Cá kho làng Vũ Đại
Nhắc đến đặc sản Hà Nam, người ta không thể không kể đến món cá kho làng Vũ Đại vô cùng nổi tiếng, từng được chọn làm món tiến Vua thời xưa và ngày nay được thực khách “sành ăn” săn đón, nhất là vào dịp Tết.
Món ăn này sử dụng các nguyên liệu chính là cá trắm đen, thịt ba chỉ và các gia vị đồng quê. Mỗi niêu cá được kho trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trên bếp củi.
Món cá kho làng Vũ Đại được bày trong niêu đất, theo chân người Việt đi khắp trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau (Ảnh: Nina Mây).
Nghe tuy đơn giản nhưng để làm nên món cá kho ngon đòi hỏi người dân làng Vũ Đại phải có kinh nghiệm, tay nghề khéo léo, cẩn thận từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến quá trình chế biến kỳ công.
Cá kho thành phẩm ngon, đạt chất lượng khi có màu nâu cánh gián bắt mắt, xương cá mềm nhừ, thịt cá chắc và không còn mùi tanh.
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng cũng là một trong những đặc sản được ưa chuộng, du khách truyền tai nhau nhất định phải thưởng thức một lần nếu có dịp du lịch Hà Nam.
Theo người dân địa phương, món ăn này cũng từng được dâng lên tiến Vua và dần trở nên nổi tiếng nhờ phần nước dùng ninh từ xương cá rô có hương vị “ngon từ thịt, ngọt từ xương” đặc trưng, khó hòa lẫn với món bún nào khác.
Cá rô được sơ chế sạch sẽ rồi đem rim cho ngấm đều gia vị, không mang chiên hay rán nên ăn không ngấy và vẫn giữ được hương vị ngọt thanh. Bún cá rô được nấu cùng rau cải, rau ngót hay rau cần, tùy theo mùa (Ảnh: Quỳnh Nấm).
Mỗi suất bún đầy đặn gồm bún, thịt cá mềm, nước dùng và ăn kèm chút rau cải (hoặc rau cần), rau thơm. Rau cải phải chọn loại cải ngọt hoặc cải canh thì mới dung hòa được độ béo ngậy từ thịt cá rô, tạo cho món ăn có hương vị hấp dẫn.
Tới Hà Nam, du khách có thể thưởng thức bún cá rô đồng ở thành phố Phủ Lý tại một số địa chỉ như bún cá Phủ Lý (số 157 Trần Hưng Đạo), bún cá Hiền Hòa (196 Nguyễn Văn Trỗi),… Giá cho mỗi suất bún cá khoảng 25.000 – 30.000 đồng.
Bánh cuốn Phủ Lý
Khác với bánh cuốn của nhiều địa phương khác, bánh cuốn Phủ Lý được tráng 2 lớp mỏng bằng bột gạo tám xoan. Người dân nơi đây còn làm ra hai loại bánh cuốn là bánh cuốn mộc (hay còn gọi bánh cuốn trần, bánh cuốn không nhân) và bánh cuốn nhân mộc nhĩ để chiều lòng thực khách.
Bánh cuốn Phủ Lý được thưởng thức cùng hành phi thơm lừng, ăn kèm nước mắm chua ngọt và chả lụa hoặc chả nướng. Dù vào bất kỳ buổi nào trong ngày, món bánh này cũng đều được ưa chuộng, hấp dẫn từ người già đến trẻ em.
Bánh cuốn Phủ Lý là món ăn dân dã nhưng ngon, nổi tiếng không kém các đặc sản khác trong vùng, lại có giá thành rẻ chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/suất (Ảnh: Vân Anh).
Nếu có dịp ghé thăm vùng đất Phủ Lý, du khách có thể tìm và thưởng thức món bánh cuốn nổi tiếng nơi đây tại một số địa chỉ quen thuộc như bánh cuốn chả Linh Chi (Số 5 Trần Phú), bánh cuốn chả Hương Định (120B Quy Lưu), bánh cuốn chả Thái Thắng (273 Lý Thường Kiệt),…
Mắm cáy Bình Lục
Ở Hà Nam có một loại mắm khá nổi tiếng với hương vị đặc trưng vừa hăng vừa cay, mùi thơm nồng và được cả người dân địa phương lẫn thực khách yêu thích. Đó chính là mắm cáy Bình Lục.
Mắm cáy Bình Lục chấm kèm một số món rau luộc như rau muống, rau khoai lang,… đều đưa cơm (Ảnh: Bách hóa Xanh, Vinpearl).
Cáy sau khi bắt về được đem rửa thật sạch rồi tới công đoạn lột yếm, bóc trắng và giã nhuyễn. Trong quá trình giã, người ta sẽ nêm muối tinh, riềng và gừng đập dập.
Ngay sau khi mắm đã được trộn một lượng muối vừa phải, tiếp tục đem mắm ủ kín trong vại và phơi cho tới khi mắm chín. Món mắm cáy thành phẩm có màu cánh gián bắt mắt, dậy mùi thơm cửa riềng, vị mặn mòi của muối và chút cay nồng của gừng,…
Bánh chưng làng Đầm
Là một trong 5 làng nghề gói bánh chưng nổi tiếng bậc nhất miền Bắc, làng Đầm (thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) có nghề truyền thống làm bánh chưng đã kéo dài hàng trăm năm. Đây là món đặc sản Hà Nam chất chứa vị thơm của gạo nếp, vị bùi của đỗ xanh hòa quyện chút béo ngậy, đậm đà của thịt lợn.
Cùng với những nguyên liệu dân dã, quen thuộc ở quê nhà như đậu xanh, thịt lợn, người dân làng Đầm đã làm nên món bánh chưng dẻo thơm, đậm đà, nức tiếng gần xa (Ảnh: Traveloka).
Ở làng Đầm, người địa phương làm bánh chưng từ gạo nếp của vùng đất Hải Hậu (Nam Định), trộn với nếp cái hoa vàng để bánh rền, dẻo, không lại gạo và khi ăn không bị nóng trong người.
Đặc biệt, món bánh chưng làng Đầm không dùng nước giếng để nấu mà phải nấu bằng nước mưa. Thêm vào đó, nồi luộc cũng phải dùng loại bằng tôn để cho ra những mẻ bánh ngon nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét