2 thg 6, 2022

Cọc đá cầu được ước thấy giữa hồ thủy điện Na Hang

Với người Tày trong vùng, Cọc Vài (Vài Phạ) rất linh thiêng, ai đi thuyền đến đây đều xin một điều ước.

Cọc Vài cao 50 m, là một cột đá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện Na Hang, thuộc xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Địa danh này nổi tiếng với truyền thuyết chàng Tài Ngào cứu trâu trời và lòng hiếu thảo của người con dành cho mẹ. Du khách đi thuyền dạo ngang cột đá còn được hướng dẫn viên bản địa gợi ý nên xin một điều ước cho bản thân hoặc gia đình, vì đây là nơi linh thiêng, may mắn.

Cọc Vài sừng sững giữa lòng hồ thủy điện Na Hang. Ảnh: Huỳnh Nhi

Trong tiếng Tày, Cọc Vài nghĩa là cọc buộc trâu trời. Theo lời kể người xưa, Tài Ngào là một chàng trai khổng lồ, chăm chỉ, chịu khó. Năm đó hạn hán kéo dài, chàng quyết đắp đập, giữ nước giúp dân làng. Ngày ngày, chàng ra sức dồn đá từ chân núi Pắc Tạ ngược lên vùng Đức Xuân, Thúy Loa vì nơi này có lòng sông hẹp mà hai bên núi cao sừng sững. Lúc ấy, có chú trâu trời đi lạc xuống trần gian và bị nước cuốn, Tài Ngào thấy vậy liền cứu trâu, lấy dây thừng buộc trâu trời vào cọc đá vôi cao mà mình mới đắp.

Khi công việc đắp đập gần hoàn thành thì có một kẻ xấu trong vùng muốn ra tay cản trở, nói dối với Tài Ngào mẹ chàng đã ốm nặng và qua đời. Chàng tưởng thật nên làm quan tài bằng đá về chôn cất mẹ. Đến nhà, thấy mẹ đang ngủ say, Tài Ngào tưởng mẹ đã chết liền lấy tay vuốt mắt mẹ, nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương khiến mẹ tắt thở.

Thương mẹ, Tài Ngào khóc thảm, nước mắt chảy thành sông làm cuốn trôi quan tài và thi thể mẹ. Thi hài người mẹ trôi mất không tìm thấy, còn quan tài thì vướng lại bãi đá nơi Tài Ngào đắp đập dở. Đá ùn trên dòng sông, vào mùa cạn, thuyền qua lại nơi này gặp khó khăn vì có nhiều đá. Còn Cọc Vài hay Vài Phạ là nơi Tài Ngào buộc trâu trời xưa.

Cảnh đẹp trên hồ thủy điện Na Hang không kém cạnh hồ Ba Bể hay Vịnh Hạ Long. Ảnh: Huỳnh Nhi

Chị Đinh Trà My, cán bộ Ban quản lý các khu du lịch Tuyên Quang, cho biết ngày xưa để đến được Cọc Vài rất gian nan, nay việc di chuyển đã thuận tiện hơn, nhưng cách duy nhất là đi bằng thuyền.

"Khi thuyền đi trên sông Gâm tới khu vực Cọc Vài, tôi đều gợi ý khách xin một ước nguyện cho bản thân hoặc người thân về sức khỏe, bình an, công danh, sự nghiệp... vì đây là cọc đá linh thiêng và may mắn của người Tày. Có khách chưa có con trai, con gái thì đến đây nguyện ước, đều thành hiện thực", chị My nói.

Để đến Cọc Vài, từ Hà Giang, bạn có thể xuất phát tại bến thuyền gần cầu treo Thượng Tân, huyện Bắc Mê rồi xuôi dòng sông Gâm tới Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Hành trình kéo dài khoảng 5 giờ. Du khách cũng có thể khởi hành từ bến thuyền Thượng Lâm, hành trình sẽ ngắn hơn.

Dọc đường, cảnh quan kỳ vĩ trên dòng sông Gâm huyền thoại lần lượt xuất hiện trước mặt du khách, những khối núi đá mang hình thù kỳ lạ, những cánh rừng nguyên sinh hai bên bờ với hàng vạn cây gỗ hiếm, những ngọn thác đổ trắng xóa đêm ngày suốt bốn mùa.

Du khách dùng bữa trưa trên thuyền theo tour do Công ty lữ hành Vietravel khai thác, với các món ăn từ tôm, cá được đánh bắt hoặc nuôi trên hồ thủy điện Na Hang. Trong đó, cá lăng nấu chua, hấp, phi lê cá trộn chua ngọt... là món được du khách yêu thích. Khách theo đoàn có thể chọn thực đơn theo set menu 100.000-200.000 đồng/người. Ảnh: Huỳnh Nhi

Hiện giá thuyền du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang có giá khoảng 1,5 triệu đồng cho thuyền 30 khách. Ngoài ra, du khách có thể tham khảo tour Huyền thoại Sông Gâm - Đông Bắc. Khách trải nghiệm hành trình 6 ngày 5 đêm từ Tuyên Quang - Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc - Lũng Hồ - Du Già - Lòng Hồ Lâm Bình và Na Hang với giá 9,79 triệu đồng một người.

Huỳnh Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét