Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố kết quả khai quật giai đoạn 2 tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, TP Huế), mở ra nhiều phát hiện khoa học đáng chú ý.
Cả hai tháp đều có nền móng xử lý bằng đất sét pha cát và nền đầm chặt bằng đất laterit đỏ sẫm. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, với nguồn đất sét được khai thác gần di tích. Trong quá trình khai quật, nhóm khảo cổ thu được hơn 9.000 tiêu bản, hiện vật gồm gạch, đá trang trí, đồ gốm, đồ sành, đất nung, bia ký và cả các mảnh kim loại đồng.
Các mảnh trang trí hình đầu bò bằng đá sa thạch và đất nung là minh chứng cho sự kết hợp đa dạng vật liệu trang trí trong giai đoạn xây dựng. Dù từng bị xuống cấp sau năm 1306 và hoang phế từ sau 1945, Tháp đôi Liễu Cốc vẫn giữ vai trò là địa điểm tín ngưỡng, với người dân tiếp tục đến lễ bái, thậm chí lập miếu thờ Dương Phi (bà Chúa Tháp) trước tháp Nam.
Kết quả bước đầu cung cấp nhiều cứ liệu khoa học quan trọng, đem đến nhiều nhận thức mới, cũng như vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa thể nhận diện đầy đủ về lịch sử, bố cục, không gian và tính chất của di tích. Để có mặt bằng tổng thể một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất về đền tháp Liễu Cốc, các nhà khảo cổ cần tiến hành mở rộng diện tích khai quật; tạo tiền đề, động lực nghiên cứu, thành lập một không gian đặc thù hoặc cao hơn là một bảo tàng văn hóa Champa để tập trung các hiện vật, tư liệu mà Huế đang sở hữu nhằm giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa độc đáo này.
PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét