13 thg 8, 2021

Hồng Lĩnh - nối mạch đất thiêng

Nếu nói Hà Tĩnh là đất cổ Việt Thường thì vùng đất thuộc Minh Giang, Kẻ Treo, Kẻ Bấn, Kẻ Vọt xưa, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngày nay là trung tâm của vùng đất ấy. Theo hành trình phát triển của lịch sử, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh, vùng đất này đã có những bước chuyển to lớn.

Một góc thị xã Hồng Lĩnh ngày nay

Vùng đất cổ thấm đẫm huyền sử

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các sử gia từ nhiều đời khẳng định: Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt. “Tổ tiên nước Việt ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh Dương Vương” (sử gia Ngô Thì Sĩ) (*). Thuở ban đầu, đế đô của Kinh Dương Vương được chọn là vùng đất thuộc núi Hồng Lĩnh, sau này mới chuyển ra Phong Châu (Phú Thọ ngày nay) nên ở Hồng Lĩnh vẫn còn lưu lại nền đất cũ cố đô.

Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân và Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng. Người ta cũng đã khai quật được ở đây nhiều di vật chứng tỏ con người đã đến sống ở đây từ rất lâu. PGS-TS-NGND Hoàng Văn Khoán trong một bài viết của mình đã khẳng định: “Dưới chân núi Hồng Lĩnh, con người đến sinh sống từ hậu kỳ đồ đá mới thuộc hệ thống văn hóa Bàu Tró cách đây 5.000 năm”. Nhiều hội nghị, hội thảo cũng đã khẳng định: Hồng Lĩnh là vùng đất chứa đựng nhiều huyền sử, nhiều giá trị lịch sử tồn tại cùng thời gian.

Thời Quang Thuận (1446), Hồng Lĩnh thuộc phủ Đức Quang (sau này là phủ Đức Thọ) nằm giữa ranh giới huyện Thiên Lộc và huyện Nghi Xuân. Từ năm 1842-1851 thuộc huyện Thiên Lộc. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nửa tổng Trung Lương gồm Vĩnh Ninh, Ngọc Sơn, Vân Chàng, Bình Lãng hợp nhất thành xã Thiên Thuận. Năm 1949, Thiên Thuận hợp với Hồng Tiến thành Hồng Thuận và chuyển về huyện Đức Thọ (*).

Năm 1954, Hồng Thuận chia làm hai xã là Đức Hồng và Đức Thuận. Ngày 19/9/1981, thị trấn Hồng Lĩnh thuộc huyện Đức Thọ được thành lập. Ngày 2/3/1992, TX Hồng Lĩnh được thành lập theo Quyết định số 67-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với diện tích hơn 5.800 ha, dân số hơn 3 vạn người, gồm 2 phường, 4 xã.

Tôi đã đi về vùng đất này không biết bao nhiêu lần, dù biết cảnh vật nhiều thay đổi qua từng mốc thời gian mà vẫn muốn gọi các địa danh ở đây bằng tên cũ: Ngàn Hống, Kẻ Bấn, Kẻ Treo, Bãi Vọt (Treo Vọt), Minh Lương, Vân Chàng, Giao Tác, Độ Liêu… Con sông Minh chạy dọc phía Bắc tuy nhỏ nhưng là một nhánh của sông Lam, chảy vòng qua Can Lộc, hợp lưu với nhiều con sông rồi qua Thạch Hà, đổ ra Cửa Sót nên sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh hay gọi: “Đầu Mênh cuối Sót” (Mênh là Minh). Hai bên bờ sông vẫn thấp thoáng cảnh chài lưới của một vùng sông nước.

Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng là một trong những nghi lễ truyền thống trong chương trình Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh tư liệu

Gắn với núi sông chất chứa nhiều linh khí là một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phản ánh đời sống tâm hồn và sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây với 36 ngôi đền, miếu, am, nhà thờ và 13 ngôi chùa. Đền Cả ở phía Bắc, đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ ở phía Nam, chùa Đại Hùng, chùa Thiên Tượng, chùa Hang nằm trên dãy Ngàn Hống chứa đựng bao huyền tích.

Khai thác trầm tích, nối mạch đất thiêng

Gần 20 năm với tên gọi TX Hồng Lĩnh, Đảng bộ và Nhân dân nơi đây tự hào vì được sống trên mảnh đất thiêng, quyết tâm xây dựng đô thị phía Bắc hiện đại, văn minh, năng động và phát triển. Hiện nay, TX Hồng Lĩnh có 5 phường: Bắc Hồng, Nam Hồng, Đậu Liêu, Trung Lương, Đức Thuận và xã Thuận Lộc với 52 thôn, tổ dân phố, dân số thường trú 46.782 người. TX Hồng Lĩnh đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị loại III trước năm 2025.

Hiện nay, trên địa bàn có hơn 60 doanh nghiệp và 610 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động. Hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) ngày càng được hoàn thiện. Thị xã cũng đã thành lập 2 CCN, hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ngành công nghiệp từng bước trở thành động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế của TX Hồng Lĩnh.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tập thể Ban Thường vụ Thị ủy đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư CCN Cổng Khánh 1 và 2. Đến nay, thị xã đã thu hút 34 dự án phát triển công nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 1.950 tỷ đồng; trong đó, 6 tháng đầu năm thu hút mới 3 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 611,2 tỷ đồng; đường tránh quốc lộ 1, 1B và dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vừa khởi công cùng quốc lộ 1, quốc lộ 8B đang góp phần tạo ra những lợi thế về giao thông cho TX Hồng Lĩnh.

Văn hóa truyền thống được coi là tài sản vô giá của vùng đất này. Chính vì vậy, Khu di tích Đại Hùng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng với diện tích 42 ha bao gồm các hạng mục: chùa Hạ, chùa Thượng và kinh đô Ngàn Hống. TX Hồng Lĩnh đang có kế hoạch nâng cấp lễ hội đền Hùng thành lễ hội cấp tỉnh.

Phối cảnh một góc quy hoạch khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng

3 di tích của TX Hồng Lĩnh đã được công nhận di tích quốc gia là đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, quần thể chùa và hồ Thiên Tượng, nhà thờ Song Trạng thờ Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều được Nhân dân lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống.

Như từ thuở hồng hoang, Ngàn Hống - Hồng Lĩnh, dãy núi linh thiêng mãi là mái nhà vững chãi cho đô thị trẻ vững vàng tựa lưng vươn tới.
____________

(*) Trích kỷ yếu tại hội thảo "Hồng Lĩnh, huyền sử, lịch sử và đương đại", Do Viện sử học, Sở VH-TT&DL, UBND thị xã Hồng Lĩnh phối hợp tổ chức tại thị xã Hồng Lĩnh tháng 8/2016

Bùi Minh Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét