6 thg 2, 2013

Phố Hàng Trống

Phố Hàng Trống dài 396m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố nổi tiếng với nghề làm trống, làm lọng, thêu và vẽ tranh dân gian. Đầu thế kỷ XX phố này còn gọi là phố Hàng Thêu; thời thuộc Pháp, phố mang tên Jules Ferry; sau năm 1945, phố mang tên Hàng Trống.

Phố Hàng Trống xưa nổi tiếng về các ngành nghề thủ công như tranh dân gian, trống tế, trống hội, hòm tráp sơn ta, hàng thêu, quạt, nón, cờ, phướn, võng lọng v.v... Cùng với các hộ dân cư bản địa lâu đời, cũng có nhiều thợ vẽ và thợ khắc tài hoa từ nơi khác đến đây làm thuê cho các chủ xưởng in tranh.

Phố Hàng Trống.


Các phòng tranh trên phố Hàng Trống thu hút sự chú ý của khách du lịch. 

Một cửa hàng bán đèn lồng trên phố Hàng Trống. 

Những lúc nhàn rỗi người Hàng Trống lại chơi với nhau một ván cờ tướng. 

Những bức tranh truyền thần đặc trưng của Việt Nam luôn thu hút sự chú ý đối với khách nước ngoài. 

Hai bên phố này phần lớn là người từ các tỉnh khác đến đem theo nghề riêng của làng mình. Dân Liêu Thượng, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương, làm trống; dân Đào Xá, nay thuộc huyện Thường Tín - Hà Nội, làm lọng, làm tán; dân Tự Tháp làm nghề vẽ tranh. Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Khác với tranh dân gian Đông Hồ, kỹ thuật tranh Hàng Trống kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô phẩm màu bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước nên tạo được những màu sắc đậm nhạt rất tinh tế. Tranh Hàng Trống in trên giấy dó hay giấy báo khổ rộng. Đề tài chủ yếu của tranh Hàng Trống là phản ảnh cảnh sinh hoạt thường ngày, minh họa tích cổ, đặc biệt là thể loại tranh thờ.

Ngày nay, tranh Hàng Trống đã bị mai một. Khách du lịch đến Hàng Trống hôm nay được tham quan những cửa hàng tranh với những họa sĩ ngồi sao chép tranh, vẽ tranh truyền thần hay những phòng tranh sang trọng, lịch sự dành cho những nhà sưu tầm tranh chuyên nghiệp. Các "Gallery" san sát, bầy bán đủ các loại tranh tranh sơn mài, tranh thêu Quất Động, bên cạnh tranh dân gian Hàng Trống và các loại túi thổ cẩm, tượng gỗ, tượng khắc đá, đồ gia dụng, mây tre cổ xưa. Những bức tranh gà, cá, tố nữ, tứ bình, màu sắc sinh động, tươi tắn; tranh bạch hổ, ngũ hổ uy nghiêm; tranh danh tướng lịch sử, tranh tứ bình chim, hoa mềm mại, rực rỡ... trở thành mặt hàng truyền thống văn hóa của phố xưa Hà Nội.

Trên phố còn có một số các di tích như đình Đông Hương (còn gọi là đình Hàng Trống thờ một đào nương) và đình Nam Hương, thờ thần Bạch Mã và Linh Lang.


Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Hoàng Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét