế biến của mẹ.


Phi mỡ heo với hành thật thơm rồi cho nước củ nghệ tươi đậm đặc cùng mít non thái vuông khoảng 4cm mỗi cạnh, đã chiên sẵn, thêm nấm đông cô, đậu hũ, gia vị rồi đổ ngập nước dừa (có thể thay nước dừa tươi bằng nước rau củ quả), đun nhỏ lửa cho thấm đều, nêm lá lốt, ăn với cơm, hoặc ăn vã. Sự độc đáo của món ăn này là do hương vị rất lạ của nghệ thấm đẫm trong miếng mít non, dậy một màu vàng sánh, rất bắt mắt.