18 thg 7, 2019

Vương vấn bánh ống quê

Chập choạng, chiếc xe xay bánh ống của anh Đinh Văn Hổ (37 tuổi) nổ lạch cạch giữa dòng người qua lại. Bao năm, trên chiếc xe cũ kỹ ấy, anh Hổ “lang bạt” khắp nơi mưu sinh bằng nghề xay bánh ống...

Ký ức tuổi thơ
Chiều buông nhanh, ở góc đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), bỗng dưng có tiếng máy nổ chan chát, gây sự chú ý đối với mọi người. Những chiếc bánh ống, bắp sấy mới xay nóng hổi, giòn rụm, tỏa mùi thơm ngào ngạt, làm cho chúng tôi nhớ về ký ức tuổi thơ. Hồi nhỏ, ở quê nghèo khó, chẳng có quà xa xỉ như chốn thị thành. Chỉ cần nghe tiếng máy nổ lạch cạch từ xa, cả xóm chộn rộn mang gạo, bắp đến xếp hàng chờ xay bánh ống, bắp sấy rất vui nhộn. Ngày nay, giữa phố thị ồn ào náo nhiệt vẫn còn hiện hữu chiếc xe xay bánh ống “chân quê”, cuốn hút trẻ thơ và người lớn đến mua rất đông. 

Vợ chồng anh Hổ xay bánh ống, bắp sấy bên hè phố 

Xe vừa đổ dốc cầu, thấy những chiếc bánh ống mới “ra lò”, sấp nhỏ đòi nằng nặc, chúng tôi ghé lại mua một bịch bắp sấy. Sau khi hỏi han mới biết, anh Hổ quê ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú). Cái nghề xay bắp sấy, bánh ống đã gắn chặt với cuộc đời anh hơn 20 năm ròng rã. Nghề này được cha ông truyền lại nên anh cố gắng bám lấy để mưu sinh. Anh Hổ bày tỏ: “Ngày trước, gia đình tôi không có ruộng đất, chủ yếu sống bằng nghề rang bắp nổ. Thấy làm ăn được, hàng xóm bắt chước học theo. Từ đó, nghề rang bắp nổ “ế” dần, tôi mới sáng chế chiếc máy này để tiện cơ động đó đây, xay bắp sấy và bánh ống cho bà con thưởng thức”. Nhắc về thời quá khứ của nghề rang bắp nổ, anh Hổ nói thêm, người dân trong xóm mở lò rang bắp quá nhiều, vậy mà vẫn bán chạy. Thế nhưng sau đó, nhiều xưởng sản xuất bắp nổ ngào đường ra đời chiếm lĩnh thị trường làm cho nghề này dần may một.

Bôn ba khắp nơi

Trên chiếc xe xay bánh ống, vợ chồng anh Hổ bôn ba tứ xứ. Khi bánh ống bán chậm ở quê nhà, vợ chồng anh Hổ chuyển sang các địa phương khác để mưu sinh. Thậm chí, anh còn lên tận tới tỉnh Bình Dương xay bánh ống và bắp sấy để bán cho công nhân. Rày đây mai đó, lang bạt xứ người nên hiếm khi anh Hổ có mặt ở nhà. Đôi lúc nhớ con, nhớ nhà, vợ chồng anh Hổ “bấm bụng” chịu đựng. “Tui có 2 đứa con, đứa lớn đang học cấp II, đứa nhỏ ở nhà với ông bà nội. Nhiều lúc, đêm mưa nhớ con đứt ruột, nhưng vì cuộc sống mưu sinh phải cố gắng chịu đựng” - anh Hổ ngậm ngùi. 


Chiếc xe xay bánh ống của anh Hổ như căn nhà di động. Trên xe anh chất đủ thứ đồ, nào nồi niêu, xoong chảo. Đi đến đâu ăn ngủ đến đó. Lúc nào xe “cà tịch cà tang” vào phố thị thì vợ chồng anh mới tạm thuê nhà trọ để trú ngụ qua đêm. Gia tài duy nhất của vợ chồng anh Hổ chỉ là chiếc xe xay bánh ống cũ rích. Nhờ vậy mà gia đình anh có đồng ra, đồng vô hàng ngày. “Vợ chồng tôi gặp nhau từ cái nghề xay bánh ống. Hồi đó, gia đình tôi nghèo, chỉ sống bằng nghề xay bánh ống. Vợ tôi là người dân ở xóm thấy tôi siêng năng, chịu khó nên ưng bụng và đồng ý cưới hỏi, rồi theo xay bánh ống cho tới bây giờ” - anh Hổ cười khà.

Hôm thấy vợ chồng anh Hổ chăm chú cắt từng khúc bánh ống mới ra lò thật đều tay, chúng tôi cảm nhận được sự chịu khó của họ. Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, đủ sống qua ngày, chẳng dư dả gì. Theo tính toán của anh Hổ, 1kg bắp khô 25.000 đồng. Nếu mua được nguồn bắp tốt, hạt chắc thì xay ra được 10 bọc bắp sấy, bán với giá 10.000 đồng/bọc. Trong khi đó, chi phí xay được 1kg bắp phải tốn ít nhất 25.000 đồng tiền dầu. “Mỗi ngày, vợ chồng tôi xay bình quân khoảng 5kg bắp. Nếu hôm nào bán đắt, xay tới 10kg bắp, bỏ sở hụi kiếm được 100.000 đồng” - anh Hổ trần tình.

Ngày nay, giữa phố thị ồn ào, những chiếc bánh ống “rặt quê” được sản xuất ra từ chiếc máy xay “made in nông dân” vẫn còn sức hút lạ kỳ đối với người xa xứ.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét