22 thg 4, 2023

Viếng Đình thần Nguyễn Trung Trực

Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được khởi dựng cuối thế kỷ XIX và trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2004, được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đình không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân mà còn là "chứng nhân" của nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử Đảng bộ địa phương.

Theo các tài liệu còn lưu lại, Đình thần Nguyễn Trung Trực được khởi dựng cuối thế kỷ XIX, trên một khuôn viên đất rộng bên bờ kênh Long Phú, hiện tọa lạc tại ấp 1, thị trấn Long Phú. Đình thần Nguyễn Trung Trực với lối kiến trúc rất đặc trưng của các ngôi đình làng Nam Bộ (cổng đình, sân đình, gian trước, gian giữa, chính điện…). Khi bước vào sân đình, khách sẽ đi qua cổng tam quan có biển khắc tên “Đình thần Nguyễn Trung Trực”. Các trụ cổng hai bên có các câu đối: “Thuở thiếu thời vì dân diệt bạo - Thác thành thần oai trấn an dân” và “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa - Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Đi tiếp vào bên trong sân đình, khách sẽ bắt gặp pho tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực đứng uy nghi trong trang phục võ tướng, tay phải cầm đốc kiếm. Phía trước là 1 long đỉnh dùng thắp nhang, 2 con chiến mã, cây cảnh bao quanh càng làm tôn vẻ đẹp rạng ngời của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Vào trong chánh điện, trên vòm cửa cái có treo biển gỗ với 4 chữ “Trị quốc an dân”, 2 cột hai bên khung cửa là 2 câu đối “Trung hiếu anh hùng nêu cao đất Việt - Trực tâm kháng chiến chói rạng trời Nam”. Trong đình có một giá gỗ trang trọng nêu bản sơ lược tiểu sử liệt thần Nguyễn Trung Trực, trên bệ thờ tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực được đắp bằng xi măng kích thước bằng người thật đang ngồi đĩnh đạc, mình mặc võ phục, tay cầm đốc kiếm, tư thế trông thật uy nghi, lẫm liệt.

Đình thần Nguyễn Trung Trực với lối kiến trúc rất đặc trưng của các ngôi đình làng Nam Bộ. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ông Trần Văn Vui - Hội Trưởng Ban hội Đình thần Nguyễn Trung Trực cho biết: “Đình được sắc phong thần vào thời kỳ Cần Vương triều Nguyễn, nhưng do hỏa hoạn bị cháy. Sau đó, Ban Hương chức cử ông Nguyễn Ngọc Học mang sớ ra triều đình Huế, được vua Khải Định chuẩn y phê lại sắc phong cho đình. Ngôi đình đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Nhiều lễ cưới khi rước dâu ngang qua đình đều vào thắp nén nhang như là để tưởng nhớ đến các vị tiền nhân có công với quê hương xứ sở và mong muốn được sự bảo vệ của các đấng bề trên”.

Theo các kỳ lão, Đình thần Nguyễn Trung Trực có liên quan đến sự kiện trọng đại trong lịch sử Đảng bộ địa phương, đó là vào một buổi sáng mùa xuân năm 1931, trong căn nhà nhỏ trước chợ Giếng Nước cách đình khoảng 300m, Chi bộ Cù Lao Dung chính thức được thành lập. Để đảm bảo bí mật lúc làm lễ, đồng chí Đoàn Thế Trung tổ chức trận đấu võ đài tại sân đình, nhằm thu hút sự chú ý của bọn tề điệp, lính làng, nhờ đó buổi lễ diễn ra được an toàn. Năm 1945, thực dân Pháp dẫn lính đến bao vây thiêu hủy toàn bộ ngôi đình, sau đó dân làng đóng góp xây dựng lại. Năm 1964, đình được trùng tu, tôn tạo để ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời, để xứng đáng tôn thờ vị liệt thần của dân tộc cho muôn đời con cháu noi gương.

Ông Trần Văn Vui - Hội Trưởng Ban hội Đình thần Nguyễn Trung Trực thông tin: “Đình thần Nguyễn Trung Trực được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Mỗi năm 1 lần, lễ kỳ yên (cúng đình) Đình thần Nguyễn Trung Trực diễn ra trong thời gian từ ngày 15 - 18/3 (âm lịch)”. Theo đó, nghi thức thỉnh sắc thần diễn ra vào trưa ngày 15/3 (âm lịch), tối cùng ngày là nghi thức khai kinh tụng cầu an. Đình thần Nguyễn Trung Trực chính thức khai hội vào ngày 16/3 (âm lịch) với việc tiến hành lễ cúng tế theo nghi thức cổ truyền. Đáng chú ý là lễ xây chầu diễn ra lúc 19 giờ cùng ngày với ước mơ bốn mùa hoa nở để nhân dân trong vùng no ấm, làm ăn tấn tới và vụ mùa bội thu. Sang ngày 17/3 là lễ cúng tưởng niệm các tử sĩ hy sinh vì Tổ quốc, lễ cúng hậu hiền; đến 24 giờ ngày 18/3 là lễ tôn vương và kết thúc lễ kỳ yên. Trong các ngày diễn ra lễ hội đều có biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ vào các buổi tối.

Trong mùa kỳ yên, có đến vài nghìn lượt bà con trong và ngoài thị trấn tập trung tại đây vào mỗi buổi tối. Tất cả tạo nên không khí náo nức, nhộn nhịp của ngày hội làng quê. Anh Văn Công Phú, ngụ thị trấn Long Phú chia sẻ: “Vào mỗi dịp cúng đình, bà con đến thắp nhang đông lắm. Bà con mang đến đây các lễ vật, thành tâm cúng bái các tiền nhân đã có công với xóm làng và cầu mong có cuộc sống sung túc, quốc thái dân an”.

Đình thần Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Long Phú không những là một di tích lịch sử văn hóa, mà còn là nơi lưu lại sự kiện thành lập Chi bộ Cù Lao Dung, sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Đảng bộ huyện Long Phú, Cù Lao Dung. Di tích này trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

HOÀNG PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét