6 thg 8, 2016

Ði chợ Gò - Tà Mau (An Giang)

Từ đồn biên phòng của cửa khẩu Tà Mau, xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Ðốc đi bộ để đến chợ Gò bên kia biên giới Campuchia chỉ khoảng 800m. Thấp thoáng trên cánh đồng lúa là những đoàn người gùi hàng hoá từ chợ Gò về, gùi phân bón để đi làm đồng... và có cả những người rảnh rỗi, đi qua chợ Gò chơi để chọn mua một vài mặt hàng rồi xách tay mang về.

Chỉ cần bỏ ra 1.000 đồng tiền Việt, bước lên chiếc ghe để băng qua con kênh mà chiều rộng chỉ nhỉnh hơn chiều dài chiếc ghe một chút là vào chợ. Còn nếu đi qua cầu cách nơi ghe đậu chừng vài chục mét, trước mặt tháp canh có anh lính Campuchia đứng gác thì phải tốn 5.000 đồng mua vé.


Cầu qua chợ Gò, thu phí 2.000 đ/lượt/người qua


Chợ quê

Tiếng là chợ, nhưng trên cái gò đất rộng chừng hơn mẫu đất này là khoảng 30 ngôi nhà sàn. Mỗi căn nhà có bề rộng chừng trên dưới 10 mét, bề dài dễ chừng lên tới hai ba chục mét. Trên tường, cột của tầng dưới nhà sàn vẫn còn in những ngấn nước cao quá đầu người của những đợt lũ hàng năm. Chợ không có bán đồ ăn gì, chỉ có một quán nước giải khát nằm ở đầu chợ.

Thoạt nhìn thì chợ như là một cụm dân cư vùng biên, không thấy hàng hoá gì; nhưng bước lên khỏi chiếc cầu thang thật dốc, cao chừng hai mét của các căn nhà là có thể bắt gặp những kho hàng đầy ắp. Tivi, đầu máy, máy cassette, máy ảnh, điện thoại di động, quần áo... Mỗi kho chỉ chứa một vài loại hàng, có kho chứa toàn đầu máy, tivi cũ. Có kho chỉ chứa máy tính xách tay và điện thoại hay các loại rượu ngoại, đầu video, cassette, camera hay quần áo... Chỉ quan sát các kho bên ngoài thì trừ rượu, tất cả đều là hàng cũ. Nhưng nằm khuất sâu bên trong là mấy kho chứa toàn hàng mới. Máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa... có đủ.

Hàng "năm ăn năm thua”


Khách lựa hàng trong chợ

Khi bạn sục sạo hết kho hàng này đến kho hàng khác, nhưng dường như các chủ hàng không hề quan tâm là khách lạ hay quen. Họ cũng sẵn lòng trả lời về giá cả, tính năng, xuất xứ của hàng... Giá hàng hóa ở đây rẻ đến không ngờ. Một chiếc tivi 21 inch, màn hình phẳng hay cong giá cũng đồng hạng 600.000đ, tivi loại xách tay giá 120.000 đồng/cái. Xe đạp leo núi có hai loại, có loại 600.000 đồng, có loại giá 1.000.000 đồng. Máy tính xách tay có cái chỉ 350.000 đồng một cái, nhưng toàn máy đời cũ, khổ dày.

Ðiều đáng nói là hầu hết hàng hóa điện tử, máy móc ở đây, khi mua dù một chiếc hay nguyên cả lô cũng đều mua theo kiểu may rủi. Không được thử. Chỉ trừ có máy tính xách tay, có một nơi cho thử nhưng lại bán giá cao gấp ba lần: 1.000.000 đồng/chiếc.

Một tay buôn đang lựa chọn hàng hóa để mua cho biết: hàng ở đây là hàng câm điếc, mua theo kiểu hên xui nên chỉ có những tay buôn đánh về nguyên lô xong giao cho thợ tháo qua ráp lại cái còn ngon thì bán nguyên chiếc, số còn lại thì tháo ra làm phụ tùng và cả bán phế liệu.

Mặc dù mua hàng "năm ăn năm thua”, nhưng theo nhà buôn này, hồi đó đi hàng lời hơn, vì các kho hàng ở đây chưa có nhiều thợ chuyên môn. Họ mua sao bán vậy nên mình mua hàng rủi ro ít. Dạo này ở đây đã có thêm một số thợ điện tử, chuyên tháo các linh kiện bo mạch có giá trị ra để bán riêng nên thương lái không có kinh nghiệm là dễ bị mất vốn.

Trích từ Chợ Việt Nam trên Max Reading. Ảnh: Báo Vĩnh Long online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét