13 thg 8, 2015

Thăm Di tích đồng Nọc Nạng

Ở nơi diễn ra cuộc nổi dậy của anh em Mười Chức trên cánh đồng Nọc Nạng (xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cách đây gần một thế kỷ hiện đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về công cuộc đấu tranh của nông dân Nam Bộ, chống lại chế độ cai trị hà khắc của thực dân và phong kiến. 

Xưa kia Giá Rai là vùng đất hoang vu toàn là sình lầy với rừng tràm, lau sậy và đầy cỏ dại. Khi những lưu dân đầu tiên đến đây khai khẩn đã phải chặt cây làm nọc đóng xuống sình rồi gác nạng lên để làm nhà nhằm tránh thú dữ và rắn độc và cái tên Nọc Nạng đã ra đời như thế.

Cũng từ địa danh này, lịch sử đã ghi nhận một sự kiện vào năm 1928 vang động cả Đông Dương, đó là cuộc nổi dậy của gia đình anh em nông dân Mười Chức chống chính quyền thực dân và bè lũ tay sai.

Vào đầu những năm 1900 của thế kỷ trước, Hương chánh Nguyễn Thành Luông được cha mình để lại 73ha đất khai phá thuộc khu rừng ở rạch Nọc Nạng. Năm 1912, Hương chánh Luông làm đơn xin đo đạc - cấp bằng khoán cho toàn bộ diện tích 73ha và đã được chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, có cả tờ bản đồ phần đất. Sau đó, con trai ông là Nguyễn Văn Toại (còn gọi là Biện Toại) tiếp tục thừa kế phần đất khi ông qua đời.

Một góc nhà lưu niệm trong khu di tích. Ảnh: Lê Minh

Khu mộ phần gia đình anh em nông dân Mười Chức trong khu di tích. Ảnh: Lê Minh

Không gian bình yên tại khu di tích. Ảnh: Lê Minh

Những con đường rợp bóng cây xanh chạy quanh khu di tích. Ảnh: Lê Minh 

Khu di tích Nọc Nạng bao gồm nhiều hạng mục khác nhau như: Nhà lưu niệm - nơi trưng bày các hiện vật trong cuộc đấu tranh năm xưa; Mô hình cánh đồng - tái hiện lại cảnh sinh hoạt của nông dân Bạc Liêu cách đây một thế kỷ; Mô hình đấu tranh của nông dân Bạc Liêu chống bọn địa chủ và thực dân - tái hiện lại sự kiện Nọc Nạng năm 1928. Và phần còn lại là khu mộ của gia đình ông Mười Chức.
 Năm 1917, Bang Tắc, một Hoa kiều giàu khét tiếng ở Bạc Liêu đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt đất nhà Biện Toại. Vụ tranh chấp đất giữa hai bên nổ ra và qua nhiều lần xét xử, gia đình Biện Toại thua kiện bởi Bang Tắc chi tiền lót tay cho nhà chức trách. Sau đó, phần đất này được Bang Tắc bán cho người nhà quan phủ. Nghịch lý xảy ra là người chủ mới bắt anh em Biện Toại phải nộp địa tô ngay trên mảnh đất của chính họ.

Sự kiện đã xảy ra khi lính mã tà (phiên âm theo tiếng Malaysia là lính canh tuần - PV) đến nhà anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa trong 2 ngày 13 và 14/2/1928. Như giọt nước tràn ly, anh em Biện Toại đã bàn định trước với quyết tâm bảo vệ mảnh đất máu thịt.

Sáng 16/2/1928, khi quan lính đến tịch thu lúa, anh em Biện Toại dùng dao, mác, gậy gộc xông ra quyết chiến. Hậu quả, bốn người em của Biện Toại là Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ Mười Chức đang mang thai) bị bắn tử thương. Một lính Pháp bị Mười Chức đâm thủng bụng.

Sự kiện gây chấn động cả nước thời bấy giờ và anh em Biện Toại được tòa xử thắng kiện. Để ghi lại chiến công oanh liệt của họ nói riêng và nông dân Nọc Nạng nói chung, ngày nay tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Khu di tích đồng Nọc Nạng trên một khuôn viên rộng lớn, tái hiện những cảnh sinh hoạt và cảnh đấu tranh của nông dân Bạc Liêu năm xưa.

Tượng anh em nhà Mười Chức trong nhà lưu niệm của khu di tích. Ảnh: Lê Minh

Tái hiện cảnh anh em nhà Mười Chức khẩn hoang trên cánh đồng Nọc Nạng. Ảnh: Trọng Chính

Tái hiện lại cuộc nổi dậy của gia đình anh em nông dân Mười Chức chống chính quyền thực dân và bè lũ tay sai. Ảnh: Trọng Chính

Cụm phù điêu tái hiện cảnh anh em nông dân Mười Chức đâm chết tên cò Tournier. Ảnh: Trọng Chính


Một góc trưng bày những dụng cụ lao động thường ngày của gia đình anh em nông dân Mười Chức ở nhà lưu niệm trong khu di tích. Ảnh: Trọng Chính

Một góc nhà lưu niệm trong khu di tích. Ảnh: Lê Minh 

Câu chuyện về tinh thần quật khởi trên cánh đồng Nọc Nạng còn được nhiều người biết đến khi trở thành một điển tích về lịch sử khẩn hoang Nam Bộ và được lấy làm hình mẫu trong nghệ thuật điện ảnh, cải lương như vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạng” của Phạm Ngọc Truyền và phim "Đồng Nọc Nạng".
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét