6 thg 2, 2013

Viếng đền Hùng


Đường lên dền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: Cúc Tần 

Được viếng đền Hùng, ít nhất một lần trong đời, là ước mơ của bất cứ người con dân Việt nào. Vì, đây là nơi thờ phượng 18 đời vua Hùng..., là nơi chốn thiêng liêng nhất của đất nước ta. 



Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Con đường từ lộ chính vào chân núi dẫn lên đền rợp mát bóng cổ thụ che phủ. Khu di tích đền Hùng là một tập hợp bốn ngôi đền nằm rải rác từ thấp lên cao trên núi Nghĩa Lĩnh. Nghĩa Lĩnh còn được gọi với các tên khác như núi Hy Cương, núi Hùng, người địa phương gọi là núi Cả. 


Từ chân núi lên đền Hạ là một lối đi lót đá chẻ xanh, rộng rãi, thoai thoải, cao 300 bậc. Đền Hạ được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ XVII - XVIII, theo kiểu hình chữ “nhị”, mái lợp ngói mũi, tường gạch kiên cố, với tiền bái và hậu cung. Đến đây, ta nhớ đến ngày xưa, khi quốc mẫu Âu Cơ hoài thai và đã hạ sinh một bọc một trăm trứng. Sau đó cái bọc thần diệu nầy vỡ ra, một trăm trứng Rồng ấy đã nở thành trăm người con trai - cội nguồn dân tộc Việt. Chính từ truyền thuyết nầy mà từ ngàn năm trước, chúng ta đã sử dụng từ “đồng bào” để nói đến nghĩa tình ruột thịt một cách thân thương, độc nhất vô nhị trên thế giới. 

Trước cửa đền Hạ, phía trên, có đắp bốn chữ “Cao sơn cảnh hành”, có nghĩa: núi cao đức lớn. Hai bên cửa chính có hai cặp đối, trong đó có một cặp ghi: “Thác thủy khai cơ tứ cố sơn hà quy bản tịch / Đăng cao vọng viễn quần phong la liệt tự nhi tôn”; tạm dịch nghĩa: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối / Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi tụ cháu con. Hai câu đối nầy nhằm ca tụng công đức cao dầy của quốc mẫu Âu Cơ cùng các đời vua Hùng... 

Cạnh đền Hạ là chùa Thiên Quang, tên chữ là Viễn Sơn cổ tự, về sau đổi lại là Thiên Quang thiền tự. Kiến trúc chùa theo hình chữ “công”, với ba tòa tiền đường, tam bảo và thượng điện, được xây dựng vào đời nhà Trần. Chùa được trùng tu vào thế kỷ XV. Đặc biệt, thời nhà Nguyễn chùa được trùng tu với mái ngói có đầu đao cong vút, đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh chùa có hành lang rộng rãi, thoáng mát. Trước cửa chùa có cây vạn tuế cổ thụ, theo người địa phương cho biết đã có chừng 800 năm tuổi. 

Từ đền Hạ lên đền Trung phải qua 200 bậc cấp bằng đá xanh. Đền Hạ còn có tên Hùng Vương Tổ miếu, thờ 18 vị vua Hùng. Đền được khởi xây vào thời Lý - Trần. Thế kỷ XV, giặc Minh xâm chiếm nước ta, đã phá hủy ngôi đền. Sau đó, nhân dân ta xây lại đền với kiểu hình chữ “nhất” gồm ba gian theo truyền thống, mái lợp ngói mũi, kèo quá giang cột ẩn vào tường. Theo truyền thuyết, ngày xưa, các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng đã đến đây vừa ngắm cảnh vừa họp bàn việc nước. Đặc biệt, cũng tại nơi nầy, vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng và bánh dầy lưu lại hậu thế đến muôn đời sau.




Giếng Ngọc (Ngọc Tỉnh) trong đền Giếng. Ảnh: Cúc Tần 

Nơi thờ vua Hùng là đền Thượng, tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Vì, đây là nơi các vua Hùng thường tiến hành nghi lễ cúng tế thần Lúa, cầu mùa màng bội thu, nhân dân no ấm... Cái thời “hồng hoang mở nước” ấy, nơi đây có một mảnh vỏ trấu khổng lồ, gắn với truyền thuyết hạt lúa thần dân gian thường truyền tụng. Và cũng từ thuở ấy, giặc Ân từ phương Bắc đã xua quân tiến đánh nước ta. Tại làng Gióng có một đứa trẻ mới lên ba đã đòi xông pha giết giặc. Chỉ với cây roi tre và con ngựa sắt phun lửa, “vị tướng trẻ thơ” nầy đã đánh tan tác bọn giặc Ân khát máu. Cả nước hân hoan ca khúc khải hoàn, thiếu niên anh hùng lẳng lặng cỡi ngựa sắt về Trời. Để tưởng nhớ công lao người anh hùng nầy, vua Hùng thứ 6 đã cho lập miếu thờ ngài. 

Đền Thượng do nhân dân lập nên vào thế kỷ XV nhằm tưởng nhớ công lao cao dầy của vua Hùng. Đền được đại trùng tu vào thời nhà Nguyễn. Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ “Vương”, với 4 cấp: nhà chuông trống, đại bái, tiền tế và hậu cung. 

Viếng đền Hùng không ai không ghé thăm đền Giếng. Với tên chữ Ngọc Tỉnh, bên trong đền Giếng, trước bệ thờ có một chiếc giếng sâu. Bên thành giếng nầy, ngày xưa, hai cô công chúa con gái vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung (Tiên Dung và Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam) và Ngọc Hoa thường đứng soi mặt chải tóc. Đó chỉ là chuyện nữ nhi thường tình. Điều đáng nói là hai cô công chúa nầy đã quan tâm đến cuộc sống người dân bằng cách dầy công chỉ dạy họ trồng lúa và trị thủy. Để tưởng nhớ công đức dân sinh ấy của hai vị, người dân đã lập đền thờ vào thế kỷ XVIII, theo hình chữ “công”. 

Viếng khu di tích lịch sử Đền Hùng để lại trong lòng bất cứ người dân Việt nào niềm cảm khái lâng lâng về ơn đức của các vua Hùng, một hoài niệm xa xôi đầy tự hào. Thuở đó, đây là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông, giống như hai dãy hào thiên nhiên, hai con rồng khổng lồ bao bọc cố đô của các vua Hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét