17 thg 8, 2021

Nghĩ về địa danh Bà La và vài địa danh khác theo từ nguyên học

Trong một cuốn sách viết về địa danh ở vùng Ninh Thuận - Bình Thuận, các tác giả có trình bày nguồn gốc của địa danh Bà La như sau: tại xóm này có một bà già trước đây thường rầy la con cháu nên khi bà qua đời, người địa phương đã gọi tên xóm nơi bà ấy sinh sống là xóm Bà La, sau trở thành tên ấp.

Cách lý giải theo từ nguyên học dân gian này có mấy điểm hạn chế sau đây. Trước hết, ở địa phương này (vùng Ninh Thuận - Bình Thuận có 4.557 đơn vị) cũng như ở các nơi khác (như cả Nam bộ có trên 400 đơn vị) không hề có địa danh tương tự như Bà Chửi, Bà Mắng, Bà Hét,…

Kế đến, chỉ mới có một địa danh mang từ Bà chắc chắn chỉ phụ nữ là chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM). Bà đó tên là Nguyễn Thị Hoa, vốn là người Bắc di cư vào Nam năm 1955. Năm 1967, bà có một tiệm buôn lớn và sau đó đầu tư xây dựng chợ tại đây nên chợ mang tên bà. Sau ngày 30.4.1975, bà xuất ngoại, định cư ở nước ngoài, thỉnh thoảng có về thăm quê.

Miếu Bà Rà nơi tưởng nhớ những tù binh chính trị.

Ngoài ra, nhiều địa danh mang từ Bà ở trước, vốn bắt nguồn từ nhiều yếu tố không phải là Bà như sau: Ở tỉnh Bình Phước, có địa danh Bà Rá. Bà Rá bắt nguồn từ một từ gốc tiếng S’tiêng B’rah, nghĩa là “thần linh”, vì người địa phương tin rằng trên núi có thần linh ở. Vậy phụ âm B đã được âm tiết hóa thành Bà.

Tiếp theo, ở TP.HCM, tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, có rạch Bờ Băng, bị nói chệch thành rach Bà Băng; ở Bến Tre có kênh Bờ Đập cũng bị nói chệch thành Bà Đập. Sở dĩ Bờ bị nói chệch thành Bà vì hai nguyên âm –a và –ơ đều là nguyên âm hàng sau không tròn môi nên dễ chuyển đổi với nhau. Vì thế, theo GS Lê Ngọc Trụ, trong Tầm nguyên tự điển Việt Nam, tá trong phụ tá chuyển thành (đày) tớ, san cũng đọc sơn, đàn cũng gọi đờn.

Mặt khác, ở tỉnh Tiền Giang có kinh Bàu Bèo đã bị nói chệch thành Bà Bèo; ở TP.HCM có các địa danh Bàu Môn, Bàu Hom, Bàu Hói, đã bị phát âm và viết thành Bà Môn, Bà Hom, Bà Hói. Sở dĩ ở bốn địa danh trên từ Bàu đã bị chệch thành Bà vì 8 yếu tố cấu tạo thành bốn địa danh trên đều có nhóm nguyên âm sau tròn môi –u, ô, o nên khi phát âm, người nói phải uốn môi, khó phát âm hơn, phải dị hóa thành Bà để dễ nói hơn (vì đã loại bỏ nguyên âm tròn môi – u trong từ Bàu).

Như vậy, Bàu đã bị dị hóa thành Bà.

Thành phố Bà Rịa ngày nay.

Ngoài ra, địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tiếng Chăm Po Riyak, nghĩa là “thần trấn sóng” vì người Chăm tin rằng khi gặp sóng to, gió lớn, họ van vái thần này thì sẽ được sóng yên bể lặn và thoát nạn. Vậy Po đã bị nói chệch thành Bà.

Mặt khác, một số từ La trong địa danh Việt Nam đã được xác định nguồn gốc như sau. La trong Sơn La là từ của tiếng Tày-Nùng, nghĩa là “cây lựu”; La trong tên sông và tên thôn Hà La ở Quảng Trị trong tiếng Vân Kiều là “sông”, láy nghĩa với từ Hán Việt Hà, cũng là “sông”; La trong xóm Hà La (Nha Trang) là biến âm của Ra trong tên cầu Hà Ra (Nha Trang); sông La Ngà ở Bình Thuận bắt nguồn từ tiếng Cơ Ho Lơnga nghĩa là “hột mè”vì trong lòng sông này có nhiều tảng đá đen, trắng lô nhô giống những hạt mè.

Còn La nghĩa là “la hét” không hề xuất hiện trong hơn 400 địa danh ở Nam bộ cũng như ở một nơi nào khác.

Tóm lại, không thể chỉ hiểu nghĩa địa danh Bà La là “người đàn bà có thói quen ‘la hét’”.

***

Từ nguyên học (etymology) là một bộ môn của ngôn ngữ học, chuyên giải thích nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình biến đổi của các từ tổ, trong đó có địa danh. Chẳng hạn cụm từ tháng giêng bắt nguồn từ từ ngữ Hán Việt chính nguyệt. Địa danh Bình Định ra đời năm 1799, năm mà quân Nguyễn Ánh chiếm được thành Qui Nhơn, căn cứ cuối cùng của nhà Tây Sơn, nên Nguyễn Ánh đổi tên thành Qui Nhơn là thành Bình Định, sau đó Bình Đình trở thành tên tỉnh và có nghĩa là dẹp yên cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.

Căn cứ vào giá trị của kết quả nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học chia ngành học này thành hai phần:

Từ nguyên học khoa học là bộ phận nghiên cứu từ nguyên dựa vào các quy luật biến đổi ngữ âm và ngữ nghĩa nên đã đưa đến những kết quả chính xác, đáng tin cậy, như hai thí dụ vừa nêu.

Còn từ nguyên học dân gian là bộ phận nghiên cứu từ nguyên không dựa vào các quy luật biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa mà giải thích theo sự suy điễn chủ quan của bản thân, nên không có giá trị chính xác, đáng tin cậy.

Xin nêu một thí dụ về hai cách giải thịch theo hai hướng trên về địa danh Cần Giờ ở TP.HCM. Theo tài liệu viết tay của Trương Vĩnh Ký, mà chúng tôi đã đọc trực tiếp ở Thư viện Khoa học xã hội TP.HCM, trước hết ông viết chữ Cân Giờ bằng chữ Khmer, phiên âm cách đọc, rồi ông giảng giải bằng tiếng Pháp nghĩa của từ đó là “cái thúng” và sau cùng ông viết sở dĩ vùng đất được gọi là Cần Giờ vì nơi đây cư dân thường dùng thuyền thúng để di chuyển.

Bãi biển Cần Giờ.

Còn một tác giả gần đây có viết cuốn sách về lịch sử huyện Cần Giờ cho rằng Cần Giờ vốn chỉ “cài cần để đo giờ” và nêu môt bằng chứng là trước đây có lần quân Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt đuổi, Nguyễn Ánh phải cắm một cái cần rồi căn cứ vào bóng cây cần này nhằm biết thời giờ trôi qua để chạy thoát. Chúng tôi đã kiểm tra tài liệu thì không thấy cụm từ cần giờ xuất hiện trong bất cứ từ điển cũ nào và sự kiện Nguyễn Ánh cắm cái cần để biết thời giờ trôi qua không hề được ghi chép trong bất cứ tài liệu lịch sử nào.

Xin nêu thí dụ thứ hai. Dưới thời Pháp thuộc có một người Pháp giải thích nguồn gốc Bà Rịa như sau: Ở thế kỷ XIX, có bà Nguyễn Thị Rịa, quê ở Bình Định, vào Nam Bộ lập nghiệp, có công khẩn hoang được mấy trăm héc-ta đất, sau đó đã hiến dâng số đất này cho chính quyền địa phương và mộ bà hiện còn ở địa phương này.

Rất tiếc, nhiều nhà nghiên cứu sau này cứ theo lý giải của ông Tây này và xem như chân lý. Ngày nay, có người đã xác định được từ nguyên của từ Bà Rịa: do cụm từ Po Riyak của dân tộc Chăm, chỉ vị “thần trấn sóng”, nghĩa là khi gặp sóng to gió lơn người Chăm van vái vị thần này để được sóng yên bể lặng và thoát nạn.

Xin dẫn thí dụ cuối cùng. Có người trước đây cho rằng địa danh Cần Thơ bắt nguồn từ việc một hôm có đoàn du khách đi thuyền trên sông Hậu, thấy cảnh gió mát, trăng thanh rất hữu tình nên nổi hứng đòi làm thơ, tức là cần làm thơ để thỏa mãn hừng thú. Thật ra, Cần Thơ bắt nguồn từ tên cá Kìn Tho, người địa phương gọi là cá sặt rằn hay cá lò tho, xuất hiện nhiều ở đây.

Nghiên cứu địa danh rất cần từ nguyên học khoa học, không cần từ nguyên học dân gian.

Lê Trung Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét