22 thg 4, 2023

Tái hiện Lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái

Lễ hội Chá Mùn được xem là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái đen (Thanh Hóa) với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui.

Theo truyền thuyết, xưa kia ở bản làng Mường Lúm đất đai cằn cổi, hạn hán kéo dài, người dân đói khổ, vất vả, thường xuyên bị dịch bệnh, ốm đau triền miên, không có thuốc để chữa bệnh. Để cứu giúp dân làng, đồng bào dân tộc Thái đã cử người lên Mường Trời cầu cứu Pó Then.

Lời kêu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và ra lệnh mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ tà ma, chữa bệnh cứu giúp dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, bản làng yên ấm. Và cứ vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lúm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ hội Chá Mùn. 

Thày mo làm lễ Chá Mùn

Các Lúc May (con bệnh) và dân bản, đã được ông Mo cứu giúp, và họ đến để cùng cảm tạ thần Hoàng, các đấng thần linh và tổ tiên đã cho họ cuộc sống bình yên và sức khoẻ. 

Lễ vật dâng lên Pó Then là những sản vật hàng ngày do dân làng trồng trọt, chăn nuôi. 

Thầy Mo phát lộc, phát thuốc chữa bệnh cho dân bản.

Sự khéo tay của các nghệ nhân người Thái đã đan kết nên hình các loại vật, gọt tạo các loài hoa trang trí trên cây bông của lễ hội.



Sau khi ông Mo đã xin được thần linh chứng giám, phần hội bắt đầu được diễn ra. Dân bản nhảy múa, ca hát. 

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Thông qua lễ hội Chá Mùn là nơi mọi người trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiêm ngưỡng cây bông, chuẩn bị cho tinh thần để đón chào một mùa xuân mới.

Lê Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét