Xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái là nơi có nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm. Hầu hết người dân nơi đây mặc trang phục truyền thống được thêu bằng vải lanh với những hoa văn trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong, nhuộm chàm kết hợp với thêu và ghép vải. Trong tất cả các công đoạn đó thì phương pháp vẽ sáp ong luôn tạo nên sự độc đáo vì nó là đặc trưng riêng chỉ được truyền qua các thế hệ trong gia đình người Mông. Người Mông sử dụng sáp ong nóng chảy vẽ trên mặt vải nhằm che phủ những vị trí mong muốn của vải. Sau khi vẽ tấm vải sẽ được đem đi nhuộm và được luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn. Vải có hình hoa văn được thêu thủ công thành nhiều sản phẩm khác nhau bán trên thị trường.
Chị Ninh cho biết thêm: Vải được chọn là vải cotton hoặc vải lanh đã giặt sạch và được làm phẳng, trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng. Bút vẽ có cán bằng tre và đầu bằng hai tấm đồng nhỏ có cạnh tròn và trơn, úp vào nhau để chứa sáp ong nóng bên trong. Sáp ong: loại sáp được khai thác trong rừng. Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Vì vậy khi vẽ sáp ong, người vẽ luôn phải ngồi cạnh một bếp than khói nghi ngút và bát đựng sáp ong luôn để trên bếp than. Các đường nét sẽ được người thợ thể hiện theo ý mình. Sau khi vẽ xong, trông tấm vải cũng đã như một tác phẩm khá cầu kỳ với các hoa văn sáp ong màu nâu vàng trên nền vải trắng.
Xong công đoạn vẽ sáp ong người dân tộc sẽ xử lý chàm và nhuộm chàm. Người ta ngâm lá và cành chàm tươi vào nước trong vài ngày, sau đó vớt hết bã ra và bỏ vôi bột vào khuấy kỹ. Bột chàm và vôi sẽ lắng xuống đáy thùng. Khi gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy được giữ lại, đó chính là cao chàm. Để chuẩn bị thùng nước nhuộm, người ta dùng cao chàm với nước tro bếp đã gạn kỹ, chế thêm rượu và một vài loại lá cây.
Các sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện của người Mông. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Đế có được màu xanh chàm đậm và bền màu, miếng vải được nhuộm rất nhiều lần. Ngâm miếng vải trong nước chàm rồi phơi nắng cho khô, sau đó lại tiếp tục ngâm và phơi, ngâm và phơi… Trong quá trình nhuộm, cần nhẹ nhàng, cẩn thận để các phần sáp ong không bị nứt để giữ cho hoa văn được nét.
Đặc biệt mới đây, với mong muốn giới thiệu kỹ thuật độc đáo của dân tộc mình đến mọi người, chị Lý Thị Ninh đã trình diễn vẽ sáp ong trên vải và công việc nhuộm chàm của người dân tộc Mông tại không gian Craft Link, 51 Văn Miếu, Hà Nội. Cuộc trưng bày và giới thiệu đã thu hút nhiều du khách quốc tế và công chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia trải nghiệm. Những mẫu vải này đã được Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông của Chế Cu Nha làm thành nhiều sản phẩm như những chiếc túi đeo, thắt lưng, khăn trải bàn, áo.. và được bày bán nhiều ở cửa hàng Craft Link, 51 Văn Miếu, Hà Nội.
Chị Trần Tuyết Lan, giám đốc Craft Link cho biết: Sau 3 năm thực hiện dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, những nét đẹp văn hóa thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Mông tại Chế Cu Nha đã và đang được bảo tồn và phát triển và giới thiệu sâu rộng đến cộng đồng quốc tế. Workshop về nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải được nghệ nhân Lý Thị Ninh, thể hiện tại Hà Nội là một hoạt động kết nối cộng đồng giới thiệu những nét đẹp văn hóa bản địa của người dân tộc đến du khách quốc tế đang du lịch hoặc sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội.
Chị Lý Thị Ninh hướng dẫn vẽ sáp ong trên vải lanh truyền thống của người Mông ở Chế Cu Nha tại không gian Craft Link 51 Văn Miếu, Hà Nội. Ảnh: Việt Cường/ Báo ảnh Việt Nam
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường, tư liệu Craft link cung cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét