23 thg 2, 2014

Náo nức Hội phết Hiền Quan

Hội phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức hai ngày 12 và 13 tháng giêng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 26km).

Trống dong cùng tham ra rước quả phết

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.

Lễ hội phết cùng với cụm di tích Song Quan đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 12-12-1994.

Lẩu riêu cua đồng miệt đồng

Không còn mộc mạc quê mùa, các món ăn làm từ cua đồng giờ đã đường hoàng đi vào nhà hàng, quán ăn, góp phần làm phong phú danh mục ẩm thực. Đáng kể trong đó là món lẩu riêu cua đồng miệt đồng.

Lẩu cua đồng ăn với rau và hải sản - Ảnh: H.Vũ

Người miền Tây có câu Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá về đồng ăn cua ca ngợi vùng đất trù phú, cá tôm hào sảng, nhất là cua. Cua đồng xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi người ta bắt đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Thế nhưng, từ vài ba năm trở lại đây con cua bé nhỏ nầy lại lên ngôi, nhất là mùa nắng.

Tân Thành, điểm du xuân thú vị

Năm nay, Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) là điểm du xuân được nhiều người quan tâm, với nhiều điểm tham quan thú vị.

Thời gian đi xe máy/ô tô từ TP.HCM đến biển Tân Thành khoảng hai giờ. Khởi đầu từ Cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8), băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh rồi theo quốc lộ 50, đi qua hai xã Phong Phú, Quy Đức (huyện Bình Chánh), qua hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Tỉnh Long An) tới bờ Bắc sông Soài Rạp đi phà Mỹ Lợi là tới đất Gò Công. 

Nhiều bạn trẻ đến chơi tại chiếc cầu vươn ra biển Tân Thành 

Từ phà Mỹ Lợi, mất thêm 10 phút di chuyển, bạn có thể ghé thăm làng nghề đóng tủ thờ truyền thống của đất Gò Công, tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, Thị Xã Gò Công. Đây là nơi khai sinh nghề đóng tủ thờ cẩn xà cừ mà không dùng bất kỳ cây đinh nào của ông Nguyễn Văn Non. Sau hơn 110 năm tồn tại, nghề đóng tủ thờ giờ đã có hơn 500 hộ sống được, sống vui và có ích bằng nghề cưa, bào, đục, đẽo.

Nhà thờ Gỗ Kon Tum

Nhà thờ Gỗ (Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một di tích cổ, mang kiến trúc độc đáo và tính thẩm mỹ cao với tuổi đời gần trăm năm. Trên nền trời Tây Nguyên trong vắt giữa mùa khô, nhà thờ Gỗ nổi lên bởi màu nâu bóng của điêu khắc gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.

«
          Nhà thờ gỗ là tên gọi của người Kon Tum cho nhà thờ Chánh tòa, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố. Cái tên ấy xuất phát từ vật liệu chính làm nên nhà thờ. Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen.
                                          »
Thành phố Kon Tum vốn nằm trên một đồng bằng nhỏ, trước đây từng là trung tâm hành chính cũ của người Pháp ở Tây Nguyên nên các cố đạo truyền giáo đến đây từ rất sớm. Nhà thờ Gỗ được một linh mục người Pháp tên là Décrouille thiết kế và trực tiếp điều hành xây dựng từ năm 1913 đến năm 1918. Nhà thờ có diện tích sử dụng trên 700m2 với vật liệu trang trí nội thất hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Riêng tháp chuông nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic có chiều cao hơn 20m lại luôn thanh thoát mà vẫn không kém vẻ hoành tráng. Sàn nhà thờ được đặt cao hơn 1m so với mặt đất và hành lang chạy dọc, bao quanh giáo đường đã mang đúng sắc thái của nhà sàn Tây Nguyên. Có thể nói, công trình nhà thờ Gỗ chính là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn gỗ của người Ba-Na, một sự giao thoa đặc biệt giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, còn có tên là nhà thờ Gỗ, một công trình kiến trúc độc đáo và là niềm tự hào của người dân Kon Tum.

21 thg 2, 2014

Qua bến đò ngang

Tôi sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, nơi không có sông, chỉ có suối. Mà không có đò qua suối. Bởi vậy nghe bài Đò chiều của Trúc Phương thì thấy hay lắm, nhưng chưa thấm được cái cảnh đò chiều ra sao.

Một chiều nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều

cũng chẳng hình dung ra được Cô lái đò của Nguyễn Bính

Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông

Sau này, đi miền Tây, tận mắt tới bến đò, qua bến đò ngang mới thấy thế nào là bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều...

Có một Nghệ An khác

Đến Nghệ An không thể không vào Nam Đàn tham quan làng Kim Liên và Hoàng Trù (quê ngoại và nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh), viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, hoặc lên núi Dũng Quyết viếng đền thờ Quang Trung và ngắm dòng sông Lam, chứng nhân lịch sử của cả vùng địa linh nhân kiệt. Tiếp đến khách sẽ thư giãn trên bãi biển Cửa Lò. Ít du khách biết, có một Nghệ An khác, độc đáo, tự nhiên và quyến rũ.

Nghi Lộc có vườn thị cổ tích gồm năm đại thụ gần 700 tuổi. Chẳng rõ do ai trồng hay mọc tự nhiên nhưng xếp hình như sao bắc đẩu. Thị bố, dòng thị hồng, chu vi gốc 14m. Thị mẹ, dòng thị họ, chu vi gốc 11m. Các thị con, dòng thị bần, gốc to 8 - 9m. Thị bần không hạt, quả bé như quít; còn thị hồng, thị họ quả gần bằng bưởi, nặng hơn 500g. Vườn thị còn có hàng chục cháu, chắt, chít… hơn trăm tuổi.

Tương truyền, đầu thế kỷ XV, Lê Văn Hoan là tướng công phò Lê Lợi đuổi giặc Minh, dẹp Chiêm Thành; từng đi qua rừng thị, dừng chân nghỉ đêm. Hôm sau, quân sĩ và ngựa voi đều phấn chấn, đánh thắng giòn giã. Cho là vùng đất thiêng, sau chiến tranh, ông đưa cả dòng họ Lê từ Thanh Hóa vào lập nghiệp. Ông Lê Minh Thưởng, 76 tuổi nhưng rất tráng kiện, trưởng tộc Lê có thể kể cả ngày chuyện kỳ thú về những cây thị thần bí ẩn và thân thiết. Tháng Tư, thị ra búp, tháng Năm nở hoa và kết trái vào tháng Sáu - Bảy. Vào mùa, thị rụng vàng rực sân, lủng lẳng trên cành như trăng sà xuống đùa nghịch, thơm điếc mũi. Tha hồ hái lượm, có thể ăn hoặc mang về làm quà tùy thích. 

Đại thụ gần 700 tuổi 

Gáo Giồng giữa đồng nước nổi

Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Ở giữa Đồng Tháp Mười mênh mang nước lũ, có khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm cận giữa vùng “rốn” của Đồng Tháp Mười, trong khu vực rừng tràm thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh chừng khoảng 17km. Hai bên đường đến Gáo Giồng là đồng ruộng, xen kẽ những cụm vườn nhỏ với nhà cửa thưa thớt nằm dọc theo những dòng kênh nước đục ngầu phù sa.

Đến Gáo Giồng, du khách mua vé vào cửa 10.000 đồng/người. Khách sẽ được mời uống trà tim sen, ăn hột sen rang, xem video giới thiệu tổng quan và chi tiết về khu du lịch. Trước khi vào thăm vườn chim, hướng dẫn viên sẽ mời khách lên đài quan sát cao 18 mét và cho bạn mượn ống nhòm. Từ đây, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ vườn chim với những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh thẳm.

Về Nhơn Lý xem lễ cầu ngư

Vào ngày mùng 9 -10 tháng Giêng hàng năm (tức ngày 8 -9/2), ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) lại tổ chức lễ hội “Khai sơn cầu ngư”, mong một năm mưa thuận gió hòa.

Lễ hội cầu ngư xã Nhơn Lý tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải, Vạn Đầm Xương Lý, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Lê cầu ngư ở Nhơn Lý diễn ra long trọng gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ gồm Lễ Cung Nghinh Thủy Lục, Lễ Tĩnh Sinh, Lễ Tế Thần. Phần Lễ Cung Nghinh Thủy Lục diễn ra từ chiều ngày mùng 9, phần lễ cầu ngư chính diễn ra trong ngày mùng 10.

Phần hội đặc sắc không thể thiếu trong lễ cầu ngư là phần vui hội, hát tuồng đầu xuân diễn ra từ đêm mùng 10 đến 13. Đây là dịp bà con xã biển Nhơn Lý vui xuân. Lễ hội cầu ngư Nhơn Lý là nét văn hóa đặc sắc lâu đời của người dân Nhơn Lý nói riêng và dân biển Bình Định nói chung. 

Các bậc cao niên trong xã làm Lễ Cung Nghinh Thủy Lục trên Vạn Đầm Xương Lý, thôn Lý Chánh 

Khai hội đền Huyền Trân

Những ngày đầu xuân, hàng nghìn lượt khách nô nức đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP, Huế) tham dự Đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an và chiêm bái.

Từ sáng sớm ngày 8 và 9 tháng Giêng, trên những nẻo đường dẫn về Đền Huyền Trân, rất đông người trong trang phục chỉnh tề cùng nhau đi trẩy hội. Từ vài năm nay, Trung tâm văn hóa Huyền Trân trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách. 

Du xuân ở đền Huyền Trân 

Bất kể quy mô lễ hội được tổ chức lớn hay nhỏ, cứ đến ngày 8 đến 9 tháng Giêng, đông đảo quan khách, tăng ni, phật tử, nhân dân cùng du khách thập phương đến đây dâng hương và chiêm bái để tưởng nhớ, tri ân Công chúa Huyền Trân - người có công mở cõi vùng đất Thuận Hóa cách đây hơn 700 năm.

Hội Cổ Nhơn - thú chơi tao nhã ngày xuân

Vùng đất võ Bình Định luôn rộn ràng mỗi dịp xuân về, bởi nơi đây còn lưu giữ rất nhiều lễ hội truyền thống mừng xuân, như hội chợ Gò (Tuy Phước), hội đua thuyền, bài chòi, hội Đống Đa (Tây Sơn)… Trong đó, trò chơi dân gian, độc đáo Cổ Nhơn là thú vui tao nhã của người dân Bình Định dịp đầu xuân năm mới.

Gốc tích thú chơi Cổ Nhơn

Chưa có tài liệu sử sách nào ghi lại nguồn gốc xuất xứ của trò chơi Cổ Nhơn, những người chơi hội Cổ Nhơn đều nói trò chơi này đã có từ lâu, truyền qua nhiều đời. Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Dịch, trò chơi Cổ Nhơn xuất phát từ thời nhà Nguyễn, du nhập vào Bình Định. Qua thời gian, Cổ Nhơn ở Bình Định có nhiều thay đổi, phát triển và thành món ăn tinh thần của người dân nhiều vùng ở địa phương này. Trò chơi có một ban tổ chức, gọi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề, thu tịch và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Tỷ lệ chiến thắng 1 đồng nhận 25 đồng. 

Ghi Cổ Nhơn