14 thg 7, 2023

Tịnh Tâm mùa sen trắng

Du khách khám phá cảnh đẹp hồ Tịnh Tâm vào mùa sen trắng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Hồ Tịnh Tâm xưa vốn là một trong những ngự uyển nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng “Thần kinh nhị thập cảnh”, tức hai mươi thắng cảnh nổi tiếng đất kinh đô xưa. Đặc biệt, nơi đây có trồng giống sen trắng quý hiếm được dùng làm phẩm vật cung tiến lên nhà vua nên thường gọi là giống “sen ngự”. Ngày nay, cảnh vật tuy không còn như xưa nhưng mỗi dịp hè về hồ sen trắng lại đua sắc khoe hương trở thành nơi thưởng ngoạn đầy yêu thích của du khách gần xa mỗi khi có dịp đến Huế.



Vẻ đẹp tinh khiết và quý phái của giống "sen ngự" nổi tiếng hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Hồ Tịnh Tâm nằm ngay trong khu vực thành nội kinh đô Huế, nay thuộc địa phận phường Đông Ba, thành phố Huế, chỗ đoạn cuối đường Đinh Tiên Hoàng, gần cống Cầu Kho trước đồn Mang Cá, tức cách Hoàng thành Huế một quãng không xa. Hồ này nguyên xưa có tên là ao Ký Tế, vốn là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại mà thành. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một ngự uyển của hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.



Mỗi năm, cứ đến mùa sen nở, hồ Tịnh Tâm lại trở thành điểm tham quan yêu thích trong khu vực thành nội đối với du khách gần xa khi có dịp đến thăm Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Tịnh Tâm là một hồ lớn, ở giữa có một con đường chia hồ làm hai bên. Trên hồ có ba hòn đảo nhỏ là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Xưa kia, trên các đảo này có nhiều công trình kiến trúc xây theo lối cung đình, điển hình như điện Bồng Doanh, lầu Trừng Luyện, nhà thủy tạ Thanh Tâm, gác Nam Huân, lầu Tịnh Tâm, nhà Hạo Nhiên, hiên Dưỡng Tính, đình Tứ Đạt… cùng nhiều cây cầu nối các đảo với bờ. Kể bây nhiêu đó cũng đủ thấy hồ Tịnh Tâm xưa là một quần thể cảnh quan thiên nhiên phong cảnh hữu tình, kiến trúc nguy nga, diễm lệ, xứng là ngự uyển, nơi vua thăm thú, nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần. Đáng tiếc là trải qua thời gian cùng với sự tàn phá của chiến tranh và bỏ bê quên lãng của con người mà cảnh vật nay đã không còn như xưa.

Thiếu nữ Huế với sen thơm hồ Tịnh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đáng chú ý, hồ Tịnh Tâm từ xưa đã nổi tiếng là vùng trồng sen, đặc biệt là giống sen trắng địa phương có hoa nhỏ trắng tinh khôi, hương thơm thanh khiết, hạt thơm bở và bùi nên xưa thường gọi là "sen ngự" vì thường được trồng riêng để khai thác hoa và hạt dâng vua.

Giống sen trắng trồng ở hồ Tịnh Tâm có phẩm chất tốt, đẹp nên hoa dùng để dâng cúng hoặc ướp trà, hạt dùng để chế biến các món ngon như chè sen, cơm sen, súp hay các món hầm với chim, gà; hạt sen, tâm sen, lá sen, ngó sen, củ sen đều có thể dùng làm thuốc mát gan, giải độc, an thần…


Du khách và người dân tận hưởng bầu không khí sớm mai trong lành bát ngát hương sen. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ngày nay, trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, cảnh vật ở hồ Tịnh Tâm không còn như xưa, giống sen trắng quý hiếm ngày nào có thời gian bị lãng quên ít được trồng do năng suất thấp và môi trường ô nhiễm khiến sen khó phát triển.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và người dân, hồ Tịnh Tâm được chỉnh trang, cải tạo môi trường, giống sen trắng nhờ đó cũng được tái trồng. Đặc biệt, năm nay có lẽ nhờ điều kiện thời tiết thuận tiện, môi trường hồ nước được cải thiện nên sen trắng hồ Tịnh Tâm phát triển rất tốt.



Người dân xứ Huế thường dùng sen hồ Tịnh để ướp chè làm nên loại trà sen hảo hạng nổi tiếng đất Cố đô. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Những ngày hè này, du khách có dịp đến với hồ Tịnh Tâm sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một vùng hồ sen trắng mênh mông tuyệt đẹp. Cả một vùng sen khoe sắc đua hương tạo thành điểm nhấn của vùng nội thành Huế thu hút đông đảo du khách và người dân đến thưởng ngoạn cảnh đẹp ít có dịp được thấy ở khu ngự uyển vang bóng một thời này.




Các sản phẩm thu hái từ sen tươi hồ Tịnh được bày bán trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét