6 thg 2, 2013

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Ngày 24-8-1923, vua Khải Định (1916-1925) ban hành tờ dụ thành lập Bảo tàng Khải Định - tiền thân của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày nay với mục đích: “...Thiên tài của một dân tộc được biểu hiện qua các tác phẩm mỹ thuật, phản ánh những sinh hoạt xã hội, lễ nghi, chính trị và cuộc sống…”. Ngay từ lúc khai sinh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được giao nhiệm vụ “Làm sống lại những thế hệ nghệ nhân đã làm nên những nét huy hoàng của triều đình Huế”.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nay thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lầ nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày gần 10.000 cổ vật liên quan tới đời sống của triều Nguyễn (1802-1945). Tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng là điện Long An - Huế được coi là một trong những ngôi điện đẹp nhất của Việt Nam còn lại cho đến nay. 

Điện Long An, một trong những ngôi điện có lối kiến trúc cung đình đẹp nhất Cố đô Huế, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 


Bình gốm hoa văn cổ. 

Trấn phong làm bằng bạc. 

Bộ sưu tập súng thần công. 

Bộ lá ngọc cành vàng. 

Kiến trúc nội thất điện Long An. 

Hiện vật đồ sứ ký kiểu (hoa văn quý giáp) thời vua Thiệu Trị (1841-1847). 

Nậm rượu men lam và khay hộp pháp lam. 

Lư xông trầm. 

Lư đồng khảm vàng bạc và bát men hoa lam.

Trang trí khảm – thi họa – hoa văn ở ô hộc. 

Hộp sơn mài đựng thẻ chơi bài sừng ngà. 

Điện Long An nằm trên khuôn viên rộng 6.330 m2, tòa nhà chính bày cổ vật diện tích 1.200 m2. Từng có 16 sưu tập tiêu biểu trưng bày bên trong và bên ngoài điện Long An, trong đó nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ vào hàng quốc bảo của Việt Nam: Pháp lam Huế, những bộ cành ngọc lá vàng; những đồ gỗ chạm khảm và sơn son thiếp vàng; các cổ vật bằng đồng do các nghệ nhân Huế xưa làm. Tòa nhà được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847) nhà gồm 7 gian 2 chái, có 128 cột gỗ quý, làm theo kiểu “trùng thiền diệp ốc” (ghép 2 nhà theo lối nối mái). Toàn bộ các bộ phận bằng gỗ được chạm khắc phong cảnh và hình tứ linh cùng hơn 1.000 bài thơ chữ Hán. Nổi bật là 2 bài thơ của vua Thiệu Trị, mỗi bài 56 từ sắp xếp theo hình bát quái đọc thành 64 bài thơ thất ngôn, ngũ ngôn khác nhau. Điện Long An là bảo tàng thi họa của các vua Nguyễn, cho nên tại đây có các bộ sưu tập uyên thâm về ngôn từ, điển cổ, điển tích, suy ngẫm về thiên nhiên và quy luật đất trời của vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883). Điện Long An có sự kết hợp tài hoa giữa kiến trúc, thơ, họa thể hiện qua nghệ thuật chạm khắc trên chất liệu gỗ. Những tác phẩm nghệ thuât, đồ dùng sinh hoạt của vua và hoàng gia triều Nguyễn phần lớn do các bàn tay vàng Việt Nam chế tác từ vàng, bạc, ngọc, ngà, thủy tinh, đá, gỗ, da, vải, giấy, mây tre, đất nung. Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ 80 hiện vật Chăm tìm thấy ở vùng châu Ô, châu Lý và kinh đô Trà Kiệu năm 1927, được coi là thứ quý hiếm tại vùng Viễn Đông và thế giới. Trong điện có bức trấn phong do các họa sĩ trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương vẽ cách đây 70 năm cảnh 78 cô gái Huế mặc áo dài với hoa văn và màu sắc khác nhau bằng nghệ thuật sơn khắc. Phía ngoài điện có bộ sưu tập 30 khẩu thần công các loại thời vua chúa Nguyễn và thời kỳ trước đó. Ngoài súng, trong sân Bảo tàng có bộ sưu tập bia đá, tượng đá thời Lê (1428-1527, 1533-1788) và nhà Nguyễn (1802-1945). Nổi bật là bộ sưu tập chuông, vạc, đỉnh đồng, nồi đồng kích thước lớn.

Thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được tận mắt xem những báu vật của tiền nhân để lại, du khách sẽ cảm nhận sâu sắc về các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của Huế xưa đã được các nghệ nhân sáng tạo tài tình, công phu qua lịch sử 700 năm phát triển của vùng Phú Xuân - Huế.


Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Công Điền, Vĩnh Hưng, Quang Ngọc, Hải Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét