31 thg 10, 2014

Buồn vui du lịch vùng biên ải

Cách đây 20 năm, sau cuộc hành trình dài dằng dặc gần trăm cây số bằng chiếc xe Minsk cũ kỹ, tôi đặt chân tới thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thật khó diễn tả cảm xúc lạ lùng cứ dâng trào khi lần đầu đứng nơi địa đầu Tổ quốc, chiêm ngưỡng thác nước cực kỳ dữ dội và hùng tráng.


Nỗi buồn thác Bản Giốc

Một chút an ủi ở thác Bản Giốc
Cũng may trên sườn núi đối diện thác Bản Giốc, hiện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đang trong quá trình thi công xây dựng khu resort tiêu chuẩn 4 sao. Và cách đó không xa, một công trình tín ngưỡng Phật tích Trúc Lâm trong giai đoạn hoàn thiện đã phần nào an ủi khách phương xa.
Đáng tiếc bây giờ trở lại Bản Giốc, tôi hụt hẫng vì sự thô sơ, nghèo nàn dưới mức cho phép của một danh thắng được đánh giá vào bậc nhất Đông Nam Á. Việc đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tại Bản Giốc đến lúc này hầu như chưa có gì, ngoài một kiốt ở đầu dốc bán vé tham quan và lèo tèo vài cửa hàng tuềnh toàng bán hàng lưu niệm trống trước hụt sau.

Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất là con đường đất dẫn xuống thác lắm chỗ sình lầy, nhơ nhớp, trơn trượt khiến khách không tránh khỏi ngao ngán, đành đi tắt theo bờ ruộng để tránh rủi ro.

Thậm chí, chiếc cầu gỗ vắt ngang dòng chảy thác Cao chỗ thì vá chằng chịt bằng những tấm ván mục nát, chỗ thì gãy đổ chông chênh.

Và có lẽ, cũng cần nêu ra đây hai hình ảnh trái ngược rất rõ về đường hướng khai thác du lịch mà mốc phân chia là dòng sông Quây Sơn. Nếu bên VN việc đầu tư, phát triển chỉ đang trong giai đoạn dự kiến thì bên bờ bắc phía Trung Quốc những kiểu nhà bungalow, tiểu đình, đài vọng cảnh, nhà hàng đã mọc lên từ những năm cuối thế kỷ 20.

Còn trên sông, khu vực hai nước thống nhất cùng khai thác du lịch thì toàn là bè, mảng Trung Quốc chở khách ngược xuôi, đông vui như trẩy hội. Hơn nữa, nhằm tăng sức hấp dẫn của đường tour, người ta đã thiết lập con đường hành lang để ra tận đỉnh thác hoặc tới những cột mốc dọc theo biên giới. Chắc hẳn là dân Việt, dù ai vô tư nhất khi thấy cảnh này cũng không khỏi ngậm ngùi, mặc cảm.

Cánh đồng tam giác mạch và xa xa là cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: T.Thế Dũng 

Hà Giang bài bản hơn nhiều

Trên chuyến du khảo Đông Bắc dịp này, tôi đã đứng bên cột cờ Lũng Cú bề thế cao trên 30m trên đỉnh núi Rồng (huyện Đồng Văn, Hà Giang) nhìn dòng người ở khắp mọi miền đất nước đang kiên trì vượt hơn 700 bậc thang từ chân núi lên đây chỉ để thỏa nguyện việc ghi lại tấm ảnh bia chủ quyền và ngắm dãy núi biên cương cực Bắc, mới thấy tình yêu quê hương của dân Việt thật vô bờ bến. Đó cũng là hình ảnh minh chứng ngành du lịch Hà Giang đang phát triển đúng hướng và bài bản.

Còn nhớ trước năm 2010, nhắc tới cao nguyên đá Đồng Văn, vùng cực Bắc Tổ quốc, người ta được nghe đó là nơi hoang vu, lạc hậu, đường sá hiểm trở, nhiều bất trắc khôn lường. Vì thế Hà Giang khó bề hút khách du lịch dù sở hữu bạt ngàn núi đá sừng sững uy nghi thuộc loại đặc biệt của toàn nhân loại và gắn liền với những giá trị về bản sắc văn hóa của đồng bào Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy, Hoa, Dao sống bao đời nay trên vùng địa đầu.

Nhưng giờ đây, đến cao nguyên Đồng Văn trên con đường Hạnh Phúc trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, người ta dễ nhận ra nhiều nét mới. Đầu tiên, ngay cửa ngõ vào từng huyện lỵ là điểm dừng chân tựa một tổ hợp với nhà sàn trung tâm trưng bày hình ảnh, bản đồ, tài liệu về di sản địa chất, cùng gian hàng giới thiệu thổ cẩm, bãi đỗ xe và khu vực vệ sinh miễn phí giúp khách phương xa giải lao, thư giãn sau chặng đường đèo dốc mệt mỏi, và cũng đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Hành trình cứ thế lướt qua trên cung đường của cảm xúc và khám phá Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, những buổi chợ phiên đa sắc màu dân tộc... trước khi băng qua Niêm Sơn - Mèo Vạc gặp quốc lộ 34 để quay về Hà Giang hoặc rẽ sang đường vành đai Cao Bằng, Lạng Sơn. Đó là hệ thống giao thông vô cùng quan trọng, mới được khai thông hầu phá dỡ thế bế tắc vì đường cụt, khuất nẻo.

Chưa hết, một ngày không xa, dân ta đi thăm vùng biên cương Lũng Cú không chỉ dừng chân nơi đỉnh núi Rồng chiêm ngưỡng lá cờ lộng gió bay phất phới như hồn thiêng sông núi, khí phách tổ tiên đang vọng về mà còn tiếp tục ra cột mốc số 0, điểm vươn xa nhất trên chóp nón bản đồ, để được ngắm trên là núi non trùng điệp, dưới là vực sâu thăm thẳm và sâu hơn nữa con sông Nho Quế uốn mình chảy vào đất Việt.

Một chuyến du ngoạn qua hai tỉnh địa đầu phía đông bắc nhưng cái tâm và đường hướng làm du lịch mỗi nơi một kiểu, khiến khách qua đây không tránh khỏi chạnh lòng, suy ngẫm.

TRẦN THẾ DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét