21 thg 5, 2021

Thăm dinh Ông Thẻ

Gắn liền với những huyền thoại ly kỳ liên quan đến giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, dinh Ông Thẻ là một trong những di tích đặc biệt được người dân giữ gìn, tôn tạo cho đến ngày nay. Đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về công lao của các bậc tiền nhân thời mở đất.

Dọc theo con đường nhựa uốn lượn bên bờ rạch Cây Gáo, tôi đến dinh Ông Thẻ (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) để tham quan di tích văn hóa đặc biệt này. Với tên gọi đặc biệt, dinh Ông Thẻ mang trong mình quá trình hình thành, phát triển đậm màu sắc tâm linh.

Theo Ban bảo vệ di tích dinh Ông Thẻ, dinh được hình thành từ thời khai hoang mở đất của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cùng các đệ tử. Trong đó, “ông thẻ” lại gắn liền với Quản cơ Trần Văn Thành, người anh hùng kháng Pháp với cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa vang danh lịch sử. Đến dinh Ông Thẻ, tôi khá bất ngờ với hình dáng “ông thẻ”. Đó là một cây gỗ tròn đường kính chừng 1 tấc, dài 1,2m, đầu thẻ chạm búp sen, thân thẻ khắc 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Người dân thường cầu nguyện “ông Thẻ” phù hộ cho cuộc sống của mình

Tương truyền rằng, Phật Thầy Tây An và các đệ tử đã đến vùng Bảy Núi tìm gỗ lào táo để vuốt thành các cây thẻ. Có tổng cộng 5 cây thẻ được cụ Đoàn Minh Huyên nhờ Quản cơ Trần Văn Thành đem chôn ở 4 phương khác nhau và 1 cây thẻ cắm ở vị trí trung tâm, tạo thành thế “ngũ long trấn phục” để phá yểm và hun đúc hồn thiêng sông núi cho vùng đất "Chín Rồng" bay lên. Khi phát hiện cây thẻ bên bờ rạch Cây Gáo, người dân thời xưa tin tưởng đó là vật thiêng sẽ mang đến điềm lành. Họ đã lấy nón đội cho cây thẻ và trang trọng gọi là “ông thẻ” cho đến hôm nay.

Thấy người dân ngày càng tín ngưỡng “ông thẻ”, hương cả làng Bình Long là ông Trần Văn Mỹ đã cho lập miếu thờ vào khoảng năm 1870, tức là 19 năm sau thời điểm Quản cơ Trần Văn Thành đến đây cắm thẻ. Với sự hình thành của ngôi miếu nhỏ đầu tiên đã đánh dấu thời kỳ lịch sử với dấu ấn khai hoang của cha ông ở một vùng đất xưa kia là rừng thiêng nước độc, ít người lui tới. Năm 1930, miếu Ông Thẻ được trùng tu vững chãi hơn nhưng vẫn bằng tre lá. Năm 1956, miếu được xây dựng kiên cố với nhà Bát quái, chánh điện và hậu điện. Năm 2016, dinh Ông Thẻ được trùng tu kiên cố, to đẹp như hôm nay.

Nhà Bát quái, nơi đặt trang thờ “ông Thẻ”

Nhà Bát quái là nơi thờ tự “ông thẻ” với kiến trúc tứ trụ tạo nên cổ lầu giữa hai cấp mái. Nơi đây đặt trang thờ “ông thẻ” và được người dân thường xuyên tới lui cúng bái. “Ông thẻ” được quấn bằng vải đỏ, đặt trong tủ kính khá trang trọng. Người dân địa phương truyền miệng rằng, mỗi khi con người bị bệnh hay gặp tai ương mà thành tâm khấn nguyện “ông thẻ” thì sẽ qua khỏi. Do đó, họ thường xuyên đến dinh để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Ngoài ra, trong chánh điện còn có bàn thờ Bác Hồ, Phật Thầy Tây An, cụ Nguyễn Trung Trực, Quản cơ Trần Văn Thành và người vợ Nguyễn Thị Thạnh, ông Trần Văn Nhu (con trai Quản cơ Trần Văn Thành), đội Binh Gia Nghị... Có thể nói, cách bày trí các gian thờ trong dinh Ông Thẻ nói lên sự tôn kính của người dân địa phương, nhằm ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân, những nhà yêu nước đã xả thân vì dân tộc. Đó là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, luôn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.


Theo lý giải của Ban bảo vệ di tích dinh Ông Thẻ, việc Quản cơ Trần Văn Thành đi cắm thẻ là để giữ thế đắc địa “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, tránh bị giặc ngoại xâm phá hoại. Nhìn bề ngoài thì đây là hình thức phá yểm, những thực tế là nhằm phong định cương thổ. Việc làm đó của người xưa đã tác động tích cực đến ý thức bảo vệ đất đai mà tổ tiên đã dày công khai phá của thế hệ hôm nay.

Để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân, Ban Bảo vệ di tích dinh Ông Thẻ đã tổ chức nhiều lễ cúng quan trọng. Trong đó, trọng thể nhất là lễ cúng “ông thẻ” vào ngày 16,17 tháng 8 (âm lịch) và lễ cúng Quản cơ Trần Văn Thành vào các ngày 20, 21, 22 tháng 2 (âm lịch) hàng năm.

Dinh Ông Thẻ là di tích có giá trị cao về mặt lịch sử gắn liền quá trình khai hoang mở đất của người xưa, với hiện vật là cây thẻ có niên đại 150 năm. Về giá trị văn hóa, dinh có các hình thức thờ tự mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bao lớp người sinh ra trên vùng đất Châu Phú xưa và nay. Do đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Ban Bảo vệ di tích dinh Ông Thẻ trong công tác giữ gìn, tôn tạo dinh, cũng như phát huy những giá trị văn hóa tinh thần to lớn để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ hôm nay.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét