25 thg 7, 2023

Cư xá ở Phú Nhuận

Xã Phú Nhuận tuy nhỏ nhưng có lẽ ở thập niên 1950 - 1960 còn nhiều đất trống nên có nhiều cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân lập nên những cư xá bán trả góp.

Xã Phú Nhuận tuy nhỏ nhưng có lẽ ở khoảng thập niên 1950 - 1960 còn nhiều đất trống nên có nhiều cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân lập nên những cư xá bán trả góp.

Được sống ở cư xá trước năm 1975 thường là giới công chức hay viên chức của các công ty tư nhân, những người có thu nhập ổn định nên có thể mua trả góp một căn, dưới trệt hay trên lầu. Một căn nhà trong cư xá thường nhỏ (trừ khi chủ nhân có khả năng mua hai căn liền nhau), nhưng cư dân trong đó được sống ở một nơi khá sạch sẽ so với nhà dưới mặt đất trong ngõ hẻm quanh co lúc đó chưa được tráng nhựa, mưa ngập nước và nắng thì tung bụi (là chuyện hồi thập niên 1960, 1970… bây giờ đã khác).

Tôi có viết vài cảm nghĩ về những cư xá được xây dựng ở Sài Gòn thập niên 1960: “Cư xá dịp Tết vui hơn ngày thường. Nhìn từ tầng này thấy tầng kia có người đi chợ về với giỏ đầy trái cây, lạp xưởng, bó hoa bày bàn thờ. Lác đác có người bưng lên mấy chậu bông thược dược, mãn đình hồng mà mặt mày tươi rói. Đêm Giao thừa, nhà dưới trệt bày bàn cúng ngoài trời, nhà trên lầu bày bàn ra hành lang tạo cảnh ánh sáng lung linh giữa trời đêm. Đám con nít mang pháo xuống đốt dưới sân, nhiều người đứng tựa hành lang ngó xuống ngửi mùi pháo trong hơi lạnh. Ngày cuối tuần, đám con trai đứng tựa ban công, ngắm mấy các cô là khách vào cư xá, cô nào cũng diện đẹp hết sẩy, đánh má hồng thoa son” (Trích Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm – cùng tác giả).

Nhà tôi ở trong con hẻm trên đường Trần Huy Liệu, phía sau nhà thờ Nam, vây quanh có đến năm cư xá.

Trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) có cư xá Nha Trước Bạ, với hai dãy nhà một lầu song song. Trong sân cư xá có vài chỗ đặt ghế đá và một bồn nước. Hồi nhỏ tôi thường ghé cư xá này chơi với đứa bạn tên là Cu Chảy. Có một căn tôi có dịp vào hồi năm 1975, khi nó đã biến thành nơi sinh hoạt của thanh niên sau khi gia chủ ra nước ngoài.

Bên trong căn này được bố trí gọn gàng, với phòng khách nhỏ có tủ sách, phòng ngủ và bếp. Gia chủ khéo léo làm một gác xép thấp phía trên, sàn lát gỗ rất đẹp. Ở cổng vào cư xá, phía bên trái có cái nhà nhỏ dành cho người bảo vệ khá tươm tất.

Cổng vào cư xá Nha Trước bạ trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ).

Trên đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu) có dãy phố lầu mặt tiền đường. Tầng dưới độc lập với tầng trên. Tầng trên có mấy lối đi vào rồi lên cầu thang. Dãy phía dưới có các tiệm bán tạp hóa như Yến Tân, Phát Vinh, Lê Tấn, nhà may Sài Gòn Tân… Dãy phố lầu này ôm cua qua đường Võ Tánh một đoạn.

Cư xá Chu Mạnh Trinh ở gần ngã tư Phú Nhuận được cả Sài Gòn biết tiếng, không chỉ nhờ trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng mà còn vì đường vào cư xá từ hướng Phan Đăng Lưu có nhiều hàng ăn ngon.

Trên đường Thái Lập Thành có cư xá Thủ Hiến, còn gọi là cư xá Thái Lập Thành của cảnh sát thời trước 1975.

Cư xá Phú Nhuận trên đường Võ Di Nguy nối dài đi Gò Vấp có 92 căn liên kế nằm gần ngã ba Chú Ía.

Khu cư xá đối diện Công ty Ong Mật trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Nguyễn Minh Chiếu cũ), mà xưa là xóm Cải có nhiều rẫy cải của người Hoa, có người cho đây là khu cư xá dành cho của những người làm ngành quan thuế trước năm 1975. Người khác lại khẳng định là của các sĩ quan cấp cao trong Bộ Tổng Tham mưu. Cư xá này xếp vào loại cao cấp vì đường rộng, nhà căn nào cũng rộng, lại có sân, kiểu biệt thự liên kế. Sau năm 1975, nhiều nhà trong cư xá này đổi chủ rất nhiều vì các chủ nhân ra nước ngoài, các căn nhà trong đó trở thành trụ sở của các cơ quan nhà nước, hoặc được cấp cho cán bộ.


Cư xá Nha Trước bạ trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) với hai dãy nhà một lầu song song có kiến trúc mái độc đáo.

Trên đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), từ đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) đi vô vài chục mét phía bên trái có cư xá Ngân Hàng, sạch sẽ yên tĩnh và có cổng bảo vệ, đẹp hơn cư xá Chu Mạnh Trinh. Đi thêm vài trăm mét nữa, cũng ở bên trái thì gặp cư xá Phú Hữu, nhỏ thôi và cũng yên tĩnh, gia đình ca sĩ Thanh Vũ từng cư ngụ nơi đây. Trong cư xá này xưa còn có một nhà in, có gia đình con cháu bà Bút Trà sinh sống.

Đặc biệt, có khu cư xá lớn một phần nằm ở Phú Nhuận và một phần thuộc quận Tân Bình, đó là cư xá Kiến Thiết nằm trên đường Lê Văn Sỹ. Khi tìm hiểu về cư xá này, tôi may mắn đọc được trên trang web “trường giáo lý Tân Hòa” có bài viết “Tân Hòa bắt đầu từ…” của ông Nguyễn Hữu Đắc. Bài viết của ông Đắc kể rõ quá trình hình thành nhà thờ Tân Hòa, bên cạnh đó, còn cho biết thêm về quá trình hình thành cộng đồng dân cư ở khu vực này.

Dãy phố lầu mặt tiền đường Trần Huy Liệu.

Theo ông Đắc, năm 1955, khu Nancy phía Chợ Lớn cháy lớn trong vụ chạm súng giữa quân đội Bình Xuyên và lực lượng Bảo an đoàn của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhiều gia đình ở đây tiêu tan hết nhà cửa. Sau đó, để họ có nơi sinh sống, chính phủ cho xây cư xá Hỏa hoạn Kiến thiết Trương Minh Giảng nằm trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, gần cổng xe lửa số 6 thuộc ấp Tây Nhì, làng Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (sau đổi thành ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định và hiện nay là đường Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận).

Sau khi về đây thuê lại căn nhà được mua trả góp của một gia đình bị hỏa hoạn ở Nancy, ông Đắc tìm hiểu thì được biết Ban Doanh lý Kiến thiết trực thuộc Phủ Tổng thống, trụ sở đặt tại số 60 Đoàn Thị Điểm, Sài Gòn đã dùng khoảng đất này để cất lên những căn nhà trả góp rẻ tiền với bảng hiệu: "Cư xá Hỏa hoạn Trương Minh Giảng". Miếng đất khá rộng, chạy sâu vào tới rạch Nhiêu Lộc, chạy dài tới Cầu Sạn và xa hơn nữa. Phía con rạch thì hầu như để cỏ mọc, phía trên thì trồng các loại rau.

Những người đầu tiên đến ở trong cư xá này hầu hết là các anh tài xế của Ban Doanh lý Kiến thiết, rồi đến những nạn nhân bị hỏa hoạn trong vụ cháy ở Nancy vào năm 1955. Những gia đình bị nạn này đều được mua nhà trả góp với số tiền là 13.000 đồng, trả trước 3.000 đồng, số còn lại sẽ trả tiếp trong vòng 5 năm. Nhiều gia đình đến lãnh nhà rồi khóa cửa để đấy đi nơi khác vì nơi này còn lạnh lẽo hoang vu, thiếu thốn đủ thứ, đường sá lầy lội.

Khu cư xá trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Nguyễn Minh Chiếu cũ), xưa là xóm Cải (do có nhiều rẫy cải người Hoa).

Có một bài tản văn của Mai Thảo trên số xuân Nhâm Tý 1972, tạp chí Khởi Hành, viết rất hay về không gian sống trong một cư xá ở Phú Nhuận, có thể là cư xá mang tên Phú Nhuận trên đường Võ Di Nguy nối dài (nay là Nguyễn Kiệm). Đây là nơi bố mẹ của ông sống những ngày cuối đời sau khi di cư vào Nam, trong khi ông sống một mình tại tòa soạn báo nơi mà ông làm việc ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về thăm nhân ngày giỗ tổ tiên.

Ông viết: “Tôi đọc được những hàng chữ vàng chói lọi nhất của cái hiện tượng truyền tiếp này, mỗi lần giỗ, mỗi ngày Tết về thăm cha mẹ tôi ở căn nhà nhỏ của các người trong một khu chung cư vùng Phú Nhuận. Chúng tôi trưởng thành, đứa nọ theo đứa kia, đã cất cánh, đã bay xa. Cha mẹ tôi ở một mình. Cái thế giới thu nhỏ của các người bây giờ là một thế giới vắng lặng. Các bạn có đọc đoản thiên ‘Les Vieux’ của Alphonse Daudet? Đoản thiên tuyệt tác ấy nói đến những ngưng đọng, những tịch mịch, những cõi lặng lờ không tiếng gần như dị thường của tuổi già. Những giải nắng lim dim trên những bờ thềm thiêm thiếp. Màn rũ cùng bóng tối. Sân nhỏ rêu phong. Cánh cửa khép hờ. Và kẻ thăm viếng trang trọng nhất cũng nghĩ mình là một kẻ phá rối.

Ngôi nhà cha mẹ tôi đã sống an nhiên phần đời còn lại của các người, cũng tạo cho tôi cái cảm giác tương tự như vậy, mỗi lần trở về. Tôi nghĩ đến một cái am. Đến một ngôi đền. Với những cuộc đời hình bóng nhẹ tênh sống đĩnh đạc giữa quá khứ dịu dàng vây bọc. Ngôi nhà cũ, ở đó biết bao nhiêu đời sống đã khôn lớn, rồi đã bỏ đi, sau mỗi năm lại chìm thêm vào lặng lẽ. Buổi sáng như buổi trưa, buổi trưa như buổi chiều, không một tiếng động nhỏ. Lũ bàn ghế đứng nguyên một chỗ cũ, hết năm này sang năm khác. Chiếc đồng hồ trên tường, mười năm trước tới năm này, vẫn thả xuống cái bình không khí tĩnh từng ấy âm thanh. Vẫn những cây nến trên mặt bàn thờ. Vẫn những thẻ hương trong lòng bát cổ.

Ngoài vườn, vẫn cái bể non bộ cũ. Đem từ Bắc vào, treo trên một đầu cột, vẫn tấm gương tôi đã soi khuôn mặt trẻ thơ của mình những ngày xưa. Và sự truyền tiếp, vô hình mà rực rỡ, tôi nhìn thấy tụ đọng, hiển hiện, trên từng xó góc một”.

Cư xá Phú Nhuận, một loại nhà ở gắn bó với nhiều người con của Phú Nhuận. Cũng là một mảnh tình trong tâm hồn nhà văn Mai Thảo, bậc thầy viết tản văn của miền Nam.

Bài: Phạm Công Luận - Ảnh: Trung Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét