Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 5, 2021

"Bản nhạc rừng xanh" giữa lòng thành phố Thái Nguyên

Khác với những khu bảo tồn dân tộc thông thường, Làng nhà sàn Thái Hải (Thái Nguyên) không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá dân tộc mà còn là nơi sinh sống lao động thực tế của người đồng bào nơi đây, mang đến cảm giác mới lạ, độc đáo và yên bình cho du khách.

Nếu như xã hội hiện đại ngày nay khiến con người ta cảm thấy quá vội vã và đôi khi mệt mỏi với những guồng quay của cuộc sống thì đến với bản làng Thái Hải du khách sẽ được sống chậm lại, thư giãn và có những trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Làng nhà sàn Thái Hải tên gọi đầy đủ là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Mỹ Hào – Thịnh Đức – TP.Thái Nguyên. Với diện tích khoảng 25ha đây là nơi quy tụ và gìn giữ của hơn 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời cả trăm năm. Các ngôi nhà sàn này đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa và được phục dựng nguyên bản lại với mục đích gìn giữ và bảo tồn văn hoá dân tộc Tày. Được xây dựng từ năm 2003, đến năm 2011 làng nhà sàn Thái Hải chính thức được đưa vào khai thác phục vụ du lịch với nét độc đáo: chính dân bản vừa làm “nhân viên” vừa làm “hướng dẫn viên du lịch” cho du khách.

Theo truyền thống người Tày, trước khi du khách vào làng, dân bản sẽ phải gõ vào chiếc mõ ở đầu làng để báo hiệu cho dân làng biết có khách tới thăm.

1 thg 5, 2021

Cacti Zone - Điểm đến mới cho người Hà Nội

Tọa lạc ở chân cầu Nhật Tân (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội), vườn xương rồng Cacti Zone đang là địa chỉ mới được nhiều người Hà Nội tìm đến để tham quan và có một bộ ảnh đẹp.

Cacti Zone được tập thể 30 anh em chơi xương rồng ở Hà Nội cùng ý tưởng tạo lên khu vườn vừa với mục đích bảo tồn những loại xương rồng khó sống do thời tiết. Anh Trịnh Cương- chủ vườn xương rồng Cacti Zone cho biết, cách đây 2 năm các anh em có cùng ý tưởng xây dựng Cacti Zone bắt đầu tiến hành thuê mặt bằng, san đất và trồng cây. Không gian vườn xương rồng không có một thiết kế cụ thể, mà khi trồng đến đâu thì sẽ điều chỉnh đến đó. Tuy nhiên, vì hướng đến mục đích trở thành một địa điểm du lịch mới của Hà Nội nên khi trồng các cây đều được trồng hướng đến yếu tố ánh sáng để du khách có được những bức ảnh đẹp nhất.

Trên diện tích rộng 3000
m2, Cacti Zone có khoảng 200 loại xương rồng. Đây là những loại cây anh em trong hội đã có sẵn, được cho và đi mua ở các tỉnh. Mục đích của hội chơi cây xương rồng hướng tới là nơi ươm nhân giống, bảo tồn các loại xương rồng khó sống.

Toàn cảnh Vườn xương rồng Cacti Zone tọa lạc ở chân cầu Nhật Tân, Hà Nội. Ảnh: Công Đạt/VNP

18 thg 4, 2021

Bánh ram ít, món ăn dân dã ở Huế

Ở Huế, bánh ram ít là một trong những món ăn dân dã rất quen thuộc với người dân. Bánh có từ bao giờ thì ít ai biết, thế nhưng có người nói bánh ram ít từ lâu đã trở thành đặc sản trong cung đình xưa. Mỗi khi nhắc đến ẩm thực Huế, chắc chắn ai đã từng thưởng thức thì không thể quên được vị ngon đặc biệt lạ miệng mà bánh ram ít mang lại.

Bánh ram ít được chia làm 2 phần là phần bánh ít mềm dẻo ở phía trên và phần bánh ram thơm giòn ở bên dưới. Hai thứ hương vị tưởng chừng không thể kết hợp này khi qua bàn tay khéo léo của người làm bánh tạo nên một hương vị cuốn hút riêng. Khi ăn bánh ram ít, sẽ cảm nhận được vị giòn và dẻo của bánh ram cùng bánh ít. Chúng hòa quyện vào nhau vô cùng hoàn hảo bánh có thể béo nhưng có thể ăn hoài mà không thấy ngán, ở Huế có rất nhiều gia đình làm bánh ram ít có truyền thống lâu đời. Đến Huế có thể tìm thấy bánh ram ít ở những quán ăn vỉa hè ven đường hay trong những nhà hàng sang trọng ở Huế.

17 thg 4, 2021

Hoang sơ thác Liêng Nung

Nằm bên Quốc lộ 28, chỉ cách Tp. Gia Nghĩa khoảng 8km, thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa thung lũng núi rừng hoang sơ, trên địa bàn buôn N’riêng, xã Đăk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đăk Nông) thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Truyền thuyết kể rằng, Liêng Nung là thác nước duy nhất của dòng suối Đăk Nia, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, ăm ắp đổ trắng xóa quanh năm. Theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi.

Vào thời xa xưa, khi xảy ra hạn hán thì toàn bộ cây rừng và vật nuôi chết vô kể, tuy nhiên chỉ có động vật, cây cối ở dòng suối Đăk Nia thì sống được, từ đó người người kéo đến đây để uống nước. Sau này, nơi đây trở thành một biểu tượng mà người Đắk Nông vô cùng coi trọng, bảo tồn cho đến ngày nay, trở thành một điểm đến mà nhiều du khách quan tâm.

Thác Liêng Nung gồm ba cụm, cụm thác chính lớn nhất cao khoảng 30m, đổ xuống suối Đăk Nia bên dưới. Nhìn từ xa, con thác hiện ra đầy ấn tượng với hình dáng của một dải lụa trắng vắt dọc trên vách đá cheo leo. Thác đổ qua trần hang là những khối đá lục giác xếp liền kề nhau như một tổ ong đặc khổng lồ, trong hang thảm thực vật xanh mướt.

Thác Liêng Nung nằm ẩn mình giữa núi rừng hoang sơ khu vực xã Đăk Nia.

4 thg 4, 2021

Cơm tấm Sài Gòn

Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, ở Sài Gòn tiệm cơm tấm Thuận Kiều quận11 được dân cư quanh vùng biết tiếng. Sau năm 1975 với nhu cầu của thực khách ngày càng tăng, cơm tấm Thuận Kiều bắt đầu được bán lấn qua cả bữa trưa và chiều. Sau Thuận Kiều là cơm tấm Kiều Giang. Rải rác khắp thành phố những tiệm cơm tấm nổi tiếng được nhiều thực khách lui tới.

Giờ đây cơm tấm không chỉ nổi tiếng và được ưa chuộng bởi người Việt Nam mà ngay cả khách du lịch nước ngoài khi đến Sài Gòn cũng không ít người muốn tìm đến và trải nghiệm món ăn này, cơm tấm Sài Gòn được sử dụng như bữa ăn hàng ngày, dọn ra mâm với bát đũa đầy đủ các món chính, món phụ. Vì thế, người Sài Gòn cũng biến tấu cách bài trí món ăn này để bắt mắt hơn, phù hợp phục vụ cả người dân trong nước và người nước ngoài. Từ đó, cơm tấm và các món ăn kèm được bày trên cùng một chiếc đĩa to và sử dụng thìa, dĩa khi ăn gần giống các món Tây. Cho đến ngày nay, cách trang trí món ăn và cách thưởng thức này vẫn được lưu giữ và trở thành một điểm đặc trưng.

31 thg 3, 2021

Bánh cốm Nguyên Ninh

Nhắc đến những đặc sản nổi tiếng của Hà Nội chắc chắn sẽ không thể bỏ qua món bánh cốm, có rất nhiều nơi bánh cốm nổi tiếng như phố Hàng Than, làng Vòng, tuy nhiên, nếu như không biết bánh cốm Hà Nội ở đâu ngon, đúng chuẩn vị truyền thống thì hãy tới bánh cốm Nguyên Ninh ở phố Hàng Than.

Cũng là cốm, là đậu xanh, cũng là cách chế biến công phu, cầu kỳ. Nhưng hương vị bánh cốm Nguyên Ninh khác hẳn so với các hàng bánh cốm khác. Để có được món bánh cốm chất lượng, gia đình đã sử dụng các nguyên liệu cốm từ làng Vòng, làng Lũ Thái Bình. Nhân bánh là đậu xanh được lấy từ Sơn La, Hà Bắc, Bánh không hề chứa chất phụ gia, chất bảo quản nên chỉ để được trong 4 ngày mà thôi.

Hiện nay, trên phố Hàng Than có hàng chục cửa hàng bánh cốm. Để tạo ra những sản phẩm cốm dẻo thơm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tâm huyết của người thợ làm bánh. Từng hạt cốm sau khi qua bàn tay của người thợ sẽ được làm dẹt bằng kỹ thuật truyền thống, tạo nên phần vỏ bánh mịn, dẻo dai và kết dính. Bên cạnh đó, nhân bánh từ đậu xanh được tuyển chọn kỹ lưỡng, kết hợp cùng dừa tươi thật hoàn hảo. Vỏ bánh mềm dẻo với mùi thơm đặc trưng của lá dứa và cốt dừa,… Nhân bánh được làm từ đậu xanh thơm mềm, có độ ngọt vừa phải. Chúng sẽ mang đến cảm giác tan ngay trong miệng khi thưởng thức.

Bánh cốm được đóng gói để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

29 thg 3, 2021

Đăk Nông – bản trường ca của Đá và Nước

Trải qua hàng triệu năm, những đợt phun trào dữ dội của núi lửa cùng với sự kiến tạo đặc biệt của vỏ trái đất đã tạo nên một Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông có hệ thống hang động, những cánh đồng dung nham, thác nước hoang sơ, kì vĩ… với vẻ đẹp nguyên sơ, huyền hoặc như những cảnh quay ấn tượng trong phim “Công viên kỉ Jura” của đạo diễn Steven Spielberg.

Krông Nô – “vương quốc” hang động núi lửa

Krông Nô là huyện nằm ở phía Đông Bắc, cách thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đăk Nông khoảng 100km. Đây được xem là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông, là “vương quốc” núi lửa và khoảng 50 hang động núi lửa có một không hai trên thế giới.

Lịch sử phát triển địa chất của Đắk Nông có từ kỉ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm về trước và vùng đất này vốn từng là một phần của đáy đại dương mênh mông. Mãi đến kỉ Paleogene (cách đây khoảng 60 triệu năm), nước biển rút đi, mặt đất nâng cao và bắt đầu xuất hiện các ngọn núi lửa để rồi từ đó nhiều đợt phun trào bazan kéo dài cho đến cách nay khoảng 10.000 năm thì mới kết thúc.

19 thg 3, 2021

Lễ cúng sức khỏe cho voi

Với người Mnông, Ê Đê sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, voi không chỉ là tài sản quý giá của gia đình mà còn được xem là người bạn, là thành viên trong gia đình. Vì vậy mà hàng năm, những gia đình có voi thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng độc đáo này không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nhắc nhở nhau phải trân trọng, chăm sóc, bảo vệ voi.

Ông Đàm Năng Long, sinh sống tại huyện Lắk chia sẻ: “Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn”. Tùy theo từng dân tộc, điều kiện kinh tế của gia đình chủ voi sẽ có những cách cúng khác nhau, lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mang ý nghĩa cầu sức khỏe cho voi, để voi đỡ đần, gánh vác những phần việc nặng nhọc cho con người. Đồng thời nhắc nhở con người phải biết trân quý, chăm sóc loài voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường có những vật phẩm quen thuộc như: rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo, bắp tươi, hoa tươi, chuối, một ít gạo, cá khô và thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho voi.

Thầy cúng dẫn đầu đoàn rước tiến hành nghi thức bắt đầu lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ

Bánh hỏi Phú Long

Bình Thuận ngoài Hòn Rơm, Mũi Né đẹp nao lòng với những trảng cát, hàng dừa và nguồn hải sản phong phú, còn có một món ăn đặc sản mà nếu chưa thưởng thức thì xem như chưa đến, món ẩm thực bánh hỏi Phú Long.

Không chỉ nổi tiếng về ẩm thực, nghề làm bánh hỏi cũng là một “đặc sản nhiếp ảnh” mà bất cứ người cầm máy nào cũng mơ ước được một lần trải nghiệm và ghi lại những khoảnh khắc vừa chân thật vừa sống động đến như vậy.

Lò bánh hỏi của gia đình ông Lê Văn Chương, khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, mỗi ngày sản xuất trung bình 200kg – 250kg (từ gạo tinh chất và không dùng phụ gia bảo quản), mỗi công đoạn đều rất tỉ mỉ: chọn gạo ngon để ngâm qua đêm, vo sạch rồi xay nhuyễn. Bột được hấp hơi trong một tiếng đồng hồ, lăn thành từng cây hình trụ, sau đó đưa vào máy ép để tạo thành sợi, trải ra những khay tròn bằng tre rồi đem hấp chín trong 20 phút.

Quy trình hấp bánh tại lò bánh của gia đình ông Chương.

Lạp sườn Cao Bằng

Lạp sườn là món ăn truyền thống lâu đời của người Cao Bằng, một món ăn được hòa quyện bởi mùi thơm của nắng vùng cao, mùi thoảng thơm của núi rừng, vị thơm, ngọt của thịt. Tất cả những hương vị ấy được gửi trọn trong món lạp sườn Cao Bằng khiến ai đã một lần thưởng thức đều thật khó quên.

Cái ngon của lạp sườn Cao Bằng là mảnh đất vùng cao, nơi chăn nuôi lợn khá rộng rãi, tự do, thức ăn mang chất đất vùng cao khiến lợn Cao Bằng có điểm riêng biệt khác hẳn nuôi ở vùng đồng bằng. Ngoài ra nguồn nước đặc trưng khiến vật nuôi lấy thịt và rượu có hương vị tuyệt vời cùng với một số gia vị, có thể nói là bí quyết của ẩm thực Cao Bằng.

Cách chế biến món lạp sườn Cao Bằng rất công phu, trải qua nhiều công đoạn. Việc đầu tiên tiên là lòng lợn (lòng non) được rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, sau đó là rửa bằng rượu, lòng lợn sẽ được phơi khô rồi thổi hơi vào khiến lòng lợn rãn ra thành bong bóng, để làm vỏ bọc bên ngoài lạp sườn.

Nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được ví như là “Trường học Cộng sản” - là nơi rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, và hôm nay là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các bậc tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Chính quyền Pháp thuộc lựa chọn Côn Đảo làm nơi xây dựng ngục tù bởi lẽ nơi đây cách xa đất liền, không có phương tiện lưu thông và quan trọng là người tù không thể trốn thoát.


Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 chiến sĩ yêu nước thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam bị giam cầm, tra tấn và hi sinh tại “đại ngục trần gian”, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (hay còn gọi là chuồng cọp) tại Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

21 thg 2, 2021

Phú Quốc – thành phố của những giấc mơ

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một hòn đảo nằm ngoài khơi được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp thành phố với đầy đủ cơ sở pháp lí, diện mạo, tầm vóc và vị thế của nó. Việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước không chỉ là bước ngoặt lớn tạo tiền đề sớm đưa hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” này trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh-quốc phòng ở các vùng biển đảo.

Từ thiên đường trên biển...

Từ trên máy bay, qua ô cửa nhỏ, Phú Quốc hiện ra trông như một cánh buồm xanh căng gió giữa biển khơi. Thậm chí vị khách ngồi cạnh tôi, một người đàn ông đứng tuổi có dáng vẻ từng trải còn so sánh khá thú vị rằng đảo Phú Quốc có hình dáng trông như lục địa Nam Mỹ thu nhỏ. Câu chuyện về hòn đảo ngọc từ đó trở nên rôm rả cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Phú Quốc, một phi trường quốc tế nhỏ xinh ngập tràn ánh nắng và lồng lộng gió đại dương.

20 thg 2, 2021

Người Mông cúng Thần rừng

Mỗi năm, dịp Tết đến, Xuân về, người Mông ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với các gia đình người Mông đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) lại tổ chức Lễ cúng hần rừng.

Người Mông quan niệm mỗi khu rừng đều có thần rừng cai quản. Cúng thần rừng là để phù hộ dân bản khỏe mạnh, trồng cấy bội thu, mùa màng tươi tốt và đặc biệt cũng là nâng cao ý thức, gìn giữ rừng – cái nôi nuôi sống cho cộng đồng người Mông.

Người Mông cúng thần rừng vào ngày đầu năm bởi đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm. Trong ngày làm lễ mọi người sẽ mang các lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Địa điểm này do thầy cúng là một người có uy tín, hiểu biết lễ nghi của trong dòng họ chọn. Lễ vật dâng lên thần rừng gồm dê, gà, đậu phụ và bánh trưng.

Thầy cúng đốt những tờ giấy bản ở Lễ cúng Thần rừng. Ảnh: Việt Cường

Đậu phộng Chouchou Phú Quốc

Một sự kết hợp hòa quyện tuyệt vời giữa những hạt đậu phộng Việt Nam cùng với công nghệ làm đậu caramen truyền thống của gia đình anh Dominique Samarine (Paris – Pháp) đã cho ra món đậu phộng Chouchou không thể khác biệt hơn, đó cũng chính là một đặc sản của đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Phú Quốc là quê hương thứ 2 của anh Dominique Samarine sau khi anh lấy chị Huỳnh Thị Mai, là người con của xứ đảo này. Hai vợ chồng cùng nhau sáng tạo và làm ra món đậu phộng Chouchou mang hương vị Việt – Pháp vô cùng đặc biệt so với các loại đậu phộng rang sấy ở các nơi khác, như chính tình yêu nồng nàng và đặc biệt của hai người.

Cây đậu được trồng ở Việt Nam sau khi thu hoạch sẽ được phơi thật khô, lựa chọn các hạt đồng đều, chất lượng nhất, sau đó được bọc bởi một lớp gia vị qua phương pháp rang sấy gia truyền của gia đình anh Dominique Samarine. Hương vị thấm đều vào hạt đậu rồi được rang khô, sấy giòn, hỗn hợp gia vị sẽ bao chặt lấy hạt đậu, mang lại cảm giác ngon, giòn khi ăn và rất đậm đà.

Anh Dominique Samarine người mang công thức làm caramen truyền thống của gia đình tại pháp sang Phú Quốc và trực tiếp chế biến món ăn này.

18 thg 2, 2021

Hoang sơ hòn Bảy Cạnh

Nhiều diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài nước đã giới thiệu hòn Bảy Cạnh là địa điểm không thể bỏ quan khi đặt chân tới huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bởi vẻ đẹp rừng biển hoang sơ. Ngoài ra, theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đây là nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và cũng là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo.

Sau lời kêu gọi của Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo tham gia bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo đã có hàng ngàn tình nguyện viên từ các nơi trên cả nước hưởng ứng. Theo chân những tình nguyện viên, chúng tôi từ cảng cầu Côn Đảo, đặt vé đi ca nô ra hòn Bảy Cạnh.

Sau chừng 20 phút di chuyển bằng ca nô, chúng tôi đến được hòn Bảy Cạnh. Một khung cảnh khiến những người vốn đã quá quen khám phá như chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nơi đây đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.

10 thg 2, 2021

Bánh chưng Hùng Lô

Xã Hùng Lô (Tp. Việt Trì- Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương gây dựng cơ đồ đất Việt.

Truyền thuyết kể rằng, vào dịp đầu xuân, vua Hùng (2879 – 258 TCN) cho mở hội và bảo các con rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Các người con của vua Hùng đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Hoàng tử Lang Liêu là con thứ 18 của Vua Hùng có bản tính hiền lành, chất phác, đêm nằm mơ có vị thần đến bảo: “Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân… nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho ngon, như thế thì lòng vua cha sẽ vui, tôn vị chắc được”.

Bánh chưng ở Hùng Lô có tiếng là ngon vì được lựa chọn kỹ từ thịt, gạo, lá dong và được nấu "mộc" bằng bếp than.

Hoa giấy Thanh Tiên

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Từ xưa, hoa giấy đã được được trang trọng tôn trí ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà (tổ tiên), Am cảnh và Ông Táo mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo tư liệu ghi lại, làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm thời các chúa Nguyễn và đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những địa phương có người Huế cư ngụ.

Những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên đã tạo nên những bông hoa rực rỡ sắc màu.

5 thg 2, 2021

Buôn M’liêng - nơi lưu giữ văn hóa người M’nông

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của Tây Nguyên. Về với buôn M’Liêng bên bờ Hồ Lắk, ta có thể cảm nhận được một Tây Nguyên hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông.

M’Liêng là một buôn đẹp có quy mô lớn còn giữ được nét cư trú truyền thống của người M’nông giao thoa với người Ê-đê. Khu nhà ở là những nhà sàn dài được phân bố tập trung, trên một khu đất rộng, xung quanh được rào kỹ bằng các bụi tre lớn, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, cánh đồng, ruộng nước, cây cổ thụ lâu năm, bến nước truyền thống.

Người dân trong buôn vẫn làm các nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, lối sống tiêu biểu của vùng đầm lầy trên cao nguyên Đăk Lắk. Trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn không còn nhà nào có voi, nhưng không gian riêng của buôn với những con suối, sông, bến nước, bến voi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

3 thg 2, 2021

Hội An – đêm đong đầy nỗi nhớ

Sau những tháng ngày dài chìm trong cảnh đìu hiu vắng lặng vì đại dịch Covid-19, những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu, phố cổ Hội An đang dần trở lại với nhịp vốn có bằng vẻ đẹp hoài cổ muôn năm cũ, luôn đong đầy nỗi nhớ trong lòng mỗi du khách khi có dịp ghé thăm thương cảng cổ nhất xứ miền Trung này.

Dịch dã tràn qua, Hội An phố vắng đêm buồn chìm trong chuỗi ngày dài thưa vắng khách. Đêm đêm, những con phố nhỏ im ắng tiếng bước chân người đi. Những nếp nhà cổ cũ kĩ ám rêu phong không còn hắt ra thứ ánh sáng đỏ vàng ấm áp từ dãy đèn lồng đỏ treo cao và mùi hương trầm quyện bay theo gió sông Hoài vào những đêm trăng rằm sáng tỏ...

Những tưởng nỗi buồn ấy sẽ đeo bám Hội An không biết đến bao giờ mới chấm dứt, nhưng may mắn thay dịch dã rồi cũng tạm thời lắng xuống để đêm đêm những con phố nhỏ lại sáng đèn, hàng quán lại có dịp được mở cửa chờ đón du khách đến thưởng thức phong vị của người xứ Quảng.

Thiếu nữ Hội An tham gia đêm hội rước đèn mừng ngày phố cổ được bình an trở lại sau những ngày dài tránh dịch. Ảnh: Thanh Hòa

Non nước Tà Đùng

Trong hành trình khám phá Nam Tây Nguyên, đến với Đắk Nông, điểm đến hồ Tà Đùng đang được du khách yêu thích vì cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ và vẫn lưu truyền những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...

Hồ Tà Đùng thuộc tại 2 xã Đắk P’lao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (cách TP Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông 48km), là hồ nước ngọt có diện tích khoảng 22.103ha. Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, người ta đã chặn, ngăn dòng chảy của một nhánh sông Đồng Nai để tạo nên hồ Tà Đùng mênh mông, kỳ vĩ. Hồ có độ sâu trung bình trên 20m, trong lòng hồ rải rác hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt, rậm rạp. Từ cảnh quan đó mà người ta còn ví von hồ Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao nguyên.

Du khách thường đến Tà Đùng vào khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Vào cuối mùa mưa, nước hồ dâng cao, cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.

Hồ Tà Đùng gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam. Ảnh: Công Đạt