18 thg 10, 2014

Hà Thành hôm nay

Hà Nội vẫn còn đó những con phố cổ xưa đầy hoài niệm từng một thời làm nên dấu ấn thị thành của vùng đất kinh kỳ xứ Bắc. Và Hà Nội hôm nay cũng có thêm một mảng màu mới, hiện đại, trẻ trung, năng động hơn với những đại lộ thênh thang và những tòa building cao hút tầm nhìn... 

Rộng mở những cung đường

Cách đây chưa lâu, độ hơn chục năm về trước, người Hà Nội ra đường vẫn quen với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, những con phố ngắn cắt ngang cắt dọc như ô bàn cờ. Quen đến độ ai cũng thuộc như lòng bàn tay. Ấy vậy mà hôm nay, đố ai dám nói mạnh là mình biết hết các con đường ở Hà Nội. Bởi đường phố Hà Nội bây giờ khác trước nhiều lắm. Trừ các khu phố cổ và phố cũ ở khu vực trung tâm, còn lùi ra xa một chút là cả một mạng lưới giao thông đồ sộ, tầng tầng lớp lớp mới xây dựng và đang xây dựng. Đường nào cũng to, cũng đẹp, cũng hoành tráng như: Đại lộ Thăng Long, đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, đường cao tốc trên cao Bắc Linh Đàm - Mai Dịch…


Từ trên cao nhìn xuống, nhất là vào ban đêm, những cung đường mới của Hà Nội hiện lên lộng lẫy trong ánh đèn, trông như những dòng sông ánh sáng uốn lượn lấp lánh giữa lòng thành phố. Và sắp tới đây, Hà Nội sẽ có thêm những tuyến đường sắt trên cao. Đến khi đó, người Hà Nội và du khách sẽ có thêm một thú vui mới được khám phá Hà Nội của nghìn năm và Hà Nội của hôm nay qua những góc nhìn đầy ấn tượng và mới lạ.

Hà Nội đang khoác lên mình vóc dáng mới phù hợp với tiến trình phát triển của một đô thị mang tầm vóc quốc tế. Ảnh: Lê Ngọc Huy

Hồ Gươm lung linh trong sắc pháo hoa đêm giao thừa. Ảnh: Nguyễn Hoàng Hải

Sự đan xen của một không gian đô thị hiện đại bên cạnh những nét kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử ven hồ Tây. Ảnh: Đinh Hữu Ngợt

Cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng năm nhịp liên tục hiện đại nhất Việt Nam - biểu tượng mới của thủ đô. Ảnh: Trần Huy Hùng

Tuyến đường cao tốc vành đai 3, đoạn đi qua khu vực Mỹ Đình (Quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Công Đạt

Nút giao cắt qua đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Trần Huy Hùng

Tuyến đường giao nhau của đường sắt trên cao và đường cao tốc vành đai 3 đoạn Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Trần Thanh Giang

Tuyến đường sắt trên cao khu vực Quận Thanh Xuân đang trong quá trình thi công. Ảnh: Tất Sơn 

«
          Theo định hướng quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài vùng lõi, tức khu vực trung tâm quanh Hồ Gươm, phố cổ, phố cũ, Hà Nội sẽ có thêm 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Xuân Mai (công nghệ cao, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo), Sơn Tây (du lịch - văn hóa - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí), Sóc Sơn (công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao), Phú Xuyên - Phú Minh (công nghiệp).
                                             »
Từ chỗ dân số chỉ có hơn 3 triệu (2005), đến nay Hà Nội đã có tới hơn 7 triệu người. Dân số tăng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực lên giao thông đô thị. Vì vậy, có thời kỳ nạn tắc đường trở thành căn bệnh trầm kha của Hà Nội. Để giải được bài toán toán khó này, chính quyền Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc với nhiều giải pháp quyết liệt.

Một trong những dấu ấn đầu tiên chính là việc Hà Nội cho xây dựng hàng loạt cây cầu vượt khổng lồ bằng thép ở những điểm nút giao thông quan trọng trong nội đô. Việc xây dựng những cây cầu này vừa nhanh, bền lại đẹp nên được xem là giải pháp tối ưu đối với một đô thị có kết cấu hạ tầng giao thông phức tạp như Hà Nội. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, trong vòng chưa đầy hai năm, Hà Nội đã xây dựng xong nhiều cây cầu vượt hiện đại như cầu vượt ở nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Láng, Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Tây Sơn… góp phần cơ bản giải quyết được vấn nạn tắc đường. Không những thế, các công trình này còn góp phần làm đẹp và hiện đại thêm cho bộ mặt giao thông khu vực nội đô, vốn một thời bị xem là manh mún và lạc hậu.

Trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cùng với những cây cầu từng một thời là biểu tượng cho sự phát triển của Thủ đô như Long Biên, Thăng Long, Chương Dương… Hà Nội hôm nay còn có thêm nhiều cây cầu mới mang tầm vóc thế kỷ như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân… giúp cho tuyến giao thông nối liền giữa đôi bờ được mở mang, thông suốt.

Những thành phố thu nhỏ trong lòng Hà Nội

Cùng với hạ tầng giao thông, bộ mặt các khu đô thị Hà Nội cũng có nhiều thay đổi theo hướng rộng mở hơn, hiện đại hơn. Vì vậy, nếu như trước đây, Hà Nội nổi tiếng với những khu phố cổ và phố cũ, nơi có những dãy nhà cổ mái ngói thâm nâu nằm kề san sát, hay những tòa dinh thự sang trọng, lãng mạn đậm chất kiến trúc cổ điển Pháp. Thì ngày nay, bên cạnh bức tranh đô thị đầy xưa cũ ấy, người ta còn thấy Hà Nội có thêm nhiều khu đô thị mới mang màu sắc kiến trúc tươi mới, trẻ trung và năng động của thời hiện đại.

Và đó cũng là lý do khiến cho nhiều du khách nước ngoài có những cảm nhận hết sức thú vị khi đến với Hà Nội. Đó là bên cạnh một Hà Nội cổ xưa đầy quyến rũ, còn có một Hà Nội hấp dẫn, hiện đại, có nét gì đó hao hao giống Hong Kong, Singapore, Tokyo hay một vài thủ đô khác của Châu Á bởi những tòa cao ốc chọc trời và các khu đô thị mới mọc lên san sát như: Keangnam Tower, Indochina Plaza, Petrovietnam Tower, Linh Đàm, Ciputra – Nam Thăng Long, Times City, Royal City, The Manor, Mandarin Vineyard, Vincom Village... 

Khu đô thị mới Royal City (Quận Thanh Xuân). Ảnh: Tất Sơn


Bãi đỗ xe và khu vui chơi dành cho trẻ em tại khu đô thị Royal City. Ảnh: Trần Thanh Giang - Tất Sơn

Khuôn viên bên trong trung tâm thương mại Royal City. Ảnh: Trần Thanh Giang

Khu giải trí ở Trung tâm thương mại Royal City. Ảnh: Trần Thanh Giang

Công viên nhạc nước tại khu đô thị Times City. Ảnh: Văn Quyền

Một góc tổ hợp nhà ở tại khu đô thị Royal City. Ảnh: Trọng Chính

Quảng trường Trung tâm thương mại Royal City, nơi diễn ra các sự kiện giải trí, thời trang lớn ở Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn

Một góc siêu thị Oceant Mart đặt tại khu đô thị Times City. Ảnh: Hoàng Ngọc Kỳ

Phòng tập thể dục phục vụ cho người dân nằm trong khu chung cư cao cấp The Garden, Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang 

Một điều dễ nhận thấy ở các tổ hợp kiến trúc kiểu mới này đó là sự hiện đại, đồng bộ và tiện nghi. Nhờ có cơ sở hạ tầng và dịch vụ chăm sóc tốt nên cư dân sống và làm việc tại các khu đô thị này được thụ hưởng những điều kiện sống lý tưởng. Có người ví những khu đô thị kiểu mới của Hà Nội giống như mô hình của những thành phố thu nhỏ, bởi ở đó có đầy đủ không gian xanh, siêu thị, trường học, bệnh viện… và cả những cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp như khách sạn, nhà hàng, bể bơi, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao, sân chơi của trẻ… Nói tóm lại, trong những “thành phố thu nhỏ” ấy, người ta có thể dễ dàng tìm thấy hầu như bất cứ những gì cần phải có của một thế giới hiện đại.

Việc xây dựng các khu đô thị mới cũng được chính quyền Hà Nội tính toán kỹ lưỡng, đó là vừa phải đảm bảo yêu cầu về mặt công năng, chất lượng nhưng vẫn phải đảm bảo cảnh quan truyền thống vốn có. Vì vậy, khu vực phố cổ và phố cũ được ưu tiên giữ nguyên để tạo điểm nhấn cho vùng lõi trung tâm, nơi chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa và di sản truyền thống. Còn các khu đô thị mới được đẩy lùi ra xa, tạo thành những chuỗi hoặc tổ hợp đô thị hiện đại, đồng bộ được liên kết với nhau theo những chức năng khác nhau.

Như vậy, sau cuộc thiên di lịch sử của vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội vào năm 1010, và 60 năm ngày Hà Nội được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp, diện mạo Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam đã trải qua nhiều lần thay đổi. Mỗi một lần như vậy đều có một giá trị và sứ mệnh lịch sử riêng. Và lần này cũng vậy. Hà Nội đang làm một cuộc đổi thay lớn. Đổi thay để Hà Nội vươn lên xứng tầm là trung tâm “đầu não”, là “trái tim” của cả nước, là một trong những thủ đô lớn mang tầm thế giới.

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Nhóm Phóng viên Báo ảnh Việt Nam & Cộng tác viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét