25 thg 7, 2023

Dấu vàng son một vùng ghềnh thác

Cảm thức về thiên nhiên hùng vĩ vốn đậm đặc trong cổ thi hay tranh thủy mặc Á Đông. Một điều đáng kể là vào giai đoạn tiếp biến văn hóa phương Tây trong thời Pháp thuộc, các sản phẩm và thực hành văn hóa vẫn kế thừa cảm thức này. Núi rừng, sơn cước hay sông suối ghềnh thác chiếm một vị trí nổi bật trong các tác phẩm văn học, mỹ thuật, đặc biệt trong tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Chợ Bờ, thác Bờ, Đà giang… là một khu vực như vậy.

Hai bức tranh sơn mài nổi tiếng của Nguyễn Văn Tỵ và Phạm Hậu gần đây được đấu giá rất cao tại một số sàn quốc tế có chung một đề tài về phong cảnh thác Bờ.

Trước khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành, tạo ra vùng hồ sông Đà ngập toàn bộ vùng ghềnh thác Bờ, khu vực này đã nổi tiếng hiểm trở với các luồng nước xoáy giữa các ghềnh đá lởm chởm. Trong tín ngưỡng dân gian, nơi đây đã đi vào hệ thống đạo Mẫu với đền thờ bà Chúa thác Bờ cùng bài hát văn trong giá hầu đồng Chầu đệ Tam. Bỏ qua yếu tố nghi lễ, lời văn tô đậm vẻ khác thường của cảnh thác Bờ:

Lô xô đá mọc đầu nguồn
Thiên nhiên khéo tạc trên luồng chơi vơi
Cảnh thác Bờ là nơi thắng tích
Lập ngôi đền thờ thanh lịch biết bao
Sông Đà nước chảy rì rào
Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng
(hát văn bà Chúa thác Bờ)

Thác Bờ nằm trên cung đường lên mạn ngược, vào thời trước chứa đựng những huyền thoại đường rừng, hầu hết xuất phát từ câu chuyện về bà Đinh Thị Vân, người Mường, đã dẫn đầu một đạo quân tiếp lương cho vua Lê Thái Tổ đi chinh phục thủ lĩnh người Thái Đèo Cát Hãn vào đầu thế kỷ XV. Bà được dân gian lập đền thờ và được phối thờ trong Tứ phủ của đạo Mẫu, cùng với những nhân vật lịch sử gắn với những địa danh xuất hiện thành một hệ thống bản đồ trong tâm trí người Việt.

Paysage aux jonques (Phong cảnh với thuyền buồm), tên khác: Chợ Bờ, tranh sơn mài của Phạm Hậu, 1943. 104x197,6cm. Tư liệu trang aguttes.com

Sau khi thiết lập chế độ thuộc địa lên toàn cõi Đông Dương, Chợ Bờ thoạt tiên được lập như một tỉnh với thị tứ lấy tên theo khu ghềnh thác nổi tiếng, cho thấy vị thế quan trọng của địa danh nơi sông Đà vượt qua các vùng chướng ngại vật bằng đá này để rồi uốn khúc về hướng bắc nhập vào sông Hồng. Vốn là chi lưu cung cấp nước chính của hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, sông Đà còn có tên sông Đen hay Hắc giang, và chính người Pháp đã gọi là “Rivière Noire”, tương ứng với sông Đỏ (tức sông Hồng, Fleuve Rouge) và sông Trong (tức sông Lô, Rivière Claire). Sông Đà dù có độ dài chảy trên đất Việt Nam hơn 500km song phần lớn chiều dài này không thuận lợi cho giao thông thủy do nhiều ghềnh đá.

Thác Bờ là chướng ngại vật cuối cùng của dòng sông trước khi trở thành biểu tượng cho câu “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu” (Mọi sông đều xuôi về đông/chỉ sông Đà chảy về bắc) của Nguyễn Quang Bích mà Nguyễn Tuân lấy làm đề từ cho tùy bút nổi tiếng Người lái đò sông Đà (1960). Nguyễn Quang Bích, người đã lãnh đạo phong trào Cần Vương ở vùng Tây Bắc trong giai đoạn 1884 - 1889, để lại tập Ngư Phong thi tập khắc họa khung cảnh vùng sơn cước, có thể xem như ngữ liệu cuối cùng của văn học trung đại trước khi không gian của văn hóa thuộc địa thay thế.

Cảnh ghềnh thác sông Đà qua con mắt của Nguyễn Quang Bích sống động và hiện thực: “Nước reo sùng sục như trâu rống/ đá mọc lô xô tựa mũi tên” (Quá Chiến Than, bản dịch Kiều Hữu Hỷ). Hiện thực này đã được tái hiện bằng hình ảnh qua hai tác phẩm sơn mài xuất sắc của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Phạm Hậu (1903 -1994) và Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992). Hai tác phẩm về phong cảnh thác Bờ của hai danh họa cũng ghi những kỷ lục về giá tranh Việt Nam trên một số sàn đấu giá quốc tế.

Theo thông tin từ các nhà nghiên cứu mỹ thuật theo dõi phiên đấu giá tại nhà Aguttes (Pháp) vào tháng 6.2021, bức tranh của họa sĩ Phạm Hậu là một bộ bình phong bốn tấm, kích thước 104x197,6cm, được vẽ khoảng 1943, có tên gọi Phong cảnh với thuyền buồm hoặc Thác Bờ. Tác phẩm đã được bán với giá 833.000 euro (khoảng 1 triệu USD).

Trong cuốn sách Sơn mài Phạm Hậu do KTS. Phạm Gia Yên (con trai họa sĩ) biên soạn, có bức ảnh Phạm Hậu đứng trước một bức tranh có bố cục tương tự song treo tường. Bức tranh thứ hai thậm chí còn gây được sự chú ý mạnh mẽ vì kích thước đồ sộ và vẻ lộng lẫy của nó, theo thông tin trên trang của nhà đấu giá Drouot thì tác phẩm gồm 15 tấm panô ghép lại thành một tổng thể có kích thước 150 x 375 cm, có ghi năm 1942. Cả hai bức tranh đều có những chiếc thuyền đuôi én giữa vùng nước nhiều cuộn xoáy và ghềnh đá lởm chởm.

Les rapides de Cho-Bo sur la Rivière Noire (Ghềnh đá Chợ Bờ trên sông Đà), tranh sơn mài của Nguyễn Văn Tỵ, 1942. 150x375cm. Tư liệu trang gazette-drouot.com

Nếu bức sơn mài của Phạm Hậu có trung tâm điểm là chiếc thuyền buồm được nhìn qua tiền cảnh là những khóm tre, cây phượng vĩ và những bụi chuối thì tác phẩm của Nguyễn Văn Tỵ đưa cặp mắt gần mặt nước hơn, với những chiếc thuyền ngược xuôi trên những vân nước được thếp vàng bạc lộng lẫy. Mặc dù còn tranh cãi về những phiên bản khác nhau của các tác phẩm này, điều không thể phủ nhận là vai trò của phong cảnh đặc sắc của thác Bờ.

Trong khi công chúng chờ đợi được chiêm ngưỡng tận mắt các tác phẩm này, một vài thông tin lan truyền cũng đủ để người yêu nghệ thuật hình dung ra tầm quan trọng của một cảnh sắc cụ thể. Mỹ cảm về tạo hình sơn thủy đã có truyền thống trong tranh thủy mặc hay các đồ gốm sứ, đến lượt chất liệu sơn mài với lợi thế kết nối nền tạo tác mỹ nghệ Á Đông, đã khởi lên một phong cách sẽ còn ảnh hưởng lâu dài trong hội họa Việt Nam các thập niên sau. Thay vì các phong cảnh ước lệ, giờ đây cái nhìn theo tư duy hội họa Tây phương đã chọn những nơi có thể khảo sát thực địa hay gọi tên.

Sau này, địa danh thác Bờ còn được tái hiện lần cuối qua bức tranh lụa Ghi chép ở thác Bờ, sông Đà của Nguyễn Sỹ Ngọc năm 1980. Cùng năm đó, Bùi Xuân Phái có tác phẩm sơn dầu Sông Đà, khắc họa khung cảnh hiền hòa trong gam màu xanh êm dịu hiếm có với những cần cẩu gợi ý một công trình xây dựng lớn. Cả hai tác phẩm hiện đều trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ cuối thập niên 1980, thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, tạo ra vùng lòng hồ chứa nước, một phần các ghềnh đá nổi tiếng đã chìm dưới mực nước.

Ghi chép ở thác Bờ, sông Đà, tranh lụa của Nguyễn Sỹ Ngọc, 1980. 36,5 x 88 cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Một tùy bút có tính nhật ký của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đăng trên tập san Le Monôme của Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương có thể giúp ta xác định sự khởi tạo bức tranh này. Tùy bút Kỷ niệm chợ Bờ được xuất bản trên Le Monôme số 29, tháng 11-12.1941, cũng là năm cuối của khóa 11 Trường Mỹ thuật Đông Dương mà Nguyễn Văn Tỵ theo học. Lúc này, Trường Mỹ thuật là một trường thành viên của Đại học Đông Dương.

Trong khuôn khổ bài viết, xin giới thiệu bản dịch toàn văn tùy bút để độc giả hình dung được công việc sáng tạo của một nghệ sĩ, cho thấy những suy tư đầy chất thơ về khung cảnh trên thực địa lẫn vốn văn hóa của một thế hệ sáng tạo.

Kỷ niệm chợ Bờ

Ngày 25 tháng 12 năm 1939. Mấy ngày nay tôi mải mê học hành đến nỗi quên cả thời gian ở đây, chúng tôi đang cố thâm nhập thiên nhiên, khám phá những bí mật của nó. Được hướng dẫn bởi các nguyên tắc nhất định, chúng tôi cố gắng phân tích và tổng hợp nó.

Ma thuật của hiệu ứng bóng tối và ánh sáng trên các bản ghi khổng lồ. Bọt nước từ những ghềnh đá. Những chiếc ca nô có đuôi cao hình thuyền gondola. Mọi thứ đều khiến tôi thích thú và soi sáng tôi. Bất kỳ tâm hồn nhạy cảm nào cũng sẽ phải ngưỡng mộ những khung cảnh tuyệt vời này mà chợ Bờ mang đến cho đôi mắt thích thú của họ. Còn ví dụ tương phản nổi bật nào hơn những tảng đá này được thiên nhiên ném xuống một cách rõ ràng để ngăn nước ở Hắc giang! Núi nối tiếp núi, cây nối tiếp cây, chúng tôi tiến mãi, tiến mãi chẳng bao giờ tới. Tôi cảm thấy yếu đuối và nhỏ bé biết bao trước cái tuyệt đối! Đó là căn bệnh chung của những người không bao giờ hài lòng với chính mình...

Ngày 1 tháng 1 năm 1940. Trời lạnh, lạnh hơn cả Hà Nội. Một màn sương mù dày đặc che phủ cả một khung cảnh thơ mộng. Những giọt giá buốt rơi xuống và âm vang trên lá tếch.

Những tiếng súng nổ gần đồn lính bản xứ. Những tiếng nổ lách tách gợi nhớ hương xuân, sắp đến Tết rồi. Những bông hoa mận trắng trên nền xanh Phổ này, những hàng cau với những chùm râu sẫm màu này làm tôi nhớ đến một cảnh trí thanh khiết hiếm có mà tôi đã từng chiêm ngưỡng, không biết ở đâu, và nảy sinh trong tôi một nỗi nhớ kỳ lạ.

Một số bạn đồng hành đã đi tìm những cuộc phiêu lưu trong những khu rừng gần đó và tại đây, họ đang run rẩy bên một lò sưởi thắp sáng ở cuối cabin, bên bờ suối nơi những người đẹp đến để làm công việc tắm rửa của họ. Một buổi sáng rộn ràng tiếng cười, một buổi sáng săn bướm. Một trong số chúng tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình, anh ấy dạy vẽ cho chàng trai trẻ Mường, người luôn tự hào về khả năng sử dụng than củi [để vẽ].

Sông Đà, tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái, 1980. 57 x 76 cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ngày 2 tháng 1 năm 1940. Tôi dựng giá vẽ vào lúc bình minh khi ghềnh đá vẫn còn mù mịt sương khói. Xung quanh tôi được bao phủ rất dày đặc, toàn là đá, những tảng đá màu xanh có nhiều chi tiết thường được khắc họa trong tranh thủy mặc Trung Quốc. Chúng trông giống như những con vật hung dữ chạy, tập hợp thành đàn một cách kỳ lạ, xô đẩy, cưỡi ngựa, va chạm trước khi lao về phía dòng nước xoáy đầy ắp để giải tỏa cơn khát. Những vệt trắng nhạt chạy dọc theo sườn dốc của chúng và cỏ dại phủ đầy chân chúng.

Đang mùa nước cạn, sông Đen trơ trọi những đống đá, đôi bờ in dấu chân diệc trắng.

Ngày 3 tháng 1 năm 1940. Sau khi đi ngược dòng sông, tôi đã cách thác ghềnh hai cây số. Đằng kia, dưới đáy thung lũng, một ngôi nhà Mường rất nhỏ xòe mái rộng dưới tán lá thưa của cây gạo.

Sự bình lặng ngự trị trên mặt nước. Không còn xoáy nữa. Chỉ có giọng nói yếu ớt của một đứa trẻ hầu như không phá vỡ sự im lặng. Tôi đang nghĩ về tranh cuộn kakemono, nơi núi non, sông nước, nhà cửa, rừng cây, cả một quy ước nghệ thuật sáng tác của Trung Hoa được thể hiện bằng những giá trị rất đơn giản...

Tôi vội vàng ghi lại các chi tiết; sự xuống màu của màu xanh lam trong suốt, những phản chiếu óng ánh, sắc thái kỳ lạ của cát đỏ ở rìa sông, màu xanh lá cây vào mùa này. Trở lại Hà Nội, với những tài liệu này, tôi sẽ bắt đầu hợp tác với những người bạn của mình một tác phẩm sơn mài. Công việc sẽ khó khăn. Có thể bệnh sốt rét tha cho tôi...

Ngày 4 tháng 1 năm 1940. Với máy ảnh của mình, chúng tôi đã ghi lại một số cảnh rất thú vị. Thường khi không có phim, chúng tôi có các cô gái trẻ người Mường tạo dáng trước mắt. Những cô gái sơn cước này có làn da rám nắng và đôi mắt trong veo, mặc một bộ trang phục rất nhiều trang trí: khăn đội đầu màu trắng phủ đến tận trán; chiếc áo khoác có những khuy bạc to, chiếc váy choàng trắng dài đến mắt cá chân và che đi một nửa chiếc quần sẫm màu đen bóng, tất cả đều được làm nổi bật nhờ một chiếc thắt lưng màu đỏ, màu hoa cà và vàng ánh kim bên dưới phần ngực.

Những đốm rực rỡ này di chuyển trong một khung cảnh cây xanh và mặt nước. Mặt trời, trước khi lặn, bao phủ một góc trời bằng màu đỏ son và khiến bầu không khí bừng cháy sắc vàng và hồng. Ánh sáng càng huyền diệu hơn khi những bạn trẻ này vui đùa, ngân nga những câu ca dao ngây thơ. Những bóng dáng màu trắng của họ lùi dần - một số đến từ rất xa - và biến mất trong sương mù tháng giêng trong khi chúng tôi dùng kính viễn vọng dõi theo ánh nhìn cuối cùng và nụ cười từ biệt của họ...

Ngày 5 tháng 1 năm 1940. Hôm nay tôi đi. Trước khi ra đi tôi nhắc lại một lần nữa ở Nàng Bẩy: Với thác ghềnh, đá tảng, núi non và hình bóng non trẻ của bạn trong buổi chiều vàng, tôi sẽ không bao giờ quên chợ Bờ.

Và bạn tôi B, ngâm một câu thơ đã học từ thời trung học:

“Sông Bờ nước chảy lờ đờ
Một thương, hai nhớ bao giờ cho khuây…”

Nguyễn Văn Tỵ
(bản lược dịch từ Le Monôme số 29, tháng 11-12.1941).

Nguyễn Trương Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét