Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

11 thg 4, 2022

Về “thủ phủ” mắm Châu Đốc

Châu Đốc là vùng đất nhiều tôm cá, nên dồi dào nguyên liệu làm mắm. Mắm Châu Đốc (tỉnh An Giang) nổi tiếng nhất vùng, vì hương vị và chất lượng khó nơi nào sánh kịp. Mắm Châu Đốc là sản phẩm được tạo ra của người dân Nam Bộ trong thời gian đầu khẩn hoang, lập ấp. Lúc đó, vùng ĐBSCL đất thì rộng nhưng thưa người; vào mùa nước nổi, tôm cá theo nước về nhiều, người dân đánh bắt được nên ướp mắm, phơi khô để tích trữ ăn dần. Có 2 cách làm thông dụng nhất là phơi khô hoặc ủ mắm, họ đã tạo ra các món ăn có thể dùng khi trời mưa gió hoặc những mùa khô cá ít. Vậy là món mắm ra đời và được lưu truyền đến nay, mắm và khô cá trở thành đặc sản nổi tiếng của An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Mắm Châu Đốc có nhiều loại, như: Mắm cá lóc, mắm cá linh, cá chốt, cá mè vinh, cá sặc… Nghề làm mắm đã trở thành nghề gia truyền, với bí quyết làm thế nào để chuyển hóa từ con cá tươi thành mắm mà không qua nấu nướng… phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cơ sở làm mắm. Mắm Châu Đốc có nhiều thương hiệu nổi tiếng, như: Mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Tư Ấu, mắm Cô Giáo Thảo, mắm 9999, mắm 6666… Mỗi cơ sở có bí quyết ủ ướp riêng đã tạo ra những thương hiệu nổi tiếng với những hương vị và chất lượng riêng biệt.

5 thg 4, 2022

Bảy Núi mùa khô

Sang tháng 4, nắng vẫn gay gắt thiêu đốt đất trời và màu xanh chưa thể phủ hết những cánh đồng cát trắng ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, miền đất này vẫn luôn mang những nét đặc thù riêng, dù đang trong mùa nắng cháy.

Núi Phú Cường (xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thời điểm này đã bắt đầu lún phún chồi non của lá. Những cơn mưa trái mùa đến rồi đi, để lại chút xanh tươi cho khung cảnh núi rừng. Mấy tán bằng lăng rừng được tưới tắm bỗng bừng tỉnh giấc, điểm xuyết màu tím miên man vào khung cảnh khô khốc trên triền dốc xa xa.

Nheo mắt nhìn lên núi Phú Cường, ông Nguyễn Văn Hai (người dân địa phương) gật gù: “Năm nay mưa sớm, nên mùa khô đỡ khốc liệt hơn. Mấy năm trước, vào tháng này cây cối còn trụi lá, chứ không đâm đọt như bây giờ. Theo tui biết, Phú Cường là một trong những núi khô nhất ở huyện Tịnh Biên, nên cứ sau Tết Nguyên đán là người ta lại lo tới chuyện giữ rừng. Có mưa sớm, người dân cũng được nhờ vì có thể xuống giống trồng cây ngắn ngày, trước khi bước vào mùa sản xuất chính trong năm khi họ tận dụng nguồn nước trời trong thời điểm mưa già”.

Nông dân Khmer thu hoạch lúa ruộng trên giữa mùa khô ở vùng Bảy Núi

22 thg 3, 2022

Có một An Giang “miễn phí”

Với nhiều du khách, An Giang là nơi của non nước hữu tình và những huyền tích linh thiêng. Cùng với đó, sự mến khách đặc trưng của vùng đất này còn nằm ở từ “miễn phí”.

Sẽ không bất ngờ, nếu lần nào đó vô tình du khách thấy những tấm bảng ghi từ “miễn phí” ở An Giang, nhất là điểm du lịch tâm linh vùng Bảy Núi. Người viết đã trao đổi với nhiều du khách, đa phần họ yêu mến cảnh sắc An Giang và có niềm tin đối với các bậc siêu nhiên. Bên cạnh đó, điều làm họ ấn tượng không kém chính là từ “miễn phí”. Cần khẳng định rằng, “miễn phí” ở đây không hàm chứa nghĩa "bố thí", mà đó là sự “gieo duyên”. Và đây trở thành nét đẹp trong suy nghĩ của du khách khi đến với vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.

Hương nếp, hương quê

Về thăm vùng đặc sản nếp Phú Tân (tỉnh An Giang) nhiều người khẳng định: “Đến xứ nếp mà chưa ăn qua bánh ít nếp nguyên hột là còn thiếu sót”. Ngoài bánh phồng Phú Mỹ, có lẽ loại bánh với vẻ ngoài bắt mắt này là “đặc sản” khiến nhiều người phải tìm kiếm cho bằng được.

Bánh ít nếp nguyên hột ở “xứ nếp” Phú Tân

10 thg 3, 2022

Những ngày đón Tết trong mây!

Trong những ngày xuân đến, đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chìm vào khung cảnh mây khói mông lung và phảng phất cái lạnh sắt se của Đà Lạt mộng mơ. Những ai đã trải nghiệm tiết xuân trên đỉnh núi mù mây này, sẽ thông thể quên cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục bởi sự hòa quyện giữa cảnh vật với lòng người.

Xuân của an yên

Có lẽ núi Cấm là nơi duy nhất ở miền Tây có cái sắc xuân lành lạnh của đất trời phương Bắc. Bởi thế, những du khách tại đồng bằng châu thổ đều mong muốn được một lần trải nghiệm mùa xuân mộng mơ ở nơi này. Đến núi Cấm mùa xuân, bạn sẽ thấy đất trời thay áo mới, với sắc xanh của lá, sắc thắm của hoa và chút miên man của mây ngàn hòa quyện vào khung cảnh nên thơ.

Dừng chân bên bờ hồ Thủy Liêm trong vắt, ngắm nhìn đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng khiến lòng người dịu lại, những muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến. Thi thoảng, mấy đám mây ở đâu kéo về sà xuống khiến mặt hồ bỗng chốc bồng bềnh như cõi xa xăm. Với người mộng mơ, đó là khoảnh khắc đẹp đến nao lòng. Với người thực tế, đó là chút nhẹ nhàng khi tâm thức sống trọn cùng cảnh vật.

7 thg 3, 2022

Tát đìa tháng Chạp!

Khi cơn bấc ở lại sau lưng, cũng là lúc dân miền Tây bước vào “mùa tát đìa”. Có lẽ, hình ảnh những con người “chân lấm, tay bùn” - theo đúng nghĩa đen - hì hụp mò từng con cá luôn là một phần ký ức của miền sông nước dân dã.

“Mùa tát đìa”

Không phải là mùa của nắng, của mưa, mà dân quê xưa nay có thói quen gọi những hiện tượng xuất hiện vào một thời điểm nhất định có tính chu kỳ, thu hút cộng đồng tham gia là “mùa”. Tát đìa cũng nằm trong số đó. Nói nôm na, khi đầu trên, xóm dưới cùng nghe tiếng máy chạy lạch tạch ở đìa nước, họ bảo nhau: “Vô tháng Chạp là tới mùa tát đìa!”.

Thật vậy, người ta phải chờ đến tháng Chạp mới tát đìa. Vì khi đó nước lũ rút đi, để lại những con cá đồng lẩn đâu đó dưới đìa, bào. “Người ta hay tát đìa nhỏ bằng tay, đìa lớn phải bơm nước bằng máy. Có người xài máy Kohler, có người chạy máy dầu, kiểu gì cũng được, miễn nước khô để bắt cá. Hồi trước cá nhiều lắm, tới lúc tát đìa, ai nấy xúm nhau coi. Cá nhiều tới mức phải đựng bằng cần xé. Khi đó, chủ đìa lựa một mớ cá ngon rộng ăn Tết, mớ biếu xóm giềng, dư nữa thì làm khô, ủ mắm” - ông Trịnh Quốc Bình (người dân xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) cho hay.

Chuyện về “người khổng lồ” Cao Nhà Bàn

Vùng Thất Sơn huyền bí một thời là cứ điểm, nơi dừng chân lý tưởng của nhiều nhà ái quốc làm cách mạng, bậc chân tu, người thất chí, thậm chí kẻ côn đồ muốn làm “anh hùng Lương Sơn Bạc”.Trong dòng chảy lịch sử đó, xuất hiện cụ Lê Văn Thùy (sau trở thành “người khổng lồ” Cao Nhà Bàn). Nhưng về nguồn gốc gia tộc, gia đình cụ, thậm chí ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ đặt cho cụ thì cả trăm năm còn chưa rõ.


Cụ Lê Văn Thùy đến vùng đất này với tâm thế người thất chí, vì hoàn cảnh gia đình. Sử sách cho biết, cụ Thùy (sinh khoảng năm 1849, mất năm 1925, làng Trung Lương, tỉnh Mỹ Tho) là con của một vị quan triều Nguyễn (bị tử trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp). Cụ Thùy biết chữ Nho, cùng vợ con sống đạm bạc ở làng quê. Qua một trận dịch bệnh hoành hành, vợ con chết hết, số người thân còn lại ít, thấy làng quê tiêu điều, cụ bỏ nhà vào vùng đất Thất Sơn. Ở trọ nhà của người quen (đoạn Nhà Bàng - Cây Mít, gần núi Trà Sư), cụ thường giao du, đàm đạo quốc sự với nhiều nhà sư và những người làm cách mạng.

2 thg 3, 2022

“Ông Hổ” trên xứ cù lao

Nhiều người biết đến xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) ngày nay với tên gọi quen thuộc là cù lao Ông Hổ. Nguồn gốc của tên gọi này gắn với giai thoại rất thú vị. Sự tồn tại của chùa Ông Hổ là minh chứng sinh động cho sự có mặt của “Ông Ba Mươi” trên xứ cù lao.

Tượng Ông Hổ ở cù lao Ông Hổ

Lòng tôn kính

Ông Hồ Văn Sẻn (sinh năm 1949, ngụ ấp Mỹ Long 2, xã Mỹ Hòa Hưng), nhà ở gần chùa Ông Hổ và cũng thường xuyên ghé thăm chùa, phụ chăm sóc hoa viên, cây cối. Ông Sẻn nhớ lại: “Ông bà tôi nhiều đời sống ở xứ cù lao này. Nghe ông nội tôi kể lại, lúc vợ chồng người chài lưới bắt gặp con vật nhỏ nằm ở đám cỏ trên sông, ông bà cứ nghĩ đó là con mèo nên vớt về nuôi, khi lớn lên mới phát hiện là hổ.

23 thg 1, 2022

Tản mạn về khô cá

Tận dụng nguồn nguyên liệu cá nước ngọt dồi dào, phong phú và đa dạng, người dân An Giang chế biến thành đủ loại khô trứ danh: Khô cá lóc, cá chốt, cá trèn, cá sặc, cá chạch… Loại nào cũng thơm ngon, độc đáo, đậm đà hương vị đặc trưng của quê hương miền sông nước.

Chẳng ai biết khô cá có tự bao giờ, ai là người đầu tiên làm ra khô cá. Chỉ biết, từ lâu khô cá trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình hàng ngày. Khô cá gắn bó thắm chặt, bền sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nét văn hóa không chỉ trong ẩm thực, mà còn trong đời sống của người dân phương Nam nói chung, An Giang nói riêng. Thường vào cuối mùa lũ, các loài cá đã trưởng thành, vừa to béo, vừa sinh sôi số lượng nhiều. Ăn không hết, nhà nhà làm mắm, phơi khô để dành ăn. Hầu như loài cá nào cũng có thể làm khô được. Có bao nhiêu loại cá trên sông thì có bấy nhiêu loại khô cá. Tên khô được đặt theo tên cá để dễ phân biệt, dễ nhớ.

15 thg 12, 2021

Chợ ở Châu Phú xưa và nay

Qua nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Phú 1930 – 2015, tái bản lần thứ I năm 2016, cho chúng ta biết trong những ngày đầu khai hoang, mở đất Châu Phú đầy gian khổ, hiểm nguy. Những lưu dân người Việt từ mọi miền đất nước về đây tạo lập nên những thành quả rất đáng tự hào, để có một huyện Châu Phú sung túc, tươi đẹp như hôm nay.

Với hoàn cảnh khác nhau, họ đến đây cùng một mục đích là mưu cầu cuộc sống, họ đã sống và gắn chặt với thiên nhiên, chiến thắng tất cả nỗi sợ “Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”, họ đã biến tất cả những gì có sẵn trên mảnh đất “Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma” này trở thành những thứ ngọt lành để phục vụ cho chính nhu cầu trong đời sống thường ngày của họ.

30 thg 11, 2021

Thương mùa điên điển vàng đồng!

Mùa lũ năm nay, con nước về chậm, con cá còn chưa kịp lớn đã vội ra sông lớn nhưng bông điên điển vẫn lấm tấm vàng trên những tán lá non. Mặc cho dịch COVID-19 đã làm cuộc sống thay đổi ít nhiều, nhưng điên điển vẫn hiện hữu ở những góc quê mùa lũ và giữ nguyên vẻ đẹp chân chất, bình dị mà quá đỗi thân thương.

Mùa điên điển buồn

Chẳng biết tạo hóa có cho điên điển thứ giác quan đặc biệt nào không, nhưng mấy nụ “mai vàng mùa lũ” ấy dường như cũng đi theo con nước. Nước chưa ngập đồng, điên điển cũng chẳng có bông. Nước lé đé bờ kênh, mới thấy chút sắc vàng hé lên trong cái màu non tươi của lá. Với dân quê, điên điển là chút gì đó của mùa lũ xưa còn sót lại, là ký ức và cũng là nỗi nhớ tuổi thơ.

1 thg 11, 2021

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 3: Tín ngưỡng dân gian

Thiên Cấm Sơn vốn được xem là một trong những ngọn núi kỳ bí, ẩn chứa nhiều huyền thoại thu hút du khách. Nơi đây có những điện thờ linh thiêng được hình thành từ dòng chảy của lịch sử và tín ngưỡng tâm linh dân gian.

Tín ngưỡng dân gian

Từ lịch sử…

Nằm cách vồ Thiên Tuế không xa, men theo những lối mòn chạy lẫn khuất dưới bóng râm bạt ngàn của cây rừng, chúng tôi đến điện Gia Long, điểm thờ cúng được khá nhiều người dân lui tới. Dịp đầu năm, rất nhiều du khách đến viếng điện Gia Long với niềm tin sẽ được ban phước lành. Gọi là điện nhưng thực tế đó chỉ là một ngôi miếu nhỏ được cất trên tảng đá lớn, sơn màu đỏ, bên trong đặt chân dung Đức Thế tổ Nguyễn Ánh.

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 2: Trứ danh vồ Thiên Tuế

Ngày trước, các bậc tiền nhân đến vồ Thiên Tuế khai sơn phá thạch và tìm am cốc để tu tiên. Sở dĩ có tên gọi vồ Thiên Tuế vì nơi đây hiện hữu nhiều cây thiên tuế cổ thụ, một địa danh nổi tiếng bậc nhất núi Cấm.

Vồ Thiên Tuế vắng bóng… cây thiên tuế

Từ con đường chính ở lưng chừng núi Cấm, rẽ phải là đến vồ Thiên Tuế. Dưới một tảng đá to, người dân thờ sơn thần lúc nào cũng nghi ngút khói nhang để khách hành hương đến viếng. Nhiều giai thoại cho rằng, xưa kia ở vồ Thiên Tuế có bãi đất trống nên Đức Phật Thầy Tây An đã chọn làm nơi tu hành thành đạo. Theo đó, vồ Thiên Tuế có 3 điểm còn lưu dấu bậc cao nhân, gồm: Nơi thiền của Đức Phật Thầy Tây An, nơi phát nguyện của vua Hàm Nghi và giếng nước của vua Gia Long…

Cây thiên tuế bị bứng gốc.

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 1: Vồ Đầu lưu dấu cao nhân

Từ lâu, núi Cấm (Tịnh Biên) được xem là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách xa gần. Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ và nghe kể về những câu chuyện kỳ bí của các bậc tiền nhân.

Vồ Đầu lưu dấu cao nhân

Sáng sớm, sương giăng bảng lảng trên đỉnh Thiên Cấm sơn, nhiều đoàn khách nối đuôi nhau vượt dốc. Lên đến vồ Đầu, người nào cũng lấm tấm giọt mồ hôi. Chốc chốc, cái se lạnh dễ chịu của núi rừng ùa về xua đi phần nào mệt nhọc.

Như được tái sinh:

Ở độ cao khoảng 600m, hướng Tây Bắc, cách tượng Phật Di Lặc khoảng 3km, vồ Đầu nằm trong 5 non gồm: Vồ Bò Hong, vồ Bà, vồ Ông Bướm và vồ Thiên Tuế. Nếu đi bộ khu vực tượng Phật Di Lặc đến vồ Đầu mất khoảng 1 giờ đồng hồ, còn đi bằng xe gắn máy chỉ mất khoảng 25 phút. Theo dân gian truyền miệng, vồ Đầu được xem là vồ đầu tiên của núi Cấm. Ở vồ Đầu có 2 điểm du lịch tâm linh huyền bí là điện 13, thờ Hoa Sơn Thánh Mẫu và cửu huyền trăm họ. Khách hành hương quan niệm rằng, đến núi Cấm phải chinh phục cho được điện 13 bằng cách đi qua các khe núi, rồi chui vào sâu trong mê cung đá để trải lòng. Có người chui ra khỏi hang và thốt lên, điện 13 y như hang “mẹ sanh mẹ đẻ”. Họ còn quan niệm, nếu chui qua điện 13 thì giống như được sanh ra một lần nữa trong cõi trời đất này. Điện 13 âm u tĩnh mịt chui qua rất khó khăn, do đó phải thắp sáng bằng nến thì mới thấy đường đi. Khi đến những nơi sâu và hẹp phải hít sâu lồng ngực mới lách qua được các “ải” của núi đá. Bên trong hang điện 13 sâu và dài khoảng 50m, khiến nhiều người phải “ngộp” khi lần đầu tiên chui qua.

Vồ Đầu.

1 thg 10, 2021

Hai lần xuất gia

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông (nguyên mẫu của nhân vật ni sư Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”) nếu kể một cách vắn tắt thì chỉ gói gọn trong hai lần xuất gia. Nhưng mấy ai thấu hiểu được những giằng xé tâm tư, ray rứt giữa đạo và đời trong lòng bà, giữa những lần xuất gia ấy. Tác phẩm này như một lời tự sự đầy trăn trở của bà, qua góc nhìn của nhà báo Gia Khánh.


Một buổi sáng cuối tháng 5-2021, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông (thế danh Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đưa mắt nhìn lên trần nhà, nghe cơn mệt mỏi thấm dần vào từng tế bào cơ thể. Những đợt nằm viện ngày càng nhặt, thời gian mỗi đợt ngày càng dài, có khi cả tháng trời, để bà cảm nhận rõ nét tuổi già, lực kiệt.

Người chiến sĩ biệt động đầy sức sống năm xưa, giờ chỉ còn là quá khứ. Bao nắng mưa sương gió, khói lửa chiến tranh đã dừng lại đâu đó trong ký ức. Muốn quên, quên không đặng. Muốn nhớ, lại chẳng nhớ được nhiều!

2 thg 8, 2021

Mùa măng tầm vông

Thường xuất hiện vào mùa mưa, măng tầm vông mang đến cho người dân xứ núi bữa ăn đa dạng, phong phú hơn. Măng tầm vông còn giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có thêm thu nhập từ việc bán măng cho du khách.

Cây trồng đặc biệt

Từ bao đời nay, cây tầm vông đã gắn liền với đời sống người dân huyện miền núi Tri Tôn nói chung, đồng bào DTTS Khmer nói riêng. Loại cây trồng này không những giúp cho nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập từ việc canh tác, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương thông qua việc uốn cây.

Tầm vông là loại cây khá đặc biệt, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu thấp. Càng đặc biệt hơn, khi cây trồng này không cần tưới nhiều nước, lại chịu hạn rất tốt, cho dù điều kiện thời tiết có khô hạn đến đâu cây tầm vông cũng sống và phát triển được. Do đó, loại cây trồng này rất thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như huyện miền núi Tri Tôn. Cây tầm vông tập trung nhiều ở xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc, đồng thời xuất hiện rải rác ở các địa phương, như: Lê Trì, Ô Lâm, Cô Tô...

13 thg 7, 2021

Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê

Di tích Văn hóa Óc Eo được tìm thấy trải dài ở các tỉnh Nam bộ, là nền văn hóa thuộc Vương quốc Phù Nam (từ thế kỷ thứ I - VII sau công nguyên). Di tích được phát hiện năm 1942, được Malleret (1901-1970, học giả người Pháp) khai quật lần đầu tiên vào năm 1944.

Quần thể Khu di tích Óc Eo - Ba Thê có diện tích 450ha với nhiều loại hình di tích phong phú, đa dạng. Theo nghiên cứu khảo cổ, vùng đất này trước đây nằm trên trục thủy đạo chính (Lung Lớn) lại gần bờ biển, có vị thế là trung tâm thương mại sầm uất. Nơi đây còn có ngọn núi cao (núi Ba Thê ngày nay) cung cấp nguồn nước ngọt, nguyên liệu đá, cát cho xây dựng, nguyên liệu cho nghề kim hoàn…

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt, nhằm tôn vinh giá trị to lớn của 1 trong 3 nền văn hóa cổ Việt Nam là: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo.

Những năm qua, tỉnh An Giang đã tiếp nhận 8.089 hiện vật do nhân dân hiến tặng và kiểm kê được 84 di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 - 2020, có trên 50.300 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn nền văn hóa độc đáo này.

Chùa Linh Sơn (chùa Phật Bốn Tay) dưới chân núi Ba Thê

4 thg 7, 2021

Hoài niệm Vĩnh Tế Sơn, Tân Lộ Kiều Lương

Để người dân TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) và du khách hiểu về truyền thống lịch sử, sự gian khổ, hy sinh của các bậc tiền nhân đã khai phá và giữ gìn từng tấc đất quê hương, là cội nguồn của dân tộc và đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam bộ, UBND TP. Châu Đốc vừa tổ chức Lễ phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương.

Trong quá trình mở mang và phát triển bờ cõi phía Nam, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã có nhiều đóng góp to lớn về kinh tế, quốc phòng và đời sống của người dân vùng đất An Giang, như: đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, đắp đường Tân Lộ Kiều Lương… Quá trình khai phá này được ghi trên bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương. Bia Vĩnh Tế Sơn được dựng năm 1828 (sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế 4 năm), bia cao hơn đầu người bằng loại đá sa thạch.

Theo thời gian, do để ngoài trời chịu nhiều mưa, nắng nên mặt đá bị bào mòn, chữ còn, chữ mất. Bia Tân Lộ Kiều Lương cũng được dựng lên cùng năm với bia Vĩnh Tế Sơn, sau khi hoàn thành con lộ Châu Đốc - Núi Sam. Ngày nay, bia không còn nhưng văn bia vẫn còn trong sử sách.

Phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn tại lăng Thoại Ngọc Hầu

16 thg 6, 2021

Mùa trâm Bảy Núi

Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, cũng là lúc những cây trâm sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên ở vùng Bảy Núi bắt đầu ra hoa, kết trái. Đó là món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng đất nơi đây.


Trâm là loại cây thân gỗ, cao, khỏe, nhiều cành lá xum xuê. Cây trâm sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng 7 năm tuổi bắt đầu cho trái, tuổi thọ kéo dài cả trăm năm. Hàng năm, cây trâm cho ra hoa khoảng giữa tháng 3 và cho thu hoạch trái dài đến tận tháng 6 (âm lịch). Trâm ra hoa rồi kết trái thành từng chùm. Trái trâm lúc còn non có màu xanh, khi già chuyển sang đỏ, lúc chín có màu tím đen, to gần bằng đầu ngón tay. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng.

21 thg 5, 2021

Thăm dinh Ông Thẻ

Gắn liền với những huyền thoại ly kỳ liên quan đến giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, dinh Ông Thẻ là một trong những di tích đặc biệt được người dân giữ gìn, tôn tạo cho đến ngày nay. Đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về công lao của các bậc tiền nhân thời mở đất.

Dọc theo con đường nhựa uốn lượn bên bờ rạch Cây Gáo, tôi đến dinh Ông Thẻ (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) để tham quan di tích văn hóa đặc biệt này. Với tên gọi đặc biệt, dinh Ông Thẻ mang trong mình quá trình hình thành, phát triển đậm màu sắc tâm linh.

Theo Ban bảo vệ di tích dinh Ông Thẻ, dinh được hình thành từ thời khai hoang mở đất của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cùng các đệ tử. Trong đó, “ông thẻ” lại gắn liền với Quản cơ Trần Văn Thành, người anh hùng kháng Pháp với cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa vang danh lịch sử. Đến dinh Ông Thẻ, tôi khá bất ngờ với hình dáng “ông thẻ”. Đó là một cây gỗ tròn đường kính chừng 1 tấc, dài 1,2m, đầu thẻ chạm búp sen, thân thẻ khắc 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Người dân thường cầu nguyện “ông Thẻ” phù hộ cho cuộc sống của mình