25 thg 8, 2015

Mùa cá hấp

Dọc Đường xuyên Á xuống những xã vùng biển bãi ngang Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) vào mỗi độ tháng 4, tháng 5 kéo dài đến hết mùa nắng là mùa hấp, phơi cá.

Giữa trời nắng và gió như gắp than đổ vào lồng ngực của khách bộ hành, nhưng ven đường, nơi lò hấp, đôi tay vén khéo của người đàn ông, phụ nữ vùng biển vẫn tất bật với từng mẻ cá khô đượm mùi biển cả. Để từ đó, từng con cá theo bước chân của khách thương hồ di vạn nẻo đường xa.

Đã gần chục năm nay, nghề hấp và phơi cá là công việc thường nhật của người dân vùng biển Cửa Việt. Công việc này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Loại cá được hấp phơi đa phần là cá nục, có kích thước tương đương hai ngón tay người lớn. Cá tươi sau khi đánh lên, hấp sơ qua nước nóng, sau đó phơi dưới trời nắng.

Cá phơi được nắng, hong được gió sau hai đến ba lượt thì được bẻ đầu, đóng gói và xuất đi các thị trường trong và ngoài nước. Đã từ lâu, công việc này đã tạo công ăn việc làm và tạo thu nhập cho nhiều người dân bãi ngang ven biển ở Quảng Trị.



Vào khoảng tháng ba hằng năm, hàng chục hộ dân thị trấn Cửa Việt và một số xã lân cận bắt đầu vào mùa phơi cá.


Công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn và sức chịu đựng cao - lại dành cho những người phụ nữ


Những lò nấu nước được xây ngầm và đun bằng củi. Một chủ vựa thường có ít nhất là 2 lò và cao nhất là 5. Việc chi phí xây dựng lò, phòng lạnh bảo quản suýt soát chín con số.



Công việc của những người phụ nữ này phần đa đều diễn ra dưới cái nắng như thiêu như đốt.

 Thường cá được phơi trong vòng ba lượt nắng là đạt chất lượng.

Cá nục được rửa sạch, ướp muối trong khoảng 30 phút. "Chất lượng sản phẩm phụ thuộc phần lớn ở nguyên liệu đầu vào, nếu cá tươi thì sẽ thơm và thịt chắc, còn không thì ngược lại. Hình như trên 80% cá khô ở đây được xuất sang Trung Quốc", một chủ vựa thông tin.  

Cá khô được đóng hộp cẩn thận, sau đó được di chuyển vào phòng lạnh và đợi xe chuyên chở đi các thị trường. 

NGUYỄN TÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét