7 thg 10, 2014

Núi Châu Thới, suối Lồ Ồ: Một thời chiến địa

Núi Châu Thới nằm cách trung tâm TP. Biên Hòa khoảng 5 km, có thể nhìn thấy khi ngồi uống cafe ở bất kỳ quán cafe nào bên bờ sông Đồng Nai. Trên núi có Châu Thới sơn tự, ngôi chùa có đông đảo khách thập phương lui tới. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là nơi du lịch sinh thái hữu tình (xem: Núi Châu Thới). Còn suối Lồ Ồ ở cách đó không xa cũng đã từng là nơi ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp của bao nam thanh nữ tú (xem: Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối).

Thế nhưng cách đây gần 250 năm, chốn thiên nhiên hữu tình ấy là bãi chiến trường đầu rơi máu đổ của một trong những thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam.

Cảnh thủy mặc bên sườn núi Châu Thới. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nói đến những sự kiện ấy phải nhắc tới một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: Lý Tài.

Lý Tài là một người Hoa. Có tài liệu nói ông là một thương nhân, có sách lại nói là hải tặc. Sử sách triều Nguyễn thì có sách gọi một cách trân trọng là Lý tướng quân, có sách gọi là giặc Lý Tài. Điều chắc chắn là Lý Tài có đông thủ hạ và có tài chỉ huy. Khoảng năm 1773, Lý Tài cùng với một người Hoa khác là Tập Đình mang quân theo phò tá quân Tây Sơn của Nguyễn Nhạc tại Quy Nhơn và lập được nhiều công trạng. Thế nhưng đến cuối năm 1775 Lý Tài lại bỏ quân Tây Sơn để đi theo nhà Nguyễn, dưới quyền chỉ huy của Tống Phước Hiệp.

Mùa hạ năm 1776, Tống Phước Hiệp vào Nam, đưa Lý Tài ra mắt chúa Nguyễn. Bấy giờ Đỗ Thanh Nhơn (được xưng tụng là một trong Gia Định tam hùng, gồm Võ Tánh, Đỗ Thanh Nhơn và Châu văn Tiếp) đang là bậc công thân của chúa. Đỗ Thanh Nhơn nói thẳng với chúa: Lý Tài là đồ heo chó, dùng làm gì. Ngay từ đó Lý Tài và Đỗ Thanh Nhơn đã không ưa nhau.

Tháng 6/1776, Tống Phước Hiệp qua đời. Mất nơi nương tựa, Lý Tài bỏ nhà Nguyễn mà đi, kéo quân chiếm lĩnh núi Châu Thới, hùng cứ một phương. Lý Tài tự xưng đại vương như một thủ lĩnh Lương Sơn Bạc và truyền đổi tên Biên Hòa thành Biên Hùng trấn. Địa danh Biên Hùng bắt đầu có từ đó.

Núi Châu Thới chỉ cao 82 met, không cao lắm nhưng rất lý tưởng để lập doanh trại. Từ đây rất thuận lợi để tiến về Phiên Trấn (Sài Gòn) hoặc Trấn Biên (Biên Hòa), hoặc rút lên núi cố thủ.

Nhìn ở góc này, núi Châu Thới giống như một thành trì với hào sâu vây quanh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2013.

Từ trên núi, có thể quan sát một vùng rộng lớn. Hiện giờ, khi trời quang từ đây có thể nhìn thấy tòa nhà Bitexco (TPHCM) cách xa 25 km. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2013.

Không ưa Lý Tài, Đỗ Thanh Nhơn nhiều lần kéo quân sang vùng núi Châu Thới đánh. Nhiều trân thư hùng diễn ra đẫm máu tại đây giữa Nghĩa Hòa đoàn của Lý Tài và quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn.

Trận đánh đẫm máu nhất diễn ra khoảng tháng 8 năm 1776. Trong trận này, khi quân Đông Sơn tiến đánh Lý Tài ở núi Châu Thới thì quân Lý Tài giả thua bỏ chạy. Họ phục binh tại Tân Bản Kiều (cầu ván mới), một chiếc cầu ở thượng nguồn Lộ Khê, tức là suối Lồ Ồ ngày nay, rồi đổ ra đánh quân Đỗ Thanh Nhơn tan tác.

Lúc bấy giờ Đông cung Dương của nhà Nguyễn bỏ Quy Nhơn vào Nam. Lý Tài nhận lời chiêu an của Đông cung và lại... theo phe chúa Nguyễn. Duệ Tông nhường ngôi cho Đông cung Dương, Đông cung trở thành Tân Chính vương. Lý Tài trở thành Bảo giá Đại tướng quân cho vương.(Xin chú ý rằng cùng là nhà Nguyễn, nhưng một đàng là Nguyễn Ánh đang được quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn phò tá, một đàng là Tân Chính vương được Nghĩa Hòa đoàn của Lý Tài "bảo giá").

Sự việc chưa dừng ở đó. Tháng 3 năm 1776, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào Nam. Việc chia rẽ của nhà Nguyễn là miếng mồi ngon cho Tây Sơn. Tại vùng Châu Thới - suối Lồ Ồ, quân Lý Tài bị đánh tơi tả. Lý Tài bỏ chạy về Ba Giồng (Châu Thành, Tiền Giang bây giờ) là nơi Nguyễn Ánh đang đóng với sự phò tá của quân Đông Sơn. Không có gì khó hiểu khi Lý Tài bị quân của Đỗ Thanh Nhơn giết chết tại đây.

Cuộc đời Lý Tài khá trùng khớp với câu Được làm vua - thua làm giặc. Từ Trung quốc tha hương sang Việt Nam có lẽ lúc đầu ông là thảo khấu (hoặc hải tặc), không có phe phái chính thống nào để phò trợ, ông sẵn sàng theo bất cừ phe nào miễn có lợi cho mình, và khi có điều kiện thì tự lập mình làm vua một cõi. Không có tầm nhìn chính trị và cũng không có thời cơ như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Lý Tài quay cuồng trong cuộc chiến và bỏ mạng vô nghĩa.

Cũng cần nói thêm, Đỗ Thanh Nhơn - một trong Gia Định tam hùng, và là kẻ thù không đội trời chung với Lý Tài - chỉ 5 năm sau đã bị giết chết. Không phải bị quân Tây Sơn giết, cũng không phải bị tàn quân của Lý Tài phục hận, mà ông đã bị giết năm 1781 bởi chính tay Nguyễn Ánh. Một thời kỳ lịch sử đầy tối tăm và rối rắm!

Ngày nào đó ngồi uống cà phê bên dòng sông Đồng Nai, bạn hãy nhìn xa bên kia sông là núi Châu Thới để trầm ngâm. Giờ này nơi ấy là ngôi cổ tự yên bình với tiếng chuông, tiếng mõ, nhưng non xanh nước biếc còn đây vẫn ghi dấu bao oán thù chồng chất, bao thăng trầm dâu bể trên đời...

Rồng trên núi Châu Thới. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét